Phút đoàn viên của cụ Ngữ, Bậu và Yang Jianfeng - Ảnh: Tấn Lực |
Không phải trở về trong đói khát và bầm giập như nhiều người khác, chị xuất hiện với nhẫn vàng trên tay cùng một người chồng Trung Quốc dễ mến.
Cuộc chia ly bất ngờ
Ngồi nắm chặt đôi tay người mẹ già nhiều năm xa cách, chị Bậu kể ngày trước vẫn thường gánh mít ra thị trấn Tân An đón xe đò đi Huế buôn bán kiếm tiền đong gạo.
Ngày 14-4-1994, sau chuyến buôn như mọi lần, chị đón xe đò quay về Quảng Nam. Lên tới đèo Hải Vân xe bị banh lốp phải dừng lại sửa.
Chị bước xuống xe, định đi vào quán nước bên đường ngồi nghỉ thì bất ngờ một phụ nữ trong đám đông vỗ nhẹ vào vai từ phía sau. Chị bảo từ giây phút đó không còn suy nghĩ được gì, chỉ biết lẽo đẽo đi theo người phụ nữ lạ.
Sau hai ngày ngồi xe, người phụ nữ này đưa chị tới thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc bán cho một đường dây buôn người với giá 2.000 nhân dân tệ.
Lúc này biết bị lừa, chị đòi quay về nhưng không được. Họ giam lỏng chị cùng một số cô gái Việt. Toàn bộ tư trang, giấy tờ tùy thân bị thu giữ hết.
Vài ngày sau, người đàn ông tên Yang Jianfeng đến coi mắt các cô gái rồi chọn chị làm vợ.
Jianfeng dẫn Bậu về ra mắt bà con nhà mình tại thôn Văn Thành, thị trấn Đại Luân (thành phố Bắc Lưu, tỉnh Quảng Tây) bằng một bữa cơm thay cho lễ cưới.
Bậu sợ hãi người lạ, thêm phần nhớ mẹ già và con nhỏ nên không chịu làm việc mà khóc lóc hơn nửa năm. Nhưng không như lo sợ của Bậu, Jianfeng hiền lành và luôn tỏ ra quan tâm cô gái mình mua về.
Biết không thể trở về Việt Nam được, dần dần Bậu cũng chấp nhận người chồng này. Bậu bắt đầu học tiếng Trung Quốc từ Jianfeng.
Hai năm sau cô sinh cho Jianfeng liên tiếp hai con trai. Ở nhà Bậu chăm con làm ruộng, Jianfeng chạy xe ôm kiếm được bao nhiêu tiền đưa hết cho Bậu.
Số phận may mắn
Giây phút Bậu trở về không một ai được thông báo trước. Vừa xuống xe, chị vào chợ Tân An hỏi thăm đường về nhà. Một lúc sau có người nhận ra, lấy xe đưa chị về nhà mẹ ruột.
Cụ Ngữ chết lặng khi nhìn thấy con mình trước cửa. Ruột cụ đau nhói, người run lên bần bật. Hai mẹ con ôm nhau thật lâu không nói nổi một lời.
Chúng tôi hỏi: Có khi nào bị Jianfeng la mắng, đánh đập không? Bậu nhìn chồng, bảo: “Anh ấy hiền lành như Phật!”.
Thật vậy, Jianfeng hiền lành từ dáng vẻ tới cách nói chuyện. Là con út trong gia đình ba anh em, năm Jianfeng lên 12 tuổi thì cha mẹ mất. Những người anh đem cậu về nuôi dưỡng. Lớn lên Jianfeng không lấy được vợ bởi phận con mồ côi, gái trong làng không ai ưng. Jianfeng dành dụm tiền đi mua vợ.
Hỏi vì sao chọn Bậu mà không chọn người khác, Jianfeng cười, nói: “Tôi chọn Bậu vì tôi thấy thích Bậu. Bậu tốt lắm, không có gì trở ngại cả. Có được vợ là mừng lắm rồi!”.
Cầm tấm hộ chiếu và chứng minh thư do nhà chức trách Trung Quốc cấp với tên mới là Li Xiu, Bậu bảo giờ mình đã thành người Trung Quốc.
Bậu còn khoe hai vợ chồng vừa cất được căn nhà hai tầng khá khang trang. Hai con trai của họ đã trưởng thành và đi làm ăn xa, cuối năm mới về thăm nhà một lần.
Bậu nói muốn về Việt Nam từ lâu lắm rồi nhưng lúc ấy con còn nhỏ và Jianfeng sợ chị đi không trở lại nên theo giữ rất sát.
Trong thời gian ấy, do chị không biết chữ và không nhớ rõ địa chỉ nhà ở đâu nên không thể liên lạc với gia đình.
Đến giờ, khi đã hoàn toàn tin tưởng Bậu, Jianfeng mới đồng ý cho Bậu về thăm nhà. Hai đứa con Trung Quốc cũng muốn về xem mặt bà ngoại nhưng phải chờ tới đợt sau.
Bậu năm nay đã 51 tuổi, Jianfeng kém hơn 6 tuổi. Nhìn Bậu dắt anh chồng đẹp trai, trẻ hơn mình đi dạo chợ bà con cứ bàn tán lao xao.
Bậu chia sẻ trong cái rủi còn có cái may, bởi nếu bị những người đàn ông độc ác mua về thì không biết đời chị bây giờ sẽ bất hạnh thế nào.
Tình mẹ con Ngày bị lừa đi khỏi Việt Nam, Bậu đã có hai con trai với người chồng tên Lê Văn Hùng: con trai lớn Lê Văn Phương mới được 2 tuổi, em Lê Văn Bình chỉ 8 tháng tuổi. Từ lúc vợ mất tích, anh Hùng sa vào rượu chè, bỏ rơi hai con dại quay về quê Quảng Ngãi sống đời buông thả rồi chết tại đây. Cụ Lê Thị Ngữ (86 tuổi), mẹ Bậu, rưng rưng nước mắt, nói: “Chồng nó bỏ đi để lại hai con cho tôi, mà tôi nghèo khổ quá không nuôi nổi. Đứa anh lên 6 tuổi đã đi xin ăn để nuôi đứa em. Tôi cầm lòng không đặng nên gửi tụi nó vào cô nhi viện ngoài Đà Nẵng”. Ít lâu sau, một cặp vợ chồng hiếm muộn người Canada sang Việt Nam nhận cả hai mang về nuôi dưỡng. Đến nay Phương và Bình đã khôn lớn. Trong nhiều bức thư tay viết bằng tiếng Anh gửi cho bà, ngoài những lời yêu thương, hai người còn bày tỏ ước mong cháy bỏng được tìm thấy người mẹ mất tích. Phần mình, chị Bậu cho hay lần này hai vợ chồng sẽ ở lại Việt Nam ba tháng rồi về Trung Quốc. Trong thời gian ấy, chị hi vọng được gặp lại hai núm ruột của mình tại Việt Nam trước khi quay về Trung Quốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận