Đội quy tập sử dụng mọi phương tiện có thể trên hành trình tìm kiếm thông tin về nơi có hài cốt liệt sĩ - Ảnh: ĐOÀN TINH
Gian nan ngập tràn
Mười mấy năm rong ruổi trèo đèo lội suối, băng rừng tìm liệt sĩ, thượng tá Tinh cho biết anh em đội quy tập phải đến những nơi không thể đi bằng xe, phải hành quân bộ 20-30km đường rừng. Có ngày đi bộ từ sáng đến 14h mới tới khu vực đào tìm. Có lúc phải lội bưng nước ngập gần đến cổ. Có ngày 20h mới từ trong rừng đi ra. Có ngày 1h sáng hôm sau mới ăn cơm tối.
Ở Campuchia, mùa mưa nước ngập không thể làm được. Thế nên cán bộ, chiến sĩ đội quy tập làm không có thứ bảy, chủ nhật; giờ giấc không tính theo kiểu cứ hết 8 tiếng xong là về. Nắng nóng đến 40 độ, không làm được thì chuyển sang làm đêm.
Đội quy tập gian nan đào bới để tìm hài cốt liệt sĩ giữa cái nắng khốc liệt của mùa khô Campuchia - Ảnh: ĐOÀN TINH
Thượng tá Tinh không thể quên chuyến đi dài ngày ở tỉnh Kampong Thom vào tháng 6-2011. Đơn vị 12 người hành quân 25km đường rừng rồi đi bộ thêm 5km trong mưa mới vào được vị trí đào tìm. Anh em đào cả trong mưa. Khi phát hiện ra mộ thì nước ngập, người thì tát nước, người thì đào.
Ở trong rừng một tuần thì hết đồ ăn tươi. Anh em ăn cá khô ròng rã suốt 15 ngày. Tối ngủ thì muỗi rồi mưa rừng, anh em ướt hết. Một số người chỉ biết trùm tấm tăng ngồi tới sáng! Đợt đó, đội quy tập đào tìm được năm liệt sĩ.
"Lúc đi xe có 12 người rồi cuốc xẻng là đã chật rồi. Lúc về còn có thêm các bác liệt sĩ nữa. Mỗi người ôm một hài cốt đưa các bác về. Nhiều chiến sĩ trẻ khi mới nhìn thấy hài cốt rất sợ nhưng khi về ôm các bác trên tay thì tự hào lắm" - thượng tá Tinh kể.
Đội trưởng Đội K70 khẳng định: "Gian khổ, vất vả đến mấy anh em vẫn chấp nhận, chỉ cần tìm được hài cốt liệt sĩ. Trong thời gian quy tập, chúng tôi hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, vì mình nghỉ thì thời gian đâu mà làm.
Mà làm việc này phải có cái tâm. Có khi đào lên, xương cốt liệt sĩ không còn bao nhiêu, chỉ vẻn vẹn hơn một vốc trong tay. Anh em cán bộ, chiến sĩ cố gắng gom nhặt, tìm những mẩu xương nhỏ nhất, đầy đủ nhất cho liệt sĩ. Có trường hợp không còn gì, chỉ còn đất đen hình người, đội quy tập vẫn lấy về. Mỗi khi tìm được một liệt sĩ, dù vẫn đang ở trên đất bạn nhưng tôi cảm thấy đã đưa được họ trở về với Tổ quốc".
Tìm được liệt sĩ rất khó khăn nhưng đó là trách nhiệm, là bổn phận của chúng tôi. Tôi thấy vinh dự vì được góp phần đưa các chú các bác trở về với quê hương.
Trung úy Nguyễn Hồng Kỳ
như tìm người thân
Tháng 5-2008, Đội K70 tiếp nhận địa bàn Kampong Thom. Nhiều thông tin đều khẳng định mộ liệt sĩ đang nằm trong rừng ở khu vực Oxom, phum Cante, xã Kriem, huyện Prasat Balangk.
"Chúng tôi đi khảo sát cùng với phía bạn. Một chiếc xe U-oát mà chở tới 10 người, ngồi rất chật chội, lại còn đi vào đường rừng, đường đi rất khó khăn. Có lúc cảm tưởng xe sẽ bị lật úp. Càng đi sâu vào bên trong rừng thì càng khó. Từ cán bộ đến chiến sĩ phải chặt cây mở đường" - thượng tá Tinh kể.
Mọi người ăn mì gói sống lấy sức để tiếp tục đi. Vô sâu đến trong rừng thì xe không thể đi được nữa.
"Chúng tôi phải đi bộ 4 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Lúc đó đã gần 18h. Chúng tôi chia nhau đi tìm xem còn dấu vết gì của bộ đội mình không và phát hiện ra những quả đạn B41, một cái giếng cũ sát mép trảng. Người dân nói cái giếng này trước đây bộ đội ta dùng lấy nước sinh hoạt. Trong rừng tối rất nhanh. Đến 18h15 không nhìn thấy gì nữa, chúng tôi phải hành quân ra" - thượng tá Đoàn Đình Tinh kể.
Đội quy tập trên đường tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia - Ảnh: ĐOÀN TINH
Lần thứ hai, tháng 3-2009, Đội K70 quay lại, tiếp tục đào tìm nhưng vẫn không thấy hài cốt. Đến năm 2010 họ tiếp tục quay lại đào ba lần nữa cũng không tìm thấy. Năm 2011, Đội K70 quay lại, kiên trì tìm kiếm lần nữa mới quy tập được sáu hài cốt liệt sĩ ở khu vực này.
Trung úy Nguyễn Hồng Kỳ (nhân viên phiên dịch Đội K70) cho biết khác với những người lính ở các đơn vị khác, cái đặc biệt của những người lính đi quy tập hài cốt liệt sĩ là tinh thần. Đó là thứ tinh thần xem liệt sĩ như người thân mà mình có trách nhiệm đi tìm và phải tìm bằng được.
Rồi anh kể: "Năm 2010 ở Kampong Thom, Đội K70 tìm được 57 hài cốt, trong đó chỉ một liệt sĩ có tên tuổi, quê quán là Lê Doãn Thêm ở Thọ Xuân (Thanh Hóa). Chúng mình mừng lắm, chỉ muốn báo ngay cho thân nhân liệt sĩ biết".
Tháng 3-2019, Đội K70 khai quật vị trí được nhân chứng cho biết là có ba mộ liệt sĩ ở phum Pnov Kaeut, xã Prey Char, huyện Cheung Prey, tỉnh Kampong Cham.
Nhân chứng dẫn đường là người Campuchia cho biết khoảng năm 1983-1984 có ba chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam gồm hai nam một nữ khi vào phum xây dựng cơ sở thì bị lính Pol Pot bắt được, giết chết. Sau đó, người dân vào chùa xin ván đóng ba cái hòm chôn. Người dân không đào từng huyệt mà đào thành một hố rộng, đặt ba quan tài xuống, chôn lại.
Thi thể chiến sĩ nữ nằm hướng đông nam, hai liệt sĩ nam nằm về hướng tây. Nhân chứng chỉ nhớ được đến đó, Đội K71 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh) từng vào đây đào nhưng không tìm thấy hài cốt.
Sau nhiều lần khảo sát, tìm kiếm thêm nhân chứng, đối chiếu lời chỉ dẫn của các nhân chứng khác nhau, cuối cùng hài cốt ba liệt sĩ đã được Đội K70 tìm thấy. "Nếu mình không cương quyết, không quyết tâm, không tìm hiểu thêm thì không tìm được hài cốt liệt sĩ" - thượng tá Đoàn Đình Tinh nói.
Ráp nối từng thông tin
Là một trong những người tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam từ đầu (năm 2001), đại tá Trần Văn Hợp, nguyên đội trưởng Đội K70 (vừa nghỉ hưu năm 2018), đã trải qua những năm tháng gian nan nhất.
"Lần đầu tiên chúng tôi đi là qua huyện Memot (tỉnh Kampong Cham). Lúc đó còn quá mới, anh em cán bộ chiến sĩ thậm chí còn chưa biết đi tìm hài cốt liệt sĩ là thế nào. Lúc mới sang, khu vực đó còn đầy Khmer Đỏ chuyên đi cướp và ẩn náu trong rừng.
Qua bên đó người ta cung cấp cho mình danh sách những khu vực được cho là có mộ liệt sĩ nhưng nằm bạt ngàn giữa rừng. Anh em cán bộ, chiến sĩ phải lăn lộn đi hỏi người dân, già làng, chắt chiu, góp nhặt và ráp nối từng thông tin một để đi tìm hài cốt liệt sĩ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận