26/07/2019 10:33 GMT+7

Trở về đất mẹ - Kỳ 2: Nước mắt người lính già

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ngày 18-7-2019 tại nghĩa trang Tân Biên, đoàn cựu chiến binh của Trung đoàn 429, Sư 302 (Quân khu 7) cùng thân nhân gia đình tám liệt sĩ ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình) tiến hành bốc cốt và đưa các liệt sĩ về quê nhà.

Trở về đất mẹ - Kỳ 2:  Nước mắt người lính già - Ảnh 1.

Di ảnh liệt sĩ Bùi Văn Thư, hi sinh năm 19 tuổi, được em rể Bùi Văn Nưng đặt trên mộ anh để làm lễ cất bốc - Ảnh: MY LĂNG

Tám liệt sĩ đều hi sinh năm 1978 ở lứa tuổi 18 và 19.

Tháng 7 ở nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên

Ông Nguyễn Kim Luông, 56 tuổi, cựu chiến binh Trung đoàn 429, cho biết: "Khoảng 8 năm nay, đơn vị tôi đã đưa gần 100 hài cốt đồng đội về gia đình ở các miền Tổ quốc. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống của thân nhân liệt sĩ, làm quan tài... do anh em cựu chiến binh tự đóng góp".

Bị thương mất cả hai chân vào tháng 7-1988 ở Campuchia, ông Nguyễn Văn Hòa (55 tuổi, hiện đang sống ở Tiền Giang) vẫn cố gắng đi theo đoàn bốc cốt đưa đồng đội về quê nhà. 

Có lúc ông ngồi thẫn thờ trước hàng bia mộ sau khi đốt nén nhang. "Hồi đó chiến đấu với Pol Pot rất ác liệt. Có khi một đại đội bị xóa sổ luôn, chỉ còn 2-3 người. Đồng đội tôi hi sinh trẻ lắm, mới 19, 20 tuổi" - ông Hòa nói.

Dẫn đầu đoàn thân nhân gia đình các liệt sĩ huyện Tân Lạc (Hòa Bình) vào bốc mộ, ông Bùi Hữu Mạnh, từng là chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 21 (Trung đoàn 429), cho biết đợt này vào miền Nam bốc 17 mộ thì có 8 mộ ở nghĩa trang này, còn lại ở Thuận An (Bình Dương), Lộc Ninh (Bình Phước), An Giang và Long An. 

"Đợt ấy biên chế vào Trung đoàn 429 có 350 chiến sĩ đều là người Mường và hầu hết đều có họ Bùi - ông Mạnh cho biết - Các đồng chí này là lính bộ binh, hi sinh khi trực tiếp chiến đấu đánh Pol Pot ở khu vực biên giới Tây Ninh - Campuchia".

Cuộc chiến đã trôi qua mấy chục năm. Hầu như gia đình thân nhân liệt sĩ đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Việc đi vào miền Nam tìm kiếm là gánh nặng kinh tế với họ. 

Bậc sinh thành chẳng thể chờ đợi khi những năm tháng mòn mỏi trông ngóng cứ dần trôi qua, tuổi ngày một lớn, sức ngày một yếu dần. Các liệt sĩ lần này được đưa về quê nhà, cha mẹ đã ra đi, chỉ duy nhất liệt sĩ Bùi Văn Nhơ còn mẹ.

Trở về đất mẹ - Kỳ 2:  Nước mắt người lính già - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Sản, 85 tuổi, bưng mặt khóc khi nhìn thấy nắm xương tàn của em trai là liệt sĩ Bùi Văn Hậu - Ảnh: M.LĂNG

Những giọt nước mắt trong thinh lặng

Cầm nén nhang cắm lên bát hương nhỏ, đặt di ảnh của người nằm dưới mộ lên cạnh tấm bia, ông Bùi Văn Nưng bật khóc. Người nằm dưới mộ là liệt sĩ Bùi Văn Thư, anh rể của ông. 

Giữa khói nhang, hương hoa và gió, giữa hàng chục ngôi mộ không xác định được danh tính, duy nhất ngôi mộ liệt sĩ Thư có di ảnh được người nhà mang từ Hòa Bình vào. Người thanh niên trong di ảnh trẻ lắm, dong dỏng cao, trắng trẻo, gương mặt thư sinh. 

"Bác ơi, hôm nay em vào đón bác. Hôm nay bác được anh em đồng đội đưa bác về với tổ tiên, với bố mẹ, với quê hương rồi..." - ông Nưng nói bằng tiếng Mường, giọng nghẹn đi. Khi anh Thư hi sinh, ông chưa về làm rể. Dẫu chưa một lần gặp nhưng khoảnh khắc ấy, khi quỳ trước nấm mộ nhỏ của người anh rể đã hi sinh vì Tổ quốc, ông Nưng chẳng thể cầm được nước mắt.

Liệt sĩ Bùi Văn Thư là người xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc. Anh nhập ngũ tháng 6-1977, là chiến sĩ đại đội 17, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Chỉ 10 tháng sau, anh hi sinh khi chiến đấu tại biên giới Tây Ninh. Khi ấy, anh mới 19 tuổi... 

Gia đình quá khó khăn, người thân không có điều kiện đi tìm. "Sáng mai 6h đưa anh tôi về. Đây là điều mà gia đình mong mỏi mấy chục năm nay. Bố mẹ chúng tôi mất hết rồi. Ông trước khi mất bảo phải tìm đưa anh về nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không lo nổi tiền đi lại. May có các đồng đội anh giúp đỡ" - ông Nưng cho biết.

Mặc áo trắng, quần đen, đầu quấn vòng tang trắng, anh Bùi Văn Cạch, em trai liệt sĩ Bùi Văn Dựng, hồi hộp đứng bên cạnh nhìn hai công nhân chuyên đào bốc mộ đang cạy lớp bêtông trên mộ anh mình. 

Các đồng đội liệt sĩ Dựng cũng đứng bên cạnh, liên tục nhắc công nhân nhẹ nhẹ tay thôi. "Tôi là em út. Nhà có bảy anh chị em. Anh Dựng tôi hi sinh năm 1978. Khi ấy anh mới 18 tuổi, tôi còn chưa đẻ ra. Bao nhiêu năm gia đình mong chờ, cũng đi tìm nhưng không thấy. Sau kinh tế cũng khó khăn, gia đình không còn hi vọng nữa thì lại được đồng đội anh báo tin. Bố mẹ chúng tôi mất hết cả rồi. Giá như ông bà còn sống đến ngày hôm nay..." - anh Cạch rớm nước mắt nói.

Khi tấm bêtông được dỡ bỏ, anh Bùi Văn Chòi, cháu ruột liệt sĩ Bùi Văn Đò, xin được trực tiếp bưng bọc hài cốt chú mình. Anh xin được khiêng quan tài chú ra xe, cứ muốn một mình tự tay làm hết. "Khi tôi sinh ra thì chú đã hi sinh, tôi chưa biết mặt chú mình. Chú đã hi sinh rất nhiều cho gia đình và đất nước. Bây giờ tôi thay mặt gia đình vào đón chú về quê hương" - anh Chòi rưng rưng nói.

Từ lúc bọc hài cốt em trai được đưa lên, cựu chiến binh Bùi Văn Sản, 85 tuổi, thân nhân lớn tuổi nhất đoàn, gần như mất bình tĩnh. Người lính già này cứ bưng mặt, móm mém khóc. Ông khóc không thành tiếng. 

Gương mặt già nua, khắc khổ và đau đớn của ông khiến ai nhìn thấy cũng muốn rơi nước mắt theo. Em trai ông là liệt sĩ Bùi Văn Hậu, hi sinh năm 18 tuổi. Ông ngồi đó, lòng dậy sóng với những hồi ức về đứa em trai bé bỏng. Ông từng đi bộ đội 14 năm. 

Em trai ông cũng nhập ngũ và đi chiến đấu đánh quân diệt chủng Pol Pot ở chiến trường Campuchia rồi hi sinh. Gia cảnh khó khăn, biền biệt hơn 40 năm, ở cái tuổi gần đất xa trời, ông mới đưa được em về quê nhà, dù chỉ còn những nắm xương tàn trong chiếc quan tài nhỏ...

Nước mắt người cháu trai

Trong đoàn thân nhân đi bốc mộ ấy, có một người cháu trai chưa hề biết mặt mũi bác mình khi hi sinh. Anh Bùi Văn Thư (32 tuổi, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) vào đón bác là liệt sĩ Bùi Văn Nhơ.

Anh cứ tần ngần ngồi một mình trước mộ bác, thi thoảng lại gục mặt xuống, lấy tay lau nước mắt... Qua lời kể của các đồng đội, người cháu mới biết bác mình là lính trinh sát của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 429.

5 liệt sĩ kỳ 2 2(read-only)

Anh Bùi Văn Cạch, em trai liệt sĩ Bùi Văn Dựng, khiêng quan tài đựng hài cốt anh trai ra xe để đưa về quê nhà - Ảnh: M.LĂNG

Ông Bùi Hữu Mạnh, người cùng đơn vị với liệt sĩ Nhơ, kể: "Ngày 7-1-1979, tôi và hai người nữa là lính trinh sát nên cắt đường đi trước, dẫn đầu sư đoàn vượt lên lộ 24 ở tỉnh Kampong Cham, Campuchia. Anh Nhơ khi đó xuống suối lấy nước cho đơn vị uống thì đạp phải mìn, hi sinh luôn...".

Kỳ tới: Một năm tìm kiếm


Ông Trương Tấn Sang dâng hương ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên

TTO - Chiều 11-7, trong chương trình công tác tại tỉnh Hà Giang, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dâng hương viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên