25/07/2019 12:25 GMT+7

Trở về đất mẹ - Kỳ 1: Nghĩa trang liệt sĩ nơi biên giới Tây Nam

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Gần 20 năm nay, hàng chục ngàn hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia đã được các đội quy tập tìm kiếm và đưa về với đất mẹ, sau mấy chục năm nằm lại xứ người.

Trở về đất mẹ - Kỳ 1: Nghĩa trang liệt sĩ nơi biên giới Tây Nam - Ảnh 1.

Khoảng 6.000 liệt sĩ được quy tập từ Campuchia về nghĩa trang Tân Biên đều không có thông tin - Ảnh: MY LĂNG

Điều đau lòng là chỉ số ít xác định được danh tính, phần lớn còn lại đều chưa được biết tên và xác định được thông tin...

Tịnh Biên - một huyện miền núi hai lần được tuyên dương anh hùng của An Giang - nằm giáp Campuchia. Huyện Tịnh Biên có hai nghĩa trang liệt sĩ, lớn nhất là nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc.

8.500 ngôi mộ, phân nửa là chưa có tên

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc rộng hơn 35.000m2, được xây từ năm 1986. Những ngôi mộ liệt sĩ ở đây được cải táng từ các nghĩa trang khác về. 

Điều đặc biệt, phần lớn liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam hi sinh trên đất Campuchia do đội chuyên trách K90 (Quân khu 9) và đội chuyên trách K93 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) tìm kiếm, cất bốc và hồi hương tại các tỉnh Kandal, Kampong Chhnang, Koh Kong, Kampong Speu, Takeo, Kampot... (Campuchia). 

Từ năm 2002-2018, đội K90 và K93 đã tìm kiếm và đưa được 4.782 hài cốt liệt sĩ về đất mẹ.

Trong những năm chiến đấu giúp bạn chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot, bảo vệ biên giới Tây Nam, nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc được hình thành và thuộc Sư đoàn bộ binh 330 - một sư đoàn chủ lực của Quân đội Việt Nam, thuộc Quân khu 9. 

Hiện nay, nghĩa trang do Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Tịnh Biên quản lý. 

Ông Phù Văn Tuấn, trưởng Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Tịnh Biên, cho biết: "Vừa rồi, đội K90 và K93 đã quy tập thêm được 171 hài cốt liệt sĩ nhưng chỉ 2 liệt sĩ có tên. Ngày 24-7-2019 này sẽ làm lễ truy điệu và cải táng các liệt sĩ tại nghĩa trang".

Đến nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc giữa tháng 7-2019, đứng lặng giữa mênh mông gió và núi, ngút tầm mắt là những hàng lối đầy những ngôi mộ nhỏ bé, thinh lặng, xen lẫn giữa rừng hoa sứ trắng, mới có thể phần nào cảm nhận được quá nhiều mất mát, xương máu của quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống khi làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng man rợ Pol Pot, hồi sinh cả một dân tộc. 

Nghĩa trang có 200 hộc mộ trống vừa được xây xong để chờ đón các anh trở về với đất mẹ...

Trở về đất mẹ - Kỳ 1: Nghĩa trang liệt sĩ nơi biên giới Tây Nam - Ảnh 2.

Ông Ngô Văn Định, nhân viên quản trang nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc - Ảnh: M.LĂNG

Nghĩa trang ở vùng đất giáp với biên giới Campuchia này là nơi chôn cất 8.512 hài cốt liệt sĩ sau khi được quy tập về, trong đó 3.516 liệt sĩ có danh tính, còn lại 4.996 khuyết danh. 

Nhiều trường hợp liệt sĩ có họ tên nhưng không có quê quán, tên đơn vị hoặc ngược lại. Nhiều trường hợp liệt sĩ có di vật nhưng không có họ tên, địa chỉ...

Ở đây có hàng ngàn ngôi mộ, trên mỗi bia mộ là dòng chữ "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin". Hàng ngàn ngôi mộ khác, nơi để thông tin về họ tên, năm sinh, quê quán, đơn vị, hi sinh... là khoảng trống. 

Có những bia mộ chỉ vẻn vẹn một cái tên ngắn gọn: Được, Phượng, Mưng, Mì, Mến... Vì khi cất bốc, đội quy tập chỉ tìm được mảnh giấy ghi tên (không họ) hoặc một phần tên liệt sĩ viết trên thanh gỗ...

Ở đây có hàng ngàn ngôi mộ, trên mỗi bia mộ là dòng chữ "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin".

Nghĩa trang Tân Biên

Nhiều năm qua, các quân khu đã tổ chức quy tập được hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ, phần lớn đều không xác định được danh tính. 

Từ năm 2001 đến nay, Quân khu 7 đã quy tập được 9.653 hài cốt liệt sĩ hi sinh trên chiến trường Campuchia, hầu hết đều vô danh, chỉ 516 liệt sĩ có tên. 

Đa số bộ đội quân tình nguyện Việt Nam hi sinh trên chiến trường Campuchia lúc đầu đều được chôn cất tại chỗ, sau này được cải táng về các nghĩa trang ở các tỉnh giáp với Campuchia như: Gia Lai, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Tây Ninh...

Chỉ cách cửa khẩu Xa Mát (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) hơn 10km, nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (còn gọi là nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82) là nơi yên nghỉ của gần 14.000 liệt sĩ. Nghĩa trang rộng hơn 26ha, được xây dựng năm 1989. 

Năm 1990, hài cốt liệt sĩ tại 17 nghĩa trang nhỏ trên địa bàn huyện Tân Biên được quy tập hết về đây. Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên là nơi tổ chức lễ truy điệu, an táng hơn 4.000 hài cốt liệt sĩ quy tập ở Campuchia từ sau chiến tranh đến nay. 

Trong gần 14.000 mộ, hơn 7.000 mộ liệt sĩ có tên (chủ yếu thuộc Quân đoàn 3), còn lại là 6.000 mộ vô danh.

16 năm làm nhân viên quản trang ở đây, anh Trần Mạnh Hào đã thấy rất nhiều người thân đến tìm mộ liệt sĩ và đã chứng kiến biết bao giọt nước mắt khi họ tìm thấy mộ người thân.

Trở về đất mẹ - Kỳ 1: Nghĩa trang liệt sĩ nơi biên giới Tây Nam - Ảnh 4.

Nhiều ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc chỉ vẻn vẹn một cái tên - Ảnh: MY LĂNG

Câu chuyện tìm mộ

"Theo quy định, chiều 17h30 nghĩa trang Dốc Bà Đắc đóng cửa, nhưng ở đây mở cửa 24/24 giờ. 

Thân nhân liệt sĩ ở xa, có trường hợp ở miền Bắc, miền Trung vô 2h-3h sáng mình vẫn tiếp. Thân nhân gia đình liệt sĩ vô đây tìm mộ nhiều lắm. Có trường hợp tìm được, có trường hợp không tìm thấy" - ông Ngô Văn Định, 60 tuổi, nhân viên quản trang, nói.

Ông Định cho biết có những trường hợp rất đặc biệt: mộ liệt sĩ chỉ có manh mối là một cái tên, vậy mà người thân vẫn tìm ra được. 

Như câu chuyện tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Như Khang (sinh năm 1958, quê ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) của con gái. 

Ông Định tìm trên máy và kết quả cho thấy chỉ có một mộ liệt sĩ vỏn vẹn một chữ Khang ở lô 12, hàng số 9, mộ số 23. 

Ngoài ra không có bất cứ thông tin nào. Ông Định hướng dẫn cô con gái về Quân khu 9 để trích lục hồ sơ lưu trữ và đó chính là binh nhất Nguyễn Như Khang với năm sinh và quê quán như trên ở trung đoàn 10, Sư đoàn 339, hi sinh ngày 13-2-1979.

Có lần đêm khuya, ông Định nhận được cuộc điện thoại của một cô gái tên Thư ở Vĩnh Long, cho biết là con của liệt sĩ Lâm Văn Năm, nhờ tìm xem có tên cha mình ở nghĩa trang không.

 "Tôi tìm trên máy, thấy có liệt sĩ họ tên Lâm Văn Năm. Quân khu 9 xác nhận đó là cha của Thư" - ông Định kể.

Không muốn rời xa đồng đội

Ông Ngô Văn Định cho biết có không ít trường hợp người thân tìm thấy mộ liệt sĩ, sáng hôm sau sẽ bốc cốt đưa về quê nhà thì đêm đó liệt sĩ về báo mộng muốn ở lại cùng anh em đồng đội.

Đến cả khi chết, chỉ còn lại nắm xương tàn, những người lính ấy vẫn không muốn rời xa đồng đội mình.

"Hơn 8.500 mộ liệt sĩ mà gần 5.000 mộ không có thông tin, là gần 5.000 gia đình không tìm thấy người thân. Đó là nỗi đau của người còn sống cũng như của người nằm xuống..." - ông Định chảy nước mắt nói.

1.200 cựu tù thăm nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc

TTO - Sáng 24-7, khoảng 1.200 cựu tù chính trị khắp mọi miền Tổ quốc đã đến viếng và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên