Tháng 2-2023, Công ty TNHH nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công (TTC) thông báo tuyển dụng 100 kỹ sư nông nghiệp dành cho sinh viên tốt nghiệp các ngành nông học, bảo vệ thực vật, công nghệ sinh học, kinh tế nông nghiệp, sinh học.
Hết thời gian tuyển dụng, công ty vẫn không thể tuyển đủ người, phải gia hạn thời gian nhận hồ sơ.
Đôi đũa lệch cung - cầu
Bà Vũ Thị Phương Thanh - phụ trách nhân sự TTC - cho biết hằng năm công ty và nhiều công ty khác thuộc tổng công ty tuyển dụng khá nhiều nhân sự, tùy vào thời điểm. Ngoài gửi thông báo tuyển dụng, công ty còn tham gia ngày hội việc làm ở nhiều trường đại học có đào tạo nhóm ngành phù hợp.
"Tuy nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng luôn thiếu hụt, rất khó để tuyển đủ nhân sự nhóm ngành nông nghiệp", bà Thanh nói.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều đơn vị, công ty cũng gặp khó khi tuyển nhân sự nhóm ngành nông lâm ngư nghiệp.
Năm 2022, Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên liên tục thông báo tuyển dụng nhiều vị trí mà trong đó nhiều nhất là điều tra rừng và quy hoạch lâm nghiệp.
Không thể tuyển đủ nhân sự, năm nay viện này lại tiếp tục tuyển dụng vị trí này, làm việc tại một số tỉnh Tây Nguyên với mức lương từ 15 triệu đồng/tháng trở lên. Vị trí này tuyển dụng người tốt nghiệp các ngành lâm nghiệp, lâm sinh, quản lý tài nguyên rừng và quản lý đất đai.
Trong khi đó, ở khía cạnh đào tạo, năm 2022 Trường ĐH Tây Nguyên không tuyển được thí sinh nào cho ngành quản lý tài nguyên rừng, còn ngành lâm sinh cũng chỉ có vài thí sinh trúng tuyển.
Ông Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - cho biết một số ngành có nhu cầu về nguồn nhân lực rất lớn nhưng lại chưa được nhiều người biết như lâm nghiệp, thủy sản.
"Nông nghiệp của Việt Nam ngày càng phát triển và phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên nhu cầu về nguồn nhân lực của nhóm ngành này rất lớn, nhiều tập đoàn lớn rất "khát" nhân lực.
Các công ty, tập đoàn lớn thường xuyên liên hệ với nhà trường để tuyển dụng nhân lực ở các nhóm ngành nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động.
Các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản thường xuyên đặt hàng nhà trường để nhận được lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên mới tốt nghiệp của trường có lương dao động từ 10 - 20 triệu đồng/tháng" - ông Lý nói.
Tình trạng nhu cầu nhân lực nhiều nhưng trường đại học tuyển sinh khó khăn này diễn ra khá phố biến.
Chẳng hạn tại Trường ĐH Nha Trang, nhiều ngành truyền thống của trường như khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, quản lý thủy sản liên tục gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.
Ông Tô Văn Phương - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nha Trang - cho biết dù chưa đến mức đóng cửa ngành nhưng nhiều năm qua các ngành này mỗi năm chỉ tuyển được khoảng một lớp 30 sinh viên, có ngành 15 sinh viên.
"Các công ty gửi thông báo tuyển dụng, tham gia ngày hội việc làm của trường nhưng không có đủ người để tuyển. Nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng quy mô đào tạo không đủ" - ông Phương nói thêm.
Doanh nghiệp "bao thầu" tuyển dụng
Theo đại diện nhiều trường đại học, thời gian qua nhiều tập đoàn lớn bước vào lĩnh vực nông nghiệp. Phần lớn họ xây dựng vùng nguyên liệu nuôi trồng của riêng mình nên nhu cầu nhân lực về nuôi trồng, chế biến hay quản lý nông lâm thủy sản rất lớn.
Thế nhưng, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy bức tranh ngược lại. Liên tục ba năm qua, nhóm ngành nông lâm thủy sản và một số nhóm ngành khác luôn có kết quả tuyển sinh rất thấp.
Riêng năm 2022, nhóm ngành nông lâm thủy sản có kết quả tuyển sinh bết bát nhất trong các khối ngành khi chỉ tuyển được 49,1% chỉ tiêu.
Trong bối cảnh người học ít, tuyển dụng nhân sự khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao đầu ra đối với sinh viên nhóm ngành nông lâm thủy sản, thậm chí bao luôn kinh phí đào tạo.
Ông Tô Văn Phương cho biết năm 2022 Tập đoàn Minh Phú đặt hàng đào tạo với Trường ĐH Nha Trang. Mỗi năm trường đào tạo ít nhất 100 sinh viên hai ngành chế biến thủy sản và nuôi trồng thủy sản, kéo dài 5 năm. Tập đoàn trả kinh phí 100 triệu đồng/sinh viên/năm và sẽ tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp vào làm việc.
"Nhờ có đặt hàng này mà số lượng sinh viên các ngành này năm 2022 đã tăng gấp đôi so với các năm trước đó. Các ngành thủy hải sản có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng thí sinh ít chọn vì cho rằng phải vào làm trong nhà máy hay khai thác hải sản phải đi biển. Thực tế không phải vậy" - ông Phương nói thêm.
Giảm học phí
Để thu hút người học, một số trường đại học đã áp dụng chính sách giảm học phí cho sinh viên.
Mới nhất, Trường ĐH Đà Lạt quyết định sẽ giảm 10% học phí cho các ngành ưu tiên tuyển sinh: toán học, vật lý học, hóa học, sinh học, khoa học môi trường, văn học, lịch sử, văn hóa học và xã hội học trong kỳ tuyển sinh 2023.
Mức giảm có thể tăng lên tùy vào điều kiện từng năm học cụ thể. Đây là những ngành khó tuyển của trường trong những năm qua.
Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM cũng có chính sách hỗ trợ học phí cho những ngành khó tuyển. Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM hỗ trợ 35% học phí cho chín ngành tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn.
ĐH Quốc gia Hà Nội hỗ trợ hoàn toàn học phí, hỗ trợ kinh phí 2 triệu đồng/tháng và miễn phí chỗ ở trong ký túc xá cho sinh viên theo học khối các ngành khoa học cơ bản (toán học, vật lý, hóa học...).
Ngành mới, nhu cầu tuyển dụng cao
Ở nhóm ngành khoa học xã hội, ông Trần Nam - trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết nhiều năm qua trường có một số ngành khó tuyển.
Trong số này một số ngành đã có lịch sử đào tạo lâu đời, nhu cầu nhân lực ở mức vừa phải. Trong khi đó, một số ngành mới như ngôn ngữ Ý, ngôn ngữ Tây Ban Nha nhu cầu tuyển dụng rất lớn.
"Lưu lượng đào tạo những ngành này chỉ khoảng 30 sinh viên/năm nên cơ hội nghề nghiệp rất nhiều. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp làm trong lĩnh vực du lịch, các văn phòng thương mại. Một số ngành được đào tạo kiến thức liên ngành nên có thể làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể ngành còn mới, thu nhập không cao, việc làm hẹp khiến thí sinh ngại chọn" - ông Nam đánh giá.
Hợp tác nhà trường - doanh nghiệp
Theo ông Trần Đình Lý - Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đã có những ký kết với các doanh nghiệp, tập đoàn nông nghiệp lớn để hỗ trợ công tác đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Mới đây, trường đã ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Thành Thành Công với chủ lực là nhóm ngành nông học, bảo vệ thực vật và tập đoàn cũng đã cấp học bổng với số tiền rất lớn cho sinh viên thuộc các ngành này cũng như tiếp nhận các bạn thực tập và làm việc sau khi ra trường.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã ký kết với nhà trường và tuyển dụng sinh viên thực tập có trả lương với mức cao cho các bạn sinh viên thuộc nhóm ngành chăn nuôi - thú y.
Tổng công ty giấy Tân Mai cũng vừa hợp tác với nhà trường và cam kết trao học bổng cho sinh viên học khối ngành lâm nghiệp để hỗ trợ các bạn học tập, ra trường và làm việc...
"Khoa học công nghệ rất phát triển, thí sinh có xu hướng tập trung vào các ngành được tiếng là "hot" mà không quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng, sự phù hợp và thu nhập sau khi ra trường" - ông Lý nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận