18/10/2004 23:33 GMT+7

Trò tây thầy ta

VI THẢO
VI THẢO

TT - “Cô ơi, vọt là sao, đã vàng sao còn vọt (vàng vọt), đã đẹp sao còn đẽ (đẹp đẽ), đẽ là gì...?” - một học sinh nước ngoài tuổi đã ngoại tứ tuần liên tục hỏi cô giáo trong giờ học tiếng Việt như thế...

IfWxJeJ3.jpgPhóng to
Trò chuyện với các bạn SV VN, hai cô bạn người Nhật Bản - Nabby và Tomoko - hiểu thêm nhiều từ mới - Ảnh: Vi Thảo
TT - “Cô ơi, vọt là sao, đã vàng sao còn vọt (vàng vọt), đã đẹp sao còn đẽ (đẹp đẽ), đẽ là gì...?” - một học sinh nước ngoài tuổi đã ngoại tứ tuần liên tục hỏi cô giáo trong giờ học tiếng Việt như thế...

Trò tây học làm gì?

“Anna thích VN lắm. Anna cũng thích bánh bèo, bánh xèo, gỏi, phở bò...” - bằng giọng lơ lớ Anna (Úc) cho biết cô đang là sinh viên ngành phát triển châu Á học của một ĐH ở Úc, ngành của cô yêu cầu phải chọn một ngôn ngữ ở châu Á, cô chọn tiếng Việt.

“Học tiếng Việt để làm gì à? Đơn giản vì tôi thích người Việt và muốn nói chuyện với họ” - Joseph Ruys, một “học sinh” Úc, cho biết. Trong suốt tám năm qua, kỳ nghỉ hè nào anh cũng sang VN để học tiếng Việt dù có năm anh chỉ nghỉ được một tháng.

Ook Sewng Min, có tên tiếng Việt là Ngọc, theo bố sang VN lập nghiệp, cậu học tiếng Việt vì vậy. Sau vài tháng, Ngọc đã có thể nghe và nói tiếng Việt khá lưu loát, thậm chí món khoái khẩu của Ngọc bây giờ là “thịt chó chấm mắm tôm và lá mơ”.

Cũng như Ngọc, hai cô gái trẻ người Nhật Tomoko và Nabby sang VN học tiếng Việt để có thể nói chuyện với người Việt và cũng để chuẩn bị cho công việc sau này của hai cô...

Thanh là SV ngành Hàn Quốc học Trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG TP.HCM), dạy kèm một người Hàn Quốc sang VN lập nghiệp. Còn Linh Phương (SV khoa Đông phương) làm gia sư cho một bà mẹ và hai đứa con theo chồng, cha sang VN làm việc. Ngọc Trâm dạy tiếng Việt cho một chủ nhà hàng...

Nhiều người chọn học tiếng Việt với SV để vừa có thể chủ động về thời gian, có nhiều thời gian để trao đổi thẳng thắn, và một phần là vui vẻ, thoải mái hơn khi học ở các trung tâm.

Điều kiện để có thể đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài là phải giỏi một ngoại ngữ, nắm vững kiến thức về ngữ pháp tiếng Việt và nhất là phải có khả năng truyền đạt tiếng Việt tốt.

Bước đầu thầy, cô giáo sẽ dạy học trò bảng chữ cái a, b, c, sau đó sẽ dạy cách ghép từ, rồi đến những từ khó hơn... Nội dung dạy và học tùy thuộc yêu cầu của người học, công việc của họ. Thời gian, thời lượng học cũng tùy thuộc nhu cầu của từng người và thời gian ở VN, chỉ vài tháng. Vì thế người dạy sẽ cố gắng trong thời gian dạy truyền đạt những kiến thức cơ bản nhất về tiếng Việt và những kiến thức nền để sau này họ có thể tự tìm hiểu thêm.

...Học trò cũng dạy lại thầy

“Đi dạy hả? Mình học ở họ nhiều hơn ấy chứ”, một thầy giáo - SV dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cho biết. Khi trao đổi về một từ nào đó, nhất là những từ khó, giáo viên thường bị học trò truy đến khi hiểu mới thôi.

Cuối cùng cả thầy lẫn trò phải vận dụng tối đa ngôn ngữ của mình để giảng giải, để hiểu, để trao đổi với nhau. Giờ giải lao, trò sẽ dạy lại cho thầy, cô một số từ ngữ, ngữ pháp về tiếng của mình, rồi cả những kinh nghiệm khi làm việc, xử lý tình huống, cách giải quyết vấn đề...

Làm gia sư tiếng Việt cho người nước ngoài, các bạn SV còn học được những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống từ những học trò của mình. Một lần đi dạy, Thanh đến trễ... 5 phút. Anh học trò ngồi chờ, khi Thanh vừa vào nhà thì anh nói nhẹ: “Cô ơi, cô trễ 5 phút”. Linh Phương hẹn chở học trò đi dạo, nhưng có việc nên Phương đến trễ hơn một giờ.

Đến nơi thấy người học trò vẫn đứng chờ dù anh rất bận rộn. Nhiều học trò còn tạo điều kiện cho giáo viên của mình thực tập trong các công ty lớn để học hỏi kinh nghiệm làm việc... “Học trò thường là những người lớn, đã đi làm, có ít nhiều kinh nghiệm cho nên mình học họ nhiều hơn” - Ngọc Thanh cho biết.

Cầu nối văn hóa

Thầy, cô giáo phần lớn trẻ hơn học trò, cộng với những dị biệt về văn hóa nên có không ít chuyện cười ra nước mắt. Nhiều học trò nam người Hàn Quốc vui vẻ vịn vai, đập bôm bốp vào lưng của cô giáo trẻ khi trò chuyện, khi có chuyện vui làm cô giáo vừa ngạc nhiên, vừa... sợ muốn chết. Nhiều học trò trẻ cứ nhất quyết đòi cô dạy tiếng đường phố, cô giáo phải vất vả từ chối...

Ngại nhất là khi một số học trò phương Tây rất tự nhiên khi hỏi về các bộ phận trên thân thể của phụ nữ... “Biết làm sao được” - một nữ SV bộc bạch. Cũng có một số trường hợp học trò “dữ dội” quá, cô giáo đành phải... chia tay.

Nhưng ở mặt tích cực, các giáo viên có ý thức giúp người nước ngoài hiểu nhiều hơn về VN, con người VN. Một lần đi dạo trên khu phố tây Đề Thám (Q.1, TP.HCM), anh học trò của Ngọc Thanh bị giật bóp, mất hết giấy tờ tùy thân cùng với một số tiền lớn. Anh về “méc” cô, cô trở thành người giải thích và hướng dẫn học trò cách phòng ngừa; rồi cả cách chống chèo kéo, mời mua đủ thứ, nói thách...

***

Với nhu cầu học tiếng Việt ngày càng tăng, việc hướng dẫn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đang là một nghề thời thượng trong giới SV. Vì công việc này tương đối nhàn, lương khá (khoảng 3-10USD/giờ), bản thân các bạn SV có thể học hỏi được rất nhiều và đương nhiên có thể làm một cầu nối giao lưu văn hóa giữa VN và người nước ngoài, để bạn bè có thể hiểu về VN chúng ta nhiều hơn, đúng hơn...

VI THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên