Ảnh chụp trò chơi Call of Duty - một trong những game online có liên hệ mật thiệt với trò đùa tai hại SWATing
"Chủ nhân cuộc gọi điện lừa đảo vẫn trò chuyện với 911 (số khẩn cấp tại Mỹ) ít nhất 16 phút sau khi người đàn ông ở Wichita bị bắn", dòng tít trên trang kansas.com ngày 3-1 như muốn đẩy sự tức giận và bi kịch lên cao nhất xung quanh cái chết thương tâm của Andrew Finch, một thanh niên 28 tuổi vô tội ở thành phố Wichita, bang Kansas (Mỹ).
Finch là nạn nhân mới nhất của trò đùa mang tên "SWATing" đã nổi rần rần trên mạng xã hội vài năm nay.
Ban đầu là swatting
Ban đầu trò có tên swatting, trong đó người chơi báo tin tức giả cho cảnh sát cốt để quy tụ được một lượng cảnh sát lớn nhất.
Để đạt được "cảnh giới cao nhất", người chơi sẽ nhắm tới lực lượng đặc nhiệm lừng danh SWAT của Mỹ, vì thế mới có chữ swatting. Muốn thế, quy mô của màn lừa đảo này phải là thông báo về có kẻ đánh bom, giết người hay vây hãm con tin.
Trên thực tế, swatting đã nổi lên từ những năm 1970, khi các cuộc gọi nặc danh thông báo giả đã khiến hàng loạt sân bay hay tòa nhà lớn phải chịu cảnh sơ tán. Động cơ của các trò lừa này đôi khi chỉ đơn giản là tạo ra tình trạng rối ren lớn, hay thậm chí... để hoãn kỳ thi.
Bên cạnh đó, những người nổi tiếng điển hình như diễn viên Ashton Kutcher hay các ngôi sao âm nhạc như Taylor Swift, Justin Bieber, Snoop Dog, Miley Cyrus... thường xuyên là đối tượng bị swatter tấn công.
Đối với chính quyền, swatting là vấn đề nhức nhối vì hai lẽ.
Thứ nhất là lãng phí tài nguyên, công sức của các thành phố, tiểu bang. Thứ hai, ở một đất nước không xa lạ với các vụ xả súng, trấn áp con tin, thì cơ quan công quyền không còn cách nào khác phải đáp ứng và kiểm tra từng vụ một.
Ở nhiều quốc gia, việc gọi điện lừa đảo, thông báo tình hình nguy cấp giả mạo bị khép vào tội hình sự.
Tại California, Mỹ, những swatter bị phát hiện phải đối mặt với toàn bộ chi phí phản ứng của cảnh sát, vốn được ước tính lên tới 10.000 USD.
Năm 2015, ủy viên Hội đồng lập pháp Paul Moriarty ở bang New Jersey đệ trình dự thảo tăng hình phạt cho các trường hợp lừa đảo này lên 10 năm tù và 150.000 USD tiền phạt.
Nâng cấp thành SWATing
Một sự thay đổi nhỏ trong cách viết - viết hoa toàn bộ chữ SWAT và bỏ một chữ t - là lúc đánh dấu một "bước tiến lớn" đối với thú chơi tai hại này.
Trước đây, nếu các swatter dùng nhiều mánh khóe để che giấu số điện thoại, che giấu thân phận nhằm trốn tránh pháp luật, thì nay thời đại công nghệ đã biến SWATer trở thành trào lưu nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.
SWATing, khác với swatting, là một trào lưu liên hệ mật thiết với trò chơi điện tử trực tuyến mà đặc biệt là trò bắn súng Call of Duty.
Ở một số trò chơi, các game thủ có thói quen phát trực tiếp cảnh đang chơi, thu hút hàng ngàn người theo dõi cảnh người đó chơi game.
Thế là một trong số những khán giả ấy sẽ nhấc điện thoại gọi 911, thông báo chính xác vị trí của game thủ đang phát trực tiếp, và bịa ra một câu chuyện như giết người, vây hãm con tin, chuẩn bị đánh bom... tại nơi đó.
Điều này khiến cảnh sát phải huy động lực lượng lớn đến vị trí nhận tin báo.
So với trò swatting truyền thống, SWATing giúp hàng ngàn khán giả có thể xem trực tiếp cảnh một người bị cả đội cảnh sát vũ trang vào tới tận ngõ khống chế. Yếu tố độc lạ và cảm xúc thật của các "diễn viên phát trực tiếp" ấy đã thu hút dân chơi game.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận