19/10/2015 08:53 GMT+7

Trở ngại sau khi đổi số CMND

DƯƠNG NGỌC HÀ (duongngocha@tuoitre.com.vn)
DƯƠNG NGỌC HÀ ([email protected])

TT - Nhiều người gặp trở ngại khi cập nhật thông tin mới trên các loại giấy tờ nếu không hiểu rõ quy định để lưu giữ một số thủ tục liên quan việc đổi CMND.

Số CMND mới cấp khác với số CMND trên giấy chủ quyền nhà đất của bà Phó - Ảnh: D.N.HÀ
Số CMND mới cấp khác với số CMND trên giấy chủ quyền nhà đất của bà Phó - Ảnh: D.N.HÀ

Bà Trần Thị Phó (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết giấy CMND cũ của bà do Công an Hà Nội cấp đã hết hạn 15 năm từ tháng 5-2015.

Trong lần về Hà Nội chữa bệnh gần đây, bà đã đổi và được Công an Hà Nội cấp CMND mới 12 số. Sau khi cấp CMND mới, Công an Hà Nội có trả cho bà Phó giấy CMND cũ đã bị cắt góc nhưng bà nghĩ không quan trọng nên không giữ lại.

Trong sổ hộ khẩu của bà Phó, Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Hà Nội có ghi thêm số CMND mới bên cạnh số CMND cũ và đóng dấu xác nhận về trường hợp ghi thêm này.

Số mới người cũ: làm sao chứng minh?

Cuối tháng 9, bà Phó đến UBND Q.Gò Vấp hỏi thăm để làm thủ tục thay đổi số CMND trên giấy chủ quyền nhà. Cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Q.Gò Vấp hướng dẫn bà phải có giấy xác nhận của Công an TP Hà Nội về việc hai số CMND là của một người.

Bà Phó cho biết bà còn giữ nhiều giấy tờ có số CMND cũ như hộ chiếu, bản sao y giấy CMND cũ có dán hình của bà nhưng không có giấy tờ nào xác nhận hai số CMND trên là của một người.

Mỗi lần về Hà Nội rất tốn kém, khó khăn nên bà Phó không có điều kiện đi ngay để xin giấy xác nhận hai số CMND là của một người như yêu cầu của cán bộ Q.Gò Vấp.

Trong khi đó, Công an P.6, Q.Gò Vấp làm thủ tục thay đổi thông tin trên sổ đăng ký tạm trú dài hạn của bà Phó mà không đòi hỏi thủ tục khác.

Trường hợp bà H.N. ở Q.Thủ Đức làm lại CMND mới sau khi chuyển hộ khẩu từ một tỉnh miền Trung vào TP.HCM. Khi nhận CMND mới, Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM cấp kèm theo cho bà N. một giấy xác nhận việc đổi số CMND.

Nội dung trên giấy ghi rõ tên của bà N., số CMND cũ và số CMND mới. Đơn vị cấp giấy xác nhận cũng ghi rõ giấy này chỉ có hiệu lực khi bà N. xuất trình cùng với bản chính CMND.

Tuy thuận tiện trong việc giao dịch như đổi thông tin về mã số thuế, hoặc khi giao dịch các loại giấy tờ có ghi chú số CMND cũ, nhưng theo bà N., bà cứ nơm nớp lo mất hoặc quên tờ giấy này khi đi làm các thủ tục.

“Tại sao đơn vị cấp CMND mới không ghi chú số CMND mới trên sổ hộ khẩu để người dân dễ giao dịch?”, bà N. thắc mắc.

Nên tin người dân

Sau khi xem giấy tờ của bà Phó, lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Q.Gò Vấp cho biết sẽ linh động giải quyết thay đổi thông tin cá nhân trên giấy chủ quyền nhà, đất của bà Phó dựa trên những giấy tờ liên quan như sổ hộ khẩu và sổ đăng ký tạm trú dài hạn.

Một cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai TP (Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM) cho biết theo quy định về việc thay đổi thông tin cá nhân trên giấy chứng nhận, người dân chỉ cần xuất trình bất kỳ giấy tờ nào chứng minh hai số CMND trên là của một người.

Vì vậy, sổ hộ khẩu có ghi chú số CMND mới, giấy CMND cũ cắt góc hoặc giấy xác nhận... đều chấp nhận được.

Theo quy định về việc đổi CMND 12 số (đang áp dụng ở các tỉnh, thành phía Bắc), sau khi cấp giấy CMND mới thì đơn vị cấp giấy sẽ trả cho người dân CMND cũ đã cắt góc nếu giấy cũ này còn rõ chữ, rõ hình.

Nếu như CMND cũ không còn rõ chữ, rõ hình thì nơi cấp giấy CMND phải cấp giấy xác nhận hai số CMND là của một người.

CMND cũ cắt góc tuy không còn giá trị sử dụng nhưng có giá trị chứng minh hai số là của một người với các cơ quan, đơn vị khác. Quy định cũng buộc cơ quan cấp CMND mới phải cấp giấy xác nhận nếu người dân yêu cầu.

Trung tá Trần Đình Long - đội trưởng đội cấp, quản lý CMND và giấy tờ đi lại khác, PC64 Công an TP.HCM - cho biết quy định hiện hành không buộc các cơ quan cấp giấy CMND phải đương nhiên cấp giấy xác nhận cho người dân đã đổi CMND (đổi số mới).

Từ năm 2005, PC64 đã cấp giấy xác nhận cho người dân sau khi đổi CMND có đổi số cho tất cả các trường hợp. Việc cấp giấy xác nhận đương nhiên này là do nhu cầu thực tế của người dân và tình hình đặc thù của địa phương.

“Giấy xác nhận này giúp người dân thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch về nhà, đất. Ví dụ như khi công chứng bán nhà thì công chứng viên phải kiểm tra giấy CMND của người bán để xác định có đúng là chủ nhà hay không” - ông Long xác nhận.

Ông Long cũng cho biết cá biệt có một số đơn vị không chấp nhận giấy xác nhận này của phòng. Nếu gặp trường hợp này, người dân liên lạc đến đường dây nóng (0962787777) của PC64, lãnh đạo của đội cấp CMND sẽ giải thích rõ cho cơ quan tiếp nhận về việc này.

Ngoài ra, người dân có thể đem CMND và sổ hộ khẩu đến PC64 hoặc đơn vị cấp CMND để yêu cầu ghi nhận số CMND mới vào mục đính chính ở những trang sau của sổ hộ khẩu.

Người dân nên chủ động thay đổi thông tin

Luật sư Châu Xi, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng CMND chỉ là một loại giấy tờ tùy thân của người dân, không liên quan đến tài sản.

Sau khi đổi số CMND, người dân nên chủ động đi thay đổi thông tin trong các thủ tục liên quan như mã số thuế, tài khoản ngân hàng, giấy chủ quyền nhà, đất... để tránh sự phiền hà khi cần giao dịch.

Trường hợp người dân lỡ làm mất các loại giấy tờ xác nhận việc đổi số CMND như trường hợp của bà Phó thì các cơ quan chức năng nên linh động giải quyết.

Cụ thể, người dân có thể tự làm bản tường trình, cam kết có xác nhận chữ ký của UBND cấp xã phường về sự việc trên. Nếu các cơ quan liên quan nghi ngờ thì có thể tự liên hệ đến các đơn vị cấp CMND để xác minh.

Trước hết, hãy tin người dân, để dân tự chịu trách nhiệm về việc mất giấy tờ của mình. Đây cũng là một cách giảm phiền hà, cải cách thủ tục.

DƯƠNG NGỌC HÀ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên