Việc “học cùng” người dùng sẽ giúp ViVi ngày càng trở nên thông minh hơn và thấu hiểu người dùng hơn - Ảnh: B.C
Được phát triển bởi VinBigdata, một công ty công nghệ thuộc tập đoàn Vingroup, trợ lý ảo ViVi trên dòng xe điện mới ra mắt của hãng xe VinFast (VF e34) đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.
Sản phẩm AI thuần Việt
"Tôi buồn quá/ Tâm sự với tôi đi/ Bạn yêu ai nhất/ Làm sao để giảm cân/ Hôm nay ăn gì nhỉ? Chỉ tôi mấy câu thả thính/ Kể chuyện cười đi ViVi…" Nếu lần đầu nghe, người tiêu dùng có thể khó tin đây là một số những câu giao tiếp điển hình mà họ có thể thử cùng Trợ lý ảo Vivi trên chiếc ô tô điện đầu tiên của VinFast E34 - sản phẩm vừa chính thức được giao đến tay những khách hàng đầu tiên cuối tuần qua.
Được bắt đầu với câu lệnh "Hey VinFast", công cụ hỗ trợ này được xây dựng trên nền tảng Trí tuệ nhân tạo kết hợp với công nghệ Xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Đại diện đơn vị này cho biết, khi tích hợp trên xe, ứng dụng cho phép người lái dùng giọng nói thực hiện nhiều tác vụ như dẫn đường, gọi điện, nhắn tin, nghe nhạc, đọc tin tức, hay điều khiển các chức năng trên xe…
"Hơn nữa, ViVi còn có thể trò chuyện ngẫu hứng, kể chuyện cười cũng như giải đáp các câu hỏi thường ngày, giúp người lái có những phút giây thư giãn và vui vẻ. Hệ thống có khả năng hỗ trợ người dùng hỏi đáp thông tin và thực hiện nhiều tác vụ khi đang di chuyển mà không ảnh hưởng đến độ tập trung và thao tác lái xe của tài xế", vị này chia sẻ.
Cũng theo đại diện đơn vị này, ViVi là giải pháp giọng nói "thuần Việt", được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư hàng đầu tại Việt Nam dưới sự dẫn dắt của GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigData, đồng thời là giáo sư Toán học tại Đại học Yale (Hoa Kỳ).
"Với lợi thế về dữ liệu và sức lao động trí thức trẻ, nếu được đầu tư đúng hướng, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng phát triển thành công nhiều giải pháp ứng dụng thông minh đa ngành nghề trong y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại, giúp Việt Nam bắt kịp các bước tiến của thế giới. Sự ra đời của những sản phẩm hoàn toàn "made in Vietnam" như ViVi là một ví dụ. Về phương diện phục vụ cộng đồng, một sản phẩm Trợ lý giọng nói hiểu người Việt nhất phải là một sản phẩm do chính người Việt chúng ta tạo ra" - GS Văn nhấn mạnh.
Các chuyên gia của VinBigData cho biết Vivi được xây dựng dựa trên hàng chục nghìn giờ dữ liệu chất lượng cao cùng khả năng nhận diện tiếng Việt chính xác tới 98%, ViVi có thể hiểu và đàm thoại tự nhiên với người lái ở nhiều ngữ cảnh khác nhau. Đây là điều mà khá ít trợ lý ảo hiện tại có thể hỗ trợ cho ngôn ngữ tiếng Việt.
ViVi được "đào tạo" bởi chính người dùng
Theo các chuyên gia, việc tích hợp ViVi trên VF e34 đánh dấu cột mốc đầu tiên trên tiến trình hoàn thiện sản phẩm Trợ lý giọng nói toàn diện dành riêng cho người Việt của VinBigData. Trong tương lai, VinBigData cho biết dự định tiếp tục đem dòng sản phẩm xử lý ngôn ngữ/trợ lý ảo bước tiếp vào các lĩnh vực khác của đời sống.
Các chuyên gia cho rằng, đối với các sản phẩm thông minh (AI), dù ở quốc gia nào, trong những bước đầu luôn tồn tại khoảng cách giữa ý tưởng từ phòng thí nghiệm và trải nghiệm thực tế. Yếu tố tiên quyết để hàn gắn khoảng cách này trên một sản phẩm chính là liên tục lắng nghe, thu thập dữ liệu và cải thiện. "Đối với ViVi, việc "em bé" được "học cùng" người dùng sẽ giúp Vivi ngày càng trở nên thông minh hơn, hiểu người dùng hơn, từ đó nâng cao trải nghiệm cá nhân hóa cho người sử dụng", đại diện VinFast nói thêm.
Cụ thể, ở trên xe, để thực sự trở thành một trợ lý ảo toàn diện, ViVi sẽ cần thời gian học hỏi và trải nghiệm thực tế cùng người lái, học và dần dần tìm cách thích nghi với rất nhiều thói quen khác nhau của từng người.
Theo TS Nguyễn Kim Anh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Trợ lý ảo VinBigData - đối với chức năng trò chuyện, những người dùng khác nhau sẽ dùng rất nhiều câu từ và ngôn ngữ khác nhau để mô tả một câu lệnh hay một ý định. "Để có thể trả lời chính xác, thân thiện và tự nhiên nhất, Trợ lý ảo cần trải qua một quá trình giao tiếp và học hỏi thường xuyên với tài xế. Đây cũng là bài toán về xử lý ngôn ngữ tự nhiên mà đội dự án phát triển Trợ lý ảo tại VinBigData luôn đặt ưu tiên hàng đầu và đã vạch định lộ trình cụ thể để cải tiến liên tục trong tương lai. Những dữ kiện có được từ những phản hồi lỗi này sẽ dần dần giúp Vivi hiểu người dùng một cách toàn diện hơn. Theo thời gian, ViVi sẽ liên tục cập nhật dữ liệu, học hỏi từ người dùng để tiến tới một phiên bản hoàn thiện nhất", TS Kim Anh cho biết.
Dấu ấn mới trong kỷ nguyên công nghệ giọng nói tại Việt Nam
Thế giới đã có nhiều Trợ lý ảo bằng giọng nói như Google, Alexa, Cortana… đến từ các tập đoàn công nghệ lớn. Tại Việt Nam, ViVi cũng không phải Trợ lý ảo đầu tiên hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt. Tuy nhiên, với lợi thế riêng về cơ sở dữ liệu lớn, đội ngũ chuyên gia gồm nhiều nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, kết hợp cùng công nghệ tiên tiến hàng đầu, VinBigdata kỳ vọng ViVi sẽ trở thành sản phẩm Trợ lý giọng nói dành riêng cho người Việt, dẫn đầu thị trường trong nước.
ViVi là giải pháp giọng nói “thuần Việt", được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư hàng đầu tại Việt Nam dưới sự dẫn dắt của GS Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học VinBigData (Tập đoàn Vingroup) đồng thời là giáo sư Toán học tại Đại học Yale (Hoa Kỳ) - Ảnh: B.C
"Tiếp theo việc tích hợp sản phẩm Trợ lý giọng nói tiếng Việt trên xe ô tô, chúng tôi muốn ứng dụng các giải pháp xử lý giọng nói cho nhiều lĩnh vực khác như loa thông minh hay nhà thông minh…với một tầm nhìn về một nền công nghệ giọng nói tại Việt Nam. Về công nghệ này, các nước tiên tiến đang đi trước chúng ta một bước dài, nhưng với đặc thù tiếng Việt, tiềm năng của chúng ta vẫn là rất lớn", GS Vũ Hà Văn bổ sung.
"Để tạo ra một Trợ lý toàn diện, am hiểu sâu các thói quen, khẩu ngữ vùng miền và nhu cầu trong đời sống hàng ngày của người Việt thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đây là một thách thức lớn về mặt kỹ thuật nhưng cũng đồng thời là cơ hội để VinBigData phát huy lợi thế của mình và đặt một cột mốc cho công nghệ giọng nói ở Việt Nam", GS Văn khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận