23/03/2005 13:47 GMT+7

Trở lại "thung lũng Chết"

KENNETH J.HERRMANN
KENNETH J.HERRMANN

TT - Tôi trở lại VN vào năm 1998 để đến cái vùng trung du cách Đà Nẵng về phía tây nam khoảng 70km. Kể từ lần trước đến nay dễ cũng cả nửa đời người.

de6aBZIl.jpgPhóng to
K. Herrmann những ngày ở VN, năm 1968

Tôi quay lại VN với thái độ dè dặt. Tôi biết là tôi sợ phải đối mặt với nơi này. Ký ức của tôi tràn đầy những hình ảnh về những trận đánh đẫm máu, sự tuyệt vọng, nỗi nhớ nhà và một sự hủy diệt. Nên tôi hiểu việc tôi một lần nữa lại đặt chân đến VN có ý nghĩa gì.

Ngày ấy, một cô bé 10 tuổi...

Khi tôi trở lại Hiệp Đức, nơi tôi đã sống trọn một năm vào cái tuổi 20 ấy, tôi không hề nhận ra nó. Ba thập kỷ đã trôi qua, cây nhỏ đã mọc thành rừng rậm. Trong không trung không còn cái mùi của chất hóa học làm cây rụng lá (nhưng vẫn còn nghe thoảng mùi thối rữa trong không gian và tôi được nghe nói rằng đó là dioxin - một loại chất làm cây xanh rụng lá). Napalm và bom đạn đã cho phép thiên nhiên giấu đi sự tàn phá của chiến tranh.

Tôi biết đây là ngôi làng cũ khi tôi nhìn thấy dòng sông quen thuộc, ngọn đồi nhỏ nơi tôi đã sống trong một cái hố được đắp bởi những bao cát và ống cống. Những ngọn núi bao quanh tôi là nơi máu của người VN và người Mỹ đã tưới xuống. Đây là nơi các truyền thuyết trong vùng nói rằng nó tràn ngập vong hồn của hàng ngàn người đã chết vì tự do của Tổ quốc, và họ không được yên nghỉ dưới mồ.

Hiệp Đức còn được đề cập đến như là một “thung lũng Chết”, đó là một khu vực bình định giống như khu vực định cư của người da đỏ. Đội quân Mỹ đổ bộ xuống đây để ngăn cản lực lượng giải phóng khi họ vượt qua vùng núi đồi này để tấn công các thành phố ven biển cách đấy khoảng 30 dặm.

Tôi chỉ là một lính quân dịch. Tôi được đào tạo để điều khiển máy viễn ký radio, thế mà lại được điều về một đơn vị bộ binh không có loại máy này, và được giao nhiệm vụ điều khiển điện đàm vào ban đêm ở trung tâm chỉ huy tiểu đoàn ở một nơi gọi là LZ West. LZ West là một ngọn đồi cao khoảng 435m, đi từ đây đến phía tây Đà Nẵng phải mất hai giờ.

Khi chúng tôi bắt đầu bình định khu này, có một đơn vị gồm các kỹ sư quân đội Mỹ có nhiệm vụ làm một con đường giao thông dẫn đến vùng này. Tôi đã trải qua một đêm với họ, lọt giữa các máy bay chuyên chở binh sĩ và các máy ủi.

Sáng hôm sau một ông già tìm đến cùng với một người phiên dịch. Ông già kêu khóc, hấp tấp nói với giọng bấn loạn. Đứng cạnh ông là một cô bé khoảng 10 tuổi, dáng lừ đừ mệt mỏi, khuôn mặt buồn bã cứ cúi gằm xuống đất. Người phiên dịch cho tôi biết ông già là ông nội của đứa bé. Ông già muốn chúng tôi làm một việc gì đó.

Ông tố cáo rằng cháu nội ông đã bị hai tên lính Mỹ trong đơn vị của chúng tôi hãm hiếp. Tôi đặt ra vài câu hỏi với hai ông cháu thông qua người phiên dịch. Cô bé chỉ vào hai người kỹ sư trong bọn và khóc tức tưởi.

Viên đội trưởng nhóm kỹ sư quân đội đi đến hỏi xem có chuyện gì. Tôi kể vắn tắt cho hắn biết. Hắn nói giọng lạnh tanh:

- Hãy bảo chúng cút khỏi đây. Chỉ là chuyện ba láp. Chẳng ai làm gì con bé hết. Chúng chỉ muốn moi tiền thôi. Chúng tưởng cứ mè nheo là được tiền.

Người phiên dịch thì thầm với tôi:

- Con bé nói rằng bọn lính đã chụp ảnh vụ hãm hiếp.

Tôi bảo cô bé chỉ cho tôi xem nơi sự việc xảy ra và nó dẫn chúng tôi đến một cái lều được làm bằng vải dù. Tôi đi vào lều, tìm được hai tấm ảnh chụp lấy liền cảnh hai tên súc sinh nham nhở đang hiếp đứa trẻ và đưa cho tên đội trưởng.

Hắn nổi cáu:

- Điều đó không có nghĩa gì hết. Tôi đã bảo anh hãy đuổi cổ chúng đi.

Tôi cũng đâu có vừa, tôi nổi đóa, hét vào mặt hắn:

- Mày nói cái quái gì vậy? Chúng nó đã hiếp đứa trẻ này và chụp ảnh. Tao phải sống chung với lũ mặt người dạ thú như thế ư? Mày không có cách nào lấp liếm chuyện này đâu.

Một tên trung sĩ quèn như tôi mà lại dám cãi nhau với một đại úy, nhưng tôi cóc cần. Cuối cùng tôi bảo hắn là tôi sẽ báo cáo chuyện này lên với đại tá chỉ huy tiểu đoàn.

- OK - tên đại úy nói.

Hắn đi đến máy bộ đàm và gọi cho một ai đó. Nửa tiếng sau, một chiếc máy bay trực thăng đáp xuống cùng với hai cảnh sát quân đội lôi đi hai kẻ hãm hiếp. Tên đại úy tỏ vẻ không quan tâm, hắn quay lại làm việc khi chiếc máy bay trực thăng bay đi. Hai ông cháu tội nghiệp lủi thủi bỏ đi. Tôi thường băn khoăn tự hỏi không biết chuyện gì xảy ra với hai tên súc sinh đó. Nhưng điều tôi quan tâm hơn là chuyện gì sẽ xảy ra đối với cô bé mới 10 tuổi đầu này.

Người quen cũ ở VN

Chuyến trở về VN đầu tiên của tôi không phải là ý định của tôi. Kathy đã khuyến khích tôi làm chuyện này.

Cô ấy đã chứng kiến cảnh tôi nhìn thấy Việt cộng bước qua phòng ngủ của chúng tôi, tình trạng bấn loạn bồn chồn và những cơn ác mộng diễn ra suốt đêm, sự đương đầu đầy giận dữ của tôi với giới quan quyền, và sự nóng nảy của tôi đối với mọi hình thức bất công.

Cô từng thấy cảnh trong lúc mơ ngủ tôi bò lồm cồm quanh giường để tránh đạn của kẻ thù. Cô thấy phản ứng sợ hãi của tôi vào những lần tôi thấy Việt cộng đứng ngay ở cuối chân giường khi tôi lên giường đi ngủ.

Cô cũng thấy sự phẫn uất của tôi trong trường hợp các phiên tòa, các tổ chức chính phủ vi phạm quyền con người hoặc từ chối không đưa ra một sự giúp đỡ tích cực đối với những người cần giúp đỡ...

Cô nhìn thấy giá trị của việc tôi trở về VN bởi vì cô yêu tôi...

Trở về Tân An - tên của ngôi làng ngày hôm nay - lần đầu tiên, tôi đặt ra nhiều câu hỏi đối với các quan chức địa phương trong cố gắng có được câu trả lời cho những vấn đề về những ngày tháng của tôi ở đây.

Có ai đã trải qua thời kỳ chiến tranh mà vẫn còn sống ở đây không? Có ai còn nhớ gì khi hồi hương về vùng này vào khoảng cuối những năm 1960 không?

Trong đám đông có một người đàn ông lên tiếng vừa cười vừa nói một điều gì đó với người phiên dịch. Hướng dẫn viên du lịch dẫn người đàn ông tươi cười đến chỗ tôi, giải thích rằng tên người đàn ông này là Lê Quang Ngữ.

Ngữ nói đã nhận ra tôi và nhớ về tôi trong những ngày tháng mà cho đến nay vẫn ám ảnh ký ức tôi. Ngữ 16 tuổi khi tôi đến VN lần đầu và là một trong những người đã đi tìm chỗ trú ẩn giữa lúc những trận đánh dữ dội đang xảy ra. Mặc dù không nhớ được một chút gì về anh, trong tôi vẫn tràn ngập cảm xúc như khi ta gặp lại một người thân sau bao ngày xa cách.

Anh đã có mặt ở đây cùng một khoảng thời gian với tôi. Anh có mặt ở đây khi những người đói bòn mót từng hạt thóc dưới đám bùn lầy, hoặc ăn rễ cây, hoặc uống nước tanh tanh mùi bùn mà sống còn để mà tồn tại. Anh có mặt ở đây đúng vào giai đoạn có một cô bé bị một mảnh đạn lạc phạt vào sau gáy.

Tôi ẵm cô bé lên một chiếc trực thăng để mang về Đà Nẵng. Cô bé nhìn tôi, ánh nhìn đờ đẫn, nhưng lại thấu suốt tâm hồn tôi. Đó là một trong số ít lần trong chiến tranh khiến tôi bật khóc.

Anh ở đây khi chúng tôi chở đi cái có vẻ giống như một dòng chảy liên tục - những đứa trẻ bị bệnh sốt rét - trên những chiếc máy bay trực thăng bay về Đà Nẵng để điều trị trước lúc quá muộn. Anh ở đây khi chúng tôi gửi một nhóm 15 người bị bệnh hủi đang trốn trong vùng này đến Đà Nẵng để chuyển đến cái làng dành riêng cho họ. Cũng là cái nơi mà tôi muốn đến để biết rõ hơn, nhiều năm sau đó.

Anh ở đây vào lúc mà mảnh đất này trải qua cảnh đầu rơi máu chảy và nỗi kinh hoàng trong luyện ngục không phải là chuyện chỉ xảy ra trong tưởng tượng. Anh lại ở đây khi tôi trở về 30 năm sau. Anh còn nhớ được tôi trong số những người lính Mỹ xâm lược là bởi cái tẩu lúc nào cũng gắn bên miệng tôi, cặp mắt kiếng và (như lời anh nói) tiếng cười ông ổng của tôi. Anh là người lịch sự nên anh đã không nhắc đến cái đầu hói của tôi.

Vợ anh bán đồ tạp hóa lặt vặt ở một cái quầy bên lề đường trong khu chợ Hiệp Đức. Cả hai anh chị đều rất yêu con. Gặp lại họ đối với tôi cũng là một cách nhắc nhở rằng quá khứ vẫn còn đó. Nhắc tôi nhớ rằng tôi chưa bao giờ rời Hiệp Đức vào năm 1969 và có lẽ tôi cũng sẽ không thể rời khỏi nơi này được. Tôi chỉ giả vờ là nó thuộc về lịch sử.

Lịch sử có giá trị chia sẻ với sinh viên Mỹ. Họ có thể đến thăm Ngữ để hiểu một chút gì đó về cuộc chiến tranh ở VN và đất nước VN. Các sinh viên Mỹ chia sẻ nỗi đau với anh khi anh miêu tả lại việc anh mất mẹ trong thời kỳ chiến tranh như thế nào.

- Mẹ tôi đang ở trong một bệnh viện bên kia thung lũng thì máy bay Mỹ dội bom xuống. Chúng tôi không tìm được bất cứ mảnh xác của bà để mai táng cho tử tế. Chết mất xác là nỗi đau ghê gớm đối với người VN chúng tôi. Vì thế mà vong hồn của bà vẫn không được đầu thai cứ phải lang thang vô định trên mảnh đất này mãi mãi.

Học sinh của chúng tôi sẽ hiểu về chiến tranh nhiều hơn là Hollywood có thể cho họ biết và chắc chắn là hơn những giáo viên dạy ở cấp III...

Chiến tranh đã lùi lại ở phía sau lưng. Nhưng với nhiều cựu chiến binh Mỹ, tất cả những biến cố đau lòng của những tháng năm tàn khốc ấy, một cách nào đó, đã dẫn đến những chuyện xảy ra hơn 30 năm sau. Rick Bradshaw là một sự tiếp nối như thế khi trong bài thơ cuối cùng ông muốn tro tàn của thân xác mình được rải lên sông núi VN, “Và dòng nước của trời sẽ gột rửa tâm hồn tôi...”.

--------

* Kỳ tới: Nghi lễ chữa lành vết thương

--------------

Tin. bài liên quan:

- Kỳ 1: Người "tù binh" trong hòa bình ở VN

KENNETH J.HERRMANN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên