03/04/2009 08:07 GMT+7

Trở lại sông Thị Vải: Cua, cá lèo tèo - thả tôm, tôm chết!

ĐỨC TUYÊN - HÀ MI
ĐỨC TUYÊN - HÀ MI

TT - Sông Thị Vải đã hồi sinh? Phóng viên Tuổi Trẻ đã thuê tàu làm cuộc hành trình trên sông kéo dài hai ngày một đêm, gặp gỡ và sống cùng các ngư dân trên sông Thị Vải để tìm hiểu sự tình. Chúng tôi cũng gặp gỡ thêm các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn về môi trường và hầu hết mọi người đều khẳng định: “Chưa đủ cơ sở để nói sông Thị Vải hồi sinh!”.

MLwhq9BO.jpgPhóng to

Quần cả ngày lẫn đêm trên sông Thị Vải, anh Huỳnh Văn Chung chỉ đánh được vài con cua bé tẹo như thế này - Ảnh: N.ĐỨC TUYÊN

Những tháng gần đây, một số người dân đã trở lại đánh bắt cá và nuôi tôm trong vùng sông Thị Vải. Bao nhiêu hi vọng gần như đều tắt ngấm bởi sông vẫn quá “nghèo”: cua, cá lèo tèo, nuôi tôm thì tôm chết…

Sáng 22-3, từ rạch Phước Thái thuộc ấp 1A, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đi tàu ra sông Thị Vải. Xa xa là vài chiếc thuyền của các ngư dân đánh bắt trên sông. Khoát tay một vòng, Võ Văn Giác, người có vài chục năm thu mua hải sản trên sông Thị Vải và cũng là chủ tàu cho chúng tôi thuê, bộc bạch: “Cảnh bà con đánh bắt trên dòng sông này lâu lắm rồi mới xuất hiện trở lại. Tôi cũng thấy vui lây…”. Thế nhưng niềm vui của anh Giác tắt ngấm ngay khi gặp gỡ những ngư dân đang hành nghề trên dòng sông này.

Lèo tèo cua, cá

YdGfvG5c.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Minh Luân dỡ 4-5 cái rập mà không bắt được con cua, cá nào

Rạch Phước Thái nằm cách xa Công ty CPHH Vedan Việt Nam (Vedan) gần 1km. Tàu chạy được hơn 10 phút thì chúng tôi gặp ghe của vợ chồng anh Huỳnh Văn Chung đang đánh bắt cá, cua trên sông. Nhìn vào giỏ chỉ thấy lèo tèo ít con cua biển bé tẹo như cua đồng cùng ít tôm bằng ngón tay cái. Chị Loan, vợ anh Chung, thật thà: “Đặt vài chục cái rập cua từ chiều qua đến giờ mới được từng đó chú ơi. Cứ cảnh này đánh chừng ít bữa nữa chắc vợ chồng tui trở lại quê thôi”. Anh Chung cũng góp chuyện, nói át cả tiếng máy: “Hai vợ chồng ở tận xã Thạnh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Nghe bà con đồn sông Thị Vải đã có cá trở lại nên vợ chồng tui đưa ghe sang đây đánh bắt hơn 10 ngày nay rồi. Đánh một ngày đêm chỉ được hơn 2kg cá, cua…”.

Chia tay anh Chung, chúng tôi chạy tàu chừng 300m nữa mới gặp được một chiếc ghe đang dỡ rập cua. Anh Trần Văn Hiếu, chủ ghe (cùng ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Long An), cho biết anh đã tới khu vực này đánh bắt hơn nửa tháng nay. “Không có cua lớn, mấy bữa rày tui chỉ đánh được ít cua nhỏ bán cho mấy chủ đùng để họ thả nuôi nên giá thấp, 35.000-40.000đ/kg. Vì là cua nhí, nếu không bán ngay để khoảng hai ngày là chết hết trơn” - anh Hiếu nói.

Đặc biệt, trong khu vực bán kính khoảng 1km trên sông Thị Vải - ngay sau Vedan, có rất ít ghe của ngư dân đánh bắt hải sản. Tìm hiểu, đa số ngư dân đều quả quyết: “Xung quanh vùng đó có bủa lưới mỏi tay cũng khó kiếm được con cá, con cua nào”. Cho tàu chạy lên mãi đến cảng Gò Dầu B, ngay rạch Bà Riêu chúng tôi mới gặp ngư dân Nguyễn Minh Luân đang kéo rập cua. Kéo liền lúc ba rập, mỗi cái dài hơn 10m mà anh Luân chẳng bắt được cua, cá nào. Vợ chồng anh Luân quần suốt trên sông nhưng một ngày một đêm cũng chỉ kiếm được 40.000 - 50.000đ.

Hiện đa số ngư dân đánh bắt hải sản trên sông Thị Vải đều tập trung thả lưới ở khu vực rạch Bà Riêu, nơi giáp ranh giữa huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) và vùng sông thuộc huyện Nhơn Trạch, cách xa Nhà máy Vedan 3-5km. Hai vợ chồng chị Lương Thị Hồng Phúc mấy hôm nay phải dời cả dàn đăng dài gần 1km tới địa phận huyện Tân Thành mới kiếm được ít cá. Khi chúng tôi đến, vợ chồng chị Phúc cùng ba người con đã hoàn thành việc thu đăng. Chỉ vào đống cá, cua thập cẩm cùng rác, lá cây mục, chị Phúc than: “Ngâm nước, lội bùn, cả nhà năm người làm từ 2g sáng đến giờ (10g sáng) mới được vài chục ký gồm lá cây, rác, cá, cua, tôm bé tí tẹo vậy đó. Cá, cua đã xuất hiện trở lại trên sông nhưng còn ít lắm”.

Hai ngày cho tàu chạy dọc ngang khắp sông Thị Vải, chúng tôi gặp hơn 20 ngư dân hành nghề đánh bắt thủy sản. Đa số họ đều nghèo, không nghề nghiệp nên ráng bám vào dòng sông sống qua ngày. Trong vài chục ngư dân chúng tôi gặp ấy, may mắn nhất có lẽ là gia đình bà Huỳnh Thị Đẹp, ngụ ấp 1A, xã Phước Thái, đang thả lưới trên lưu vực sông thuộc địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu. Bữa đó hai ông bà và người con trai đánh được gần chục ký cá, ba con cua và giá trị nhất là con tôm tích bằng nửa cổ tay. “Coi như bữa nay trúng mánh. Lâu lắm rồi mới có bữa được như vầy!” - anh Nguyễn Văn Thắng, con bà Đẹp, hồ hởi khoe.

Thả tôm, tôm chết

quwWMNBs.jpgPhóng to
Bé Ba, con chị Lương Thị Hồng Phúc, đang trói con cua nhỏ xíu bắt được từ gần 1.000m đăng trên sông Thị Vải - Ảnh: N.ĐỨC TUYÊN

Dù ít nhưng những ngư dân đánh bắt hải sản trên sông Thị Vải còn có đồng ra đồng vào. Riêng những chủ đùng nuôi tôm đã hoạt động trở lại nhưng luôn hồi hộp với tình trạng tôm chết. Anh Trương Công Hải có ao tôm hơn 1ha tại rạch Tre, ngay sau Vedan, cho biết anh mới vay ngân hàng, người thân được hơn 70 triệu đồng để cải tạo ao, xử lý nước thả tôm được gần nửa tháng. Anh Hải lo lắng: “Chúng tôi xử lý nước 3-4 lần sau đó mới dám thả tôm xuống nuôi. Không biết sống chết ra sao vì chưa kiểm tra được do tôm còn quá nhỏ. Nhưng tôi đang run vì mấy bữa rày nước ngoài sông tự dưng chuyển màu như nước trà, có mùi hôi rất khó chịu, không biết do nhà máy nào xả ra”.

Anh Hải không lo sao được khi ao tôm của anh Nguyễn Văn Hùng (gần kế bên) mới bị chết trắng. Cũng như anh Hải, anh Hùng xử lý nước đến bốn lần mới thả mẻ tôm giống trị giá hơn 10 triệu đồng xuống ao. Thế nhưng được hơn tháng thì tôm chết sạch. Anh Hùng hút nước ra, xử lý ao, thả đợt tôm giống mới xuống. “Ô nhiễm thế sao mấy anh cứ liều nuôi?”- chúng tôi hỏi. Hùng và Hải thật thà trả lời: “Ao đã treo hơn nửa năm nay rồi chúng tôi chẳng biết lấy gì mà sống, thấy nước trong lại mấy bữa rày liều mua tôm giống về thả, ai dè…”.

Chạy tàu lên mãi tận thượng nguồn sông Thị Vải thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, chúng tôi cũng gặp những chủ ao nuôi tôm với khuôn mặt nhàu nhĩ. Tình cảnh của họ còn có phần bi đát hơn cả anh Hùng. Anh Nguyễn Ngọc Triền (ngụ ấp 2A, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) mới bị chết trắng cả ao tôm, thiệt hại hơn 150 triệu đồng. Sốt ruột vì ao treo quá lâu, cuối tháng 1-2009 anh Triền mua gần 2 triệu tôm giống về thả hai ao rộng hơn 1,5ha. “Xử lý nước rất kỹ, qua gần một tháng tôm phát triển bình thường. Thế nhưng ngày 17-2 tôi bơm nước từ ngoài sông Thị Vải vào để thay nước cũ. Không ngờ tôm bắt đầu chết phơi râu. Đến ngày 20-2 tôm chết trắng hết cả ao, không còn lấy một con” - anh Triền buồn so kể lại.

Anh Triền cũng cho biết thêm vùng này hầu như nông dân nào cũng có 1-2 ao tôm bị chết. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng nuôi tôm rộng hơn 50ha, anh Triền chỉ, này là hai ao của ông Dũng, tôm mới chết hồi đầu tháng 3; ao anh Việt, anh Hải, anh Bồi... từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 tôm chết hết sạch. Mắt đăm đăm dõi xa cả khoảng đất bao la với những ao tôm phơi khô đáy, anh Nguyễn Giác (cùng nuôi tôm gần đùng của anh Triền) nói như than: “Đồng tôm giờ như cánh đồng chết. Không biết đến khi nào nguồn nước mới hết ô nhiễm để những người nuôi tôm như chúng tôi có thể yên tâm sản xuất và sống được…”.

(còn tiếp)

ĐỨC TUYÊN - HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên