30/08/2022 14:21 GMT+7

Trở lại ngôi làng bị bão lũ xóa sổ

TẤN LỰC - LÊ TRUNG
TẤN LỰC - LÊ TRUNG

TTO - Giữa bốn bề núi non, sông Leng trong vắt chảy qua từng khe đá. Dưới thung lũng bên sông, khu nhà tái định cư bà con M'Nông sau thảm họa Trà Leng đứng vững chãi trong màu mái đỏ.

Trở lại ngôi làng bị bão lũ xóa sổ - Ảnh 1.

Làng tái định cư Bằng La vững chãi bên dòng sông Leng - Ảnh: TẤN LỰC

Như vết thương đang kéo da non, những dấu vết đớn đau trong vụ sạt lở kinh hoàng dần phai nhạt. Trên gương mặt già, trẻ, nụ cười đã trở lại đời sống thường nhật ở khu tái định cư Bằng La này.

Sự sống tái sinh nơi làng mới

Rừng Nam Trà My, tháng 8, trời mưa sớm. Trước căn nhà sàn tái định cư bằng bê tông, mấy giỏ lan rừng treo lủng lẳng hứng hơi ẩm từ cơn mưa. Ông Nguyễn Thành Sơn (62 tuổi), chủ nhà, vốn là dân cư nóc Ông Đề cũ, hồi tưởng lại vụ sạt lở vùi lấp 15 nóc nhà và 22 nhân mạng, gồm người vợ thân yêu của mình. 

Nỗi đau vẫn còn đó mà cuộc sống là tương lai, phải khép lại quá khứ để bước tiếp. Trong nhà con trai vừa sinh cháu, ông Sơn có được niềm vui lên chức nội, sự sống tiếp tục tái sinh trong căn nhà mới.

Với bà con nơi này, ngoài những lúc thiên tai bão lũ, núi rừng là chốn cưu mang nuôi sống các gia đình. Cùng với cây cau, cây quế Trà My hương thơm nức tiếng "cao sơn ngọc quế" là nguồn lợi chính giúp cái ăn, cái mặc tươm tất. Thật may là những trận sạt lở kinh hoàng trong đợt mưa lũ năm 2020 đã không động tới bờ xôi ruộng mật. Mùa này, cau đang sai quả, cây quế tới vụ thu hoạch...

Ông Lê Cao Cường (43 tuổi), bảo trời thương mấy năm nay quả cau được mùa được giá mà đời sống bà con bớt khổ. Giá cau tươi thương lái mua tại chỗ có lúc lên tới 40.000 đồng/kg, nhà nào có trăm gốc cau dễ chừng bỏ túi vài chục triệu đồng mỗi mùa thu hoạch. Cây quế Trà My lâu nay đã có đầu ra ổn định, đến mùa thương lái tranh nhau mua là niềm an ủi cho bà con nơi này. Lướt một vòng qua làng tái định cư, không ít nhà có tivi, tủ lạnh. Bên cạnh sự trợ giúp của chính quyền, doanh nghiệp, nhà hảo tâm là nỗ lực vươn lên từng ngày của bà con nơi thảm họa để cuộc sống tốt lên từng ngày.

Trở lại ngôi làng bị bão lũ xóa sổ - Ảnh 2.

Cờ Tổ quốc tung bay trước mỗi căn nhà khu tái định cư cho bà con Trà Leng - Ảnh: TẤN LỰC

Cùng nhau xoa dịu nỗi đau

Ngay cánh cổng chào lối vào làng tái định cư là căn nhà và cửa hàng tạp hóa của bà Đoàn Thị Ngọc (49 tuổi). Mất chồng và tất cả gia sản tích cóp hơn nửa đời sau thảm họa sạt lở, bà Ngọc cùng cha già không về quê cũ mà dọn về đây tiếp tục mưu sinh cùng bà con đồng bào M’Nông.

"Bây giờ về quê cũ dưới xuôi cũng không còn gì, thôi thì lên đây cùng chung vui khổ với đồng bào. Gia đình tôi sống cùng bà con trên này đã bao nhiêu năm nay, tình cảm thân thương không kể hết được, giờ chia xa mỗi người mỗi ngả buồn lắm!" - bà Ngọc tâm sự. 

Cũng bởi tình cảm thân thuộc mà quán tạp hóa nhỏ của bà Ngọc là nơi bà con trong làng tin cẩn ghé tới mua nợ chai dầu ăn, thùng mì gói hay mấy cân gạo những lúc kẹt khó, chủ rừng chậm trả tiền công. Cái cửa hàng nhỏ này cũng là nơi bà con tìm đến sau những chuyến lên rẫy, gửi nhờ bán những buồng cau, nhánh quế.

Trà Leng giờ đã nhiều đổi khác. Các dự án, công trình dân sinh khẩn trương mọc lên phục vụ đời sống sinh hoạt bà con nơi ở mới. Con đường từ quốc lộ 40B đến trung tâm xã được chính quyền chi hơn trăm tỉ đồng đầu tư xây dựng giúp việc đi lại, kết nối bà con ra bên ngoài. Bên sông Leng, dự án kè bảo vệ khu dân cư Bằng La với tổng kinh phí 60 tỉ đồng đang được gấp rút thi công, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân sinh sống gần hai bờ sông.

Làng tái định cư hôm nay không chỉ có nhà cửa kiên cố mà hạ tầng phục vụ sinh hoạt cộng đồng, trường lớp học tập cho con em đồng bào cũng đã xây mới khang trang. Ngay sau Trường mẫu giáo Trà Leng hai tầng sạch đẹp là công trình nhà ăn tập thể và khu nội bộ giáo viên đang được khẩn trương xây dựng.

Trở lại ngôi làng bị bão lũ xóa sổ - Ảnh 3.

Cuộc sống thường nhật đã trở lại với bà con sau thảm họa - Ảnh: TẤN LỰC

Nghị lực vượt lên số phận

Sau mấy dãy nhà cắm cờ Tổ quốc đỏ rực, Hồ Thị Trọng (18 tuổi) cặm cụi làm cá chuẩn bị bữa trưa cho hai chị em. Nhà không còn ai, cậu em trai nhỏ tuổi hiểu chuyện tự động rửa chén bát phụ chị. Mẹ mất, bố đi làm xa, chị em Trọng lớn lên trong sự đùm bọc của bà con xóm mới. Trọng cũng có điểm tựa tinh thần từ người chị gái đang là sinh viên Đại học Y dược Huế - một tấm gương hiếu học nổi tiếng của bà con nơi núi rừng này.

Trọng bảo rằng cô đang làm thủ tục xét tuyển vào Trường đại học Sư phạm Huế, nuôi chí làm giáo viên để quay về giúp đỡ những em nhỏ đồng bào mình trên con đường tìm cái chữ. Cô bé nhỏ nhắn, đôi mắt sáng rỡ tràn đầy lạc quan. Những ngày ở nhà đợi kết quả xét tuyển Trọng xin đi làm công cho chủ rẫy để nhận về số tiền công 150.000 đồng/ngày, trang trải chi phí sinh hoạt, cơm nước cho hai chị em.

Sau vụ sạt kinh hoàng, những đứa trẻ chịu ám ảnh nhất khi mất mát người thân. Hai năm sau thảm họa, nỗi đau dần nguôi ngoai, các em gượng dậy sống mạnh mẽ như cây rừng. Vượt qua nỗi đau mất cả cha lẫn mẹ, Hồ Văn Trí một mình gồng gánh chăm lo 3 em nhỏ dại. Từ căn nhà tái định cư và vật dụng, kinh phí hỗ trợ của xã hội, ngoài thời gian làm nhiệm vụ đoàn, anh cần mẫn nuôi trâu, trồng quế, tăng gia nuôi các em ăn học.

Thắp nén nhang lên bàn thờ cha mẹ, Trí tự hứa với vong linh phụ mẫu cố gắng lo cho các em ăn học đến nơi đến chốn. Nhờ cố gắng của anh trai, người em trai kế Trí đang theo học nghề sửa xe với mong ước về làng mở một cửa hiệu nhỏ mưu sinh. Ngoài cậu em út đang học lớp 11, cô em gái Hồ Thị Điệp cũng vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và đang nộp đơn xét tuyển vào Trường đại học Quảng Nam. Các em hiểu rằng nuôi ước vọng con chữ chính là cách tốt nhất thoát khỏi khó nghèo trong hoàn cảnh của mình...

Ổn định đời sống cho dân

Ông Phan Quốc Cường - chủ tịch UBND xã Trà Leng - cho biết sau hai năm dọn về nơi ở mới, đời sống của những hộ dân mất nhà trong vụ sạt lở kinh hoàng đã đi vào ổn định. Ngoài sự trợ giúp to lớn của chính quyền và các tổ chức, cá nhân hảo tâm mà khu tái định cư được xây dựng mới khang trang, an toàn.

Nhiều hộ có công ăn việc làm ổn định, thu nhập tốt từ làm rẫy, trồng cau, quế, có tiền gửi tiết kiệm phòng ngừa rủi ro. Điều đáng mừng hơn là hầu hết con em trong khu tái định cư, kể cả các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, vẫn không bỏ học và đều đặn đến trường nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Theo ông Cường, thời gian tới các thiết chế văn hóa, xã hội, cơ sở vật chất sẽ tiếp tục được đầu tư để phục vụ đời sống cư dân khu tái định cư Bằng La.

Từng bị 22 người chết và mất tích

Ngày 28-10-2020, vụ lở núi ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam gây thiệt hại nặng nề về người và của. Trong đó nóc Ông Đề tại thôn 1 có 22 người chết và mất tích, hai năm sau thảm họa vẫn còn 13 người mất tích chưa tìm thấy thi thể. Những trận lũ quét sau bão đã cuốn trôi hoàn toàn hàng chục căn nhà ở làng Tắk Pát và tất cả tài sản của bà con.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và doanh nghiệp, huyện Nam Trà My đã chọn bãi đất an toàn với diện tích 6ha để xây dựng khu tái định cư Bằng La, xã Trà Leng. Hiện có 30 căn nhà đã được bàn giao cho các hộ dân mất nhà do sạt lở núi vào ở.

Dân vùng sạt lở, lũ quét Trà Leng có nhà mới, khu dân cư 6ha xây trong 5 tháng Dân vùng sạt lở, lũ quét Trà Leng có nhà mới, khu dân cư 6ha xây trong 5 tháng

TTO - Bằng La, theo người Bh’Noong ở Trà Leng là vùng đất bằng phẳng, cái tên ấy đặt cho khu tái định cư được xây dựng với tốc độ khá nhanh như một hi vọng sẽ là vùng đất an toàn cho người dân sinh sống, dần quên đi những đau thương trong quá khứ.

TẤN LỰC - LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên