03/10/2022 22:15 GMT+7

Trở lại nghiên cứu tuyến đường sắt Bàu Bàng - Dĩ An

Đ.PHÚ - T.PHÙNG
Đ.PHÚ - T.PHÙNG

TTO - Bộ Giao thông vận tải vừa có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ về tham gia ý kiến cơ chế đầu tư dự án vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép.

Trở lại nghiên cứu tuyến đường sắt Bàu Bàng - Dĩ An - Ảnh 1.

Đường sắt hiện hữu của nước ta hầu hết đang sử dụng khổ 1m - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Theo Bộ Giao thông vận tải, đoạn tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép thuộc các tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, Trảng Bom - Hòa Hưng (nhánh tuyến mới đường sắt Hà Nội - TP.HCM) và tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, đã được hoạch định với lộ trình nghiên cứu, đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.

Các tuyến đường sắt trên cũng nằm trong danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Bộ đã tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt, tuy nhiên do chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt điều chỉnh, Luật đầu tư công được ban hành, sửa đổi và nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên tạm dừng nghiên cứu.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp tục giao Ban Quản lý dự án đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Ban Quản lý dự án đường sắt đã lựa chọn nhà thầu tư vấn và triển khai lập báo cáo đầu kỳ; dự kiến hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2023, báo cáo cấp có thẩm quyền cuối năm 2024.

Đối với đề xuất của địa phương, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ chủ trương giao UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đoạn từ Bàu Bàng đến Dĩ An. Bộ sẽ tiếp tục cân đối nguồn lực giao các đơn vị nghiên cứu đoạn từ Dĩ An - Biên Hòa trong thời gian tới.

Trường hợp tỉnh Bình Dương huy động được nguồn lực theo phương án đề xuất, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh nghiên cứu phương án tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm đoạn từ Bàu Bàng đến Dĩ An và đoạn nối từ Dĩ An tới Biên Hòa.

Theo Bộ Giao thông vận tải, lĩnh vực đường sắt yêu cầu về công nghệ - kỹ thuật cần phải bảo đảm đồng bộ, kết nối giữa các tuyến đường sắt phải thống nhất, quy mô phù hợp với yêu cầu khai thác toàn mạng lưới.

Do đó, khi thực hiện, UBND tỉnh Bình Dương cần chỉ đạo đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đường sắt và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai để bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả trong đầu tư, khai thác.

Trải dài trên địa bàn của 34 tỉnh thành, mạng lưới đường sắt quốc gia hiện tại gồm 7 tuyến chính, 12 tuyến nhánh với tổng chiều dài đường tuyến chính là 2.703km, đường ga và đường nhánh là 612km.

Hiện nhiều địa phương cũng đang đề xuất sớm thực hiện các dự án đường sắt để kết nối liên vùng, phát triển kinh tế.

Cụ thể như các tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, khôi phục đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm...

Đến thời làm đường sắt Đến thời làm đường sắt

TTO - Dân số ngày càng tăng, nhu cầu đi lại kết nối liên vùng để giao thương mỗi ngày một nhiều đang thôi thúc các địa phương nghiên cứu mô hình giao thông tối ưu. Nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm đầu tư các loại hình đường sắt trước khi quá muộn.

Đ.PHÚ - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên