15/08/2022 14:12 GMT+7

Trở lại cây cầu Chu Va định mệnh

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Hơn 8 năm trước, một vụ sập cầu kinh hoàng đã xảy ra trong một đám đưa tang, làm 8 người chết và 38 người bị thương ở Lai Châu mà nhiều người đến giờ vẫn còn phải chịu di chứng nặng nề…

Trở lại cây cầu Chu Va định mệnh - Ảnh 1.

Nhiều dân bản tham gia trực tiếp giám sát an toàn cầu - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Giữa tháng 8-2022, chúng tôi trở lại để xem nơi cây cầu định mệnh ngày ấy giờ đổi thay ra sao.

Nỗi đau khó quên

Từ thị trấn mây núi phủ tứ bề của huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu), đi hướng tây nam chừng 10km để xuống bản Chu Va, xã Sơn Bình. Qua cầu treo Chu Va 8 cho ôtô đi lọt thì sẽ tới cầu treo Chu Va 6 chỉ xe máy qua được. Và đây chính là nơi từng xảy ra tai nạn kinh hoàng 8 năm trước.

"Hồi đó, có cây cầu đẹp, dân bản tự hào lắm nhưng công ty xây dựng kia gian dối làm chết dân. Có cầu mà mất nhiều người như thế thà không có cũng được, năm đó cả bản trắng khăn tang mà" - anh Hàng A Tô, người quay đoạn clip lật cầu đã đăng tải nhiều nơi, chia sẻ.

Anh Tô còn ám ảnh khi vào ngày 24-2-2014 đã trực tiếp chứng kiến thảm họa kinh hoàng nhất trong đời. Hôm đó, người dân bản Chu Va 8 và Chu Va 6 của anh đang đưa tang một người mất vì tai nạn. Anh được phân công cầm máy quay để ghi lại hình ảnh tang lễ.

Khi đưa tang đến cây cầu, anh Tô chạy trước qua đầu bên kia để quay phim nên may mắn thoát nạn. "Tôi chạy sang cầu để quay toàn cảnh đám tang, có một nhóm cũng qua trước nên thoát nạn. Khi quan tài đi được một đoạn thì bất ngờ cầu bị tuột móc, lật úp tất cả xuống suối. Tôi bị sốc không nói nên lời, tay run rẩy. Cảnh tượng trước mắt là tiếng la khóc, người nằm chồng lên nhau, máu chảy đỏ thẫm suối" - anh Tô rùng mình nhớ lại.

Không khí bi thương bao trùm bản làng bình yên. 8 người đã không qua khỏi và 38 người bị thương, trong đó có những người bị thương rất nặng phải chịu hậu quả lâu dài. Những người gặp nạn đa phần tuổi đời còn trẻ, chỉ từ 20 - 40 tuổi, đang khiêng quan tài qua cầu. Riêng bản Chu Va 6 của anh Tô mất 2 người, bị thương nhiều người. 

Ngay hàng xóm cạnh nhà anh, một người mất và một người bị thương nặng. Vụ việc sau đó đã được khởi tố, xét xử, các bị cáo phải chịu mức án 23 năm tù cho việc làm dối trá, kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng của mình.

Bà Vàng Thị Khô, 63 tuổi, ở bản Chu Va 8, ngày nào cũng đem quần áo giặt dưới chân cầu. Bà Khô mất hai người thân họ hàng, nạn nhân trẻ tuổi nhất chính là cháu bà. Bà dẫn chúng tôi đến thăm nhà cháu trai Vàng A Sinh (21 tuổi). Di ảnh của Sinh treo trong ngôi nhà nhỏ, cũ nát. Sinh chưa lập gia đình, bố mẹ mất, anh chị cũng mất vì bệnh tật, chỉ còn vợ chồng anh trai .

Cùng bản, ông Giàng A Khoa, 62 tuổi, là một trong số nạn nhân bị thương nặng. Ông bị gãy hai tay, hỏng một quả thận, giập lá lách. Ông giờ bước đi chậm chạp, trí nhớ giảm, chỉ làm được những việc nhẹ chứ không thể khuân vác bao lúa như xưa.

Từ nhà ông có thể nhìn ra cầu treo. Ngày đó đám tang đi ngang ngõ, ông cũng đưa tiễn. "Tôi nhớ có người trong đám tang hỏi đi qua cầu có an toàn không. Tôi trả lời là an toàn chứ sao lại không, ấy vậy mà không ngờ xảy ra sự cố đau thương. Lúc đó, tôi đi sau quan tài chỉ chưa đầy 2m" - ông Khoa chùng giọng hồi tưởng.

Gần bên, ông Phạm Văn Hiểu cũng là một nạn nhân nặng, bị liệt cơ mặt nửa trái, một bên mắt và tai không thể nghe nhìn. Khi vụ việc xảy ra, ông Hiểu đang là phó chủ tịch xã chỉ đạo một nhóm người qua cầu trước và không thể ngờ cầu lật.

"Sau vụ việc, lãnh đạo Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải vào cuộc chỉ đạo rà soát lại các cây cầu treo để đảm bảo an toàn. Yêu cầu giám sát chặt chẽ việc xây dựng cầu, chống gian lận" - ông Hiểu nói thêm dù mình đã chuyển công tác về huyện nhưng ký ức vụ tai nạn năm xưa vẫn khó quên.

Trở lại cây cầu Chu Va định mệnh - Ảnh 2.

Bà Vàng Thị Khô có hai người thân mất trong vụ sập cầu - Ảnh: NG.BẢO

Cầu treo mới trên suối cạn

8 năm sau tai nạn thảm khốc, chúng tôi trở lại nơi này. Hai cột sắt lớn cao vút như cổng chào ở đầu cầu kéo dải dây văng căng đều. Hai trụ bêtông đặt sâu trên bờ, kéo hai dây cáp to như cổ tay được cố định bằng những con ốc vít lớn. Chúng tôi quan sát kỹ trụ này, vì ở cây cầu cũ nó là nguyên nhân gây thảm họa lấy đi 8 mạng người và làm hàng chục

người bị thương.

Vật liệu cầu mới bây giờ chủ yếu là sắt thép với hệ thống dây cáp. Cầu rộng 2m, dài 70m, trọng tải 0,5 tấn. Biển báo tải trọng và biển cấm các loại phương tiện được gắn trên hai cột lớn dễ thấy, chủ yếu cho phép xe máy và người đi bộ qua.

Những ngôi nhà sàn cũ kỹ, xen kẽ vài ngôi nhà gạch mới nằm sát hai bên suối. Có cả quán tạp hóa lớn mới mở ở đầu cầu rất tiện lợi. Đứng trên bờ, nhìn quang cảnh nơi đây hoàn toàn mang vẻ yên bình của một xóm núi.

Bỗng có một chiếc xe Minsk rồi tiếp theo là vài chiếc khác chầm chậm vượt cầu, gây ra tiếng lạch cạch, cầu chập chùng lên xuống. Chúng tôi dựng xe đi bộ lên cầu, có lúc phải đi nép vào một phía, tay vịn lan can để nhường đường. Lòng suối cạn sâu bên dưới, những tảng đá cuội khổng lồ nằm gác lên nhau, lởm chởm. Đây chính là nơi bao người đã gặp nạn bi thảm.

Trở lại cây cầu Chu Va định mệnh - Ảnh 3.

Cầu Chu Va 6 mới giúp bà con bản làng vượt qua đau thương - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Dân bản tự nguyện giám sát cầu

Tình cờ gặp vài người dân qua cầu, chúng tôi hỏi cảm xúc về cây cầu mới, ai cũng mừng mừng tủi tủi: "Đi lại thuận lợi hơn rồi, cầu mới vững chắc hơn nhưng tôi vẫn còn ám ảnh. Vụ lật cầu làm nhiều người dân phải chết đau thương quá" - ông Tẩn Xư Châu, người dân bản Chu Va 6, chở cháu gái đi khám sức khỏe ở huyện, cho biết.

Còn chị Lù Thị Xía, bản Chu Va 6, hằng ngày vẫn chạy xe qua cầu ra thị trấn làm việc, bày tỏ mong có cây cầu bằng ximăng cho chắc chắn, dễ đi. Giữa bản Chu Va 6 và Chu Va 8 chỉ có cây cầu treo độc đạo cho hơn 300 hộ dân, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông, qua lại sinh hoạt, sản xuất. Ai cũng ước mơ có cây cầu kiên cố.

Trước khi cầu treo được xây dựng, bà con chỉ biết lắp cầu tre, cầu gỗ để qua suối. Mưa bão lớn, nước chảy xiết đã cuốn phăng nhiều cây cầu tạm. Nếu không có cầu, bà con bản Chu Va 6 hoàn toàn bị cô lập, còn dân bản Chu Va 8 thì bị cắt nguồn lương thực từ cây lúa, ngô, thảo quả trồng trên đồi.

"Cây cầu có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của dân hai bản. Cầu mới thay thế, chúng tôi đã yêu cầu xây đúng thiết kế, giám sát chặt chẽ từng công đoạn. Khi đưa vào sử dụng đã có kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ" - ông Phạm Văn Định, chủ tịch UBND xã Sơn Bình, cho biết. Theo ông, ngoài trách nhiệm nhà thầu xây dựng, chính quyền xã và dân bản chủ động giám sát, kiểm tra độ an toàn của cây cầu mỗi ngày. Như ông Giàng A Khoa, Giàng A Chinh có nhà cạnh cầu hay cầm theo cờ lê, mỏ lết đi bộ lên cầu kiểm tra từng con ốc. Chỉ cần một con ốc lỏng hơn ngày thường cũng được các ông phát hiện, hoặc có ai đó chở nặng hay tập trung trên cầu đông sẽ được nhắc nhở ngay.

Mong có cầu bêtông

Bản Chu Va 6 có cảnh quan thơ mộng. Mong ước của chính quyền và bà con trong tương lai sẽ xây dựng thành bản du lịch cộng đồng. Khách đến Sa Pa, muốn khám phá vùng ven nguyên sơ xinh đẹp này thì chỉ đi thêm đoạn đường không xa. Và dân bản đang mong có cây cầu xây to đẹp, an toàn để đón du khách.

Làm đường tạm dưới cầu

Người dân lo lắng nhất là khi chở gạch qua cầu, nó nặng hơn các loại khác. Để khắc phục, họ có sáng kiến đổ một con đường bêtông dưới lòng suối, ôtô có thể chở máy móc và vật liệu xây dựng nặng đi qua. Khi trời nắng, khô tạnh thì tranh thủ chở hàng nặng. Trời mưa, nước ngập thì dừng.

Trụ cầu treo Chu Va 6 được bọc gạch để... làm đẹp Trụ cầu treo Chu Va 6 được bọc gạch để... làm đẹp

TTO - Lớp gạch mà người dân phát hiện bọc ngoài chân trụ cầu treo Chu Va 6 chỉ là lớp gạch bọc ngoài để làm đẹp trụ cổng cầu treo. Còn trụ cầu treo vẫn được làm bằng bê tông cốt thép đúng theo thiết kế.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Chu Va cầu treo Chu Va