Thầy Hà Thanh Sơn được cả trường cảm phục vì những nỗ lực không mệt mỏi sau một năm mất đi con nhỏ 27 tháng tuổi. Thầy vẫn hoàn thành xuất sắc công việc ở trường và luôn là chỗ dựa tinh thần cho gia đình - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Một năm sau, thầy và trò tại Bản Khoang mới có một lễ khai giảng trọn vẹn niềm vui: ngôi nhà cho giáo viên ở sắp được khánh thành và nhiều thầy cô trong trường đã có tin vui sau một năm vượt qua đau thương, mất mát.
Vết thương lành miệng
Nỗi đau lớn nhất của Bản Khoang là 11 hộ gia đình mất đi thân nhân của mình sau trận lũ quét ngày 4-9-2013. Không những mất người thân, họ còn mất toàn bộ nhà ở và tài sn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và bà con đã nhanh chóng giúp đỡ việc ổn định nơi ăn, chốn ở để họ bắt tay vào sản xuất. Chỉ sau hai tháng, các hộ này đều đã có nhà ở và đầy đủ đồ dùng sinh hoạt |
Bí thư Huyện ủy Sa Pa HẦU A LỀNH |
Sáng 4-9, sau gần 30 phút chờ đợi cơn mưa lắng dịu, lễ khai giảng năm học mới cũng đến và diễn ra như mong đợi của thầy trò liên trường Bản Khoang.
Trong lễ khai giảng, thầy Trần Quang Sáng - hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Can Hồ A (xã Bản Khoang) - không giấu được niềm vui. Ông gọi năm học 2013-2014 là năm học của nghị lực, sự vươn lên bền bỉ của cả tập thể thầy và trò liên trường.
“Mưa một chút nhưng vẫn vui lắm. Nói thật là trước ngày khai giảng có thầy cô nào không háo hức, nhưng háo hức cũng chỉ để trong lòng. Năm năm học vừa qua đã có tới hai lần lỡ ngày khai giảng, một lần vì lũ cuốn mất hai cô giáo, còn năm ngoái lũ cuốn trôi cả khu nhà ở của giáo viên, mất mát thì mọi người biết rồi” - thầy Sáng bộc bạch. Cả hai trận lũ ấy đều đến đúng vào thời điểm khai giảng năm học mới của nhà trường.
Trong số giáo viên của trường, dù tất bật từ sớm nhưng ngày khai giảng cô Bùi Thị Thu Ngàn, giáo viên dạy văn - sử lớp 8, vui ra mặt. Cô Ngàn là vợ thầy Đoàn Quang Trung, phó hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Can Hồ A.
“Lúc đó khoảng 21g ngày 4-9-2013, mình đang mang thai tháng thứ bảy nên anh Trung nói soạn bài xong tắt máy tính đi nghỉ. Chưa hết câu nói thì nhà rung, nước xối như thác, chỉ kịp mở cửa nhào ra là nước đã cuốn trôi cả hai vợ chồng” - cô Ngàn nhớ lại.
Cô Ngàn nói sau hoạn nạn cô biết ơn nhiều người lắm. “Có lúc mình tự hỏi hình như số mình được phù trợ. Ngay khi còn là sinh viên, năm 2005 chân ướt chân ráo lên trường lập nghiệp được anh Trung dìu dắt, đến năm 2007 thì nên vợ nên chồng.
Lúc bị lũ cuốn, cũng một mình anh che chắn cho mình đang bụng mang dạ chửa. Sau lũ là cả tập thể đồng nghiệp, những trường trong bản chăm nom cả hai vợ chồng trong viện. Hạnh phúc nhất là khi nghe bác sĩ nói thai trong bụng không sao, lúc đó mình khóc, các đồng nghiệp cũng khóc” - cô Ngàn chia sẻ.
Sau những tháng ngày nằm viện, cô Ngàn kể được gia đình bên nội đưa về quê ở Hòa Bình sinh cháu. “Một mình mình về quê sinh cháu, còn anh Trung tiếp tục ở lại bám trường. Mình sinh cháu ngày 21-10, tức là gần hai tháng sau khi bị lũ cuốn.
Sau đó bà nội đặt tên cháu là Đoàn Quang Hưng. Bà bảo tên này có ý nghĩa và may mắn. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng gửi thư chúc mừng kèm một phần quà 10 triệu đồng, trong thư bộ trưởng động viên nhiều lắm” - cô Ngàn kể.
Ở quê được sáu tháng, thầy Trung quyết định đón vợ con quay lại trường. “Ở quê chắc sẽ được chăm sóc tốt hơn, nhưng vợ chồng dù khó có nhau vẫn hơn. Bây giờ cháu được 10 tháng tuổi, vợ chồng thuê nhà ở ngoài huyện Sa Pa. Từ trường về nơi ở hơn 20km đường rừng núi, vậy nên cứ 5g sáng lại mang cháu đi gửi rồi cùng nhau vào trường, cuối ngày mới về” - thầy Trung nói.
Trong số năm giáo viên của Trường trung học cơ sở Can Hồ A bị lũ cuốn phải nhập viện, thầy Hà Thanh Sơn được nhiều thầy cô trong trường dành lời ngợi khen về những nỗ lực không mệt mỏi sau nỗi đau mất mát người thân. Thầy Sơn có vợ là cô Đào Thị Thúy - cán bộ văn hóa của xã Bản Khoang.
“Trong số bốn căn nhà dành cho giáo viên, vợ chồng mình được phân ở căn nhà đầu tiên. Khi lũ ập tới, đó cũng là nơi đầu tiên đón lũ. Lúc đó mình có hai cháu rồi. Cháu lớn đã được ông bà nội đón về quê chơi, còn cháu nhỏ 27 tháng tuổi ở với vợ chồng... Lũ lớn quá nên mình không giữ được” - thầy Sơn nhớ lại.
Một năm qua là quãng thời gian vợ chồng thầy Sơn đang tập làm quen với nỗi nhớ đứa con đã mất. “Cháu đã trở thành sợi dây tinh thần để vợ chồng mình thương yêu nhau hơn, là chỗ dựa cho nhau khi ai đó không còn đủ sức đứng vững. Một năm vừa rồi vợ chồng mình cũng đã mua được ngôi nhà nhỏ ngoài huyện Sa Pa, đến cuối tháng 9 này vợ mình sẽ sinh cháu” - thầy Sơn khoe.
Lúc bị lũ cuốn, cô giáo Bùi Thị Thu Ngàn đang có thai tháng thứ bảy. Điều kỳ diệu đã đến và sau đó gần hai tháng, cô Ngàn sinh mẹ tròn con vuông. Một năm sau trận lũ quét kinh hoàng, cháu Đoàn Quang Hưng sắp tròn 11 tháng tuổi - Ảnh cô Ngàn cung cấp |
Giáo viên đón nơi ở mới
Hôm lên khai giảng, giữa bộn bề công việc của nhà trường, thầy Đoàn Quang Trung vẫn dành thời gian khoe về công trình nhà mới cho giáo viên. Đó là một khu căn hộ hai tầng dành làm nơi ở cho những giáo viên bám bản.
“Đây là công trình của công đoàn ngành giáo dục VN và Bộ GD-ĐT tài trợ xây dựng. Công trình này được khởi công vào tháng 6-2014 với số tiền đầu tư gần 2,6 tỉ đồng, đó sẽ là nơi ở dành cho giáo viên sau khi khu nhà ở giáo viên của trường bị lũ cuốn trôi. Vì vậy, những giáo viên chưa có chỗ ở, đang phải ở nhờ trong bản sẽ được chuyển về nhà mới. Nhà mới sắp khánh thành rồi” - thầy Trung nói như reo.
Đến dự lễ khai giảng tại Bản Khoang, nơi đầu tiên ông Hầu A Lềnh, bí thư Huyện ủy Sa Pa, tới xem cũng chính là khu nhà ở giáo viên. Theo chỉ đạo của ông Lềnh, khu nhà này trong tháng 11-2014 phải hoàn thiện để bàn giao cho giáo viên.
Ông Lềnh nói: “Nhà phải xong, giáo viên yên tâm sinh sống mới dành tâm sức cho học sinh được”. Ngoài ra, ông Lềnh cũng chỉ đạo phải xây dựng nhanh chóng trường tiểu học, chuyển ra vị trí mới để lấy toàn bộ cơ sở vật chất cho trường mầm non, xây dựng thành trường chuẩn của huyện.
“Toàn bộ phần diện tích còn lại tại trung tâm của Bản Khoang cũng sẽ đưa vào quy hoạch thành khu nhà ở tập trung cho giáo viên toàn xã, để họ an cư lạc nghiệp” - ông Lềnh nói.
“Để lo cho học sinh, thầy cô giáo phải được lo trước” - đó là suy nghĩ của ông Hầu A Lềnh được đúc kết sau hơn 10 năm thành lập Ban chỉ đạo giáo dục phổ cập của huyện Sa Pa, một mô hình rất mới mẻ.
Những ngày đầu thành lập vào năm 2014, Sa Pa chỉ có 60-70% trẻ em đến trường, cá biệt có nơi chỉ 30%. Công tác vận động học sinh đi học được các cấp chính quyền thực hiện, còn giáo viên nhà trường chỉ tham gia chứ không phải nhiệm vụ của họ. “Hãy để họ tập trung vào chuyên môn của mình” - ông Lềnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận