Phút giây xúc động tiễn biệt Jess Devaney hòa vào biển Lăng Cô - Ảnh: MINH TỰ
Tôi tin rằng Jess đang có mặt ở đây cùng với chúng ta và chứng kiến những gì chúng ta đang làm. Tôi tin là anh ấy hài lòng vì đã được thật sự vĩnh hằng ở Việt Nam
Bà MARSHA
Người cựu binh ấy là Jess Devaney, thủy quân lục chiến Mỹ từng tham chiến Việt Nam những năm 1968-1970.
Sau ngày hòa bình, hầu như năm nào ông cũng trở lại thăm chiến trường xưa, làm từ thiện. Và lần cuối cùng này, ông trở lại bằng nắm trên tay người vợ và bạn bè cựu binh.
Tro cốt cựu binh Mỹ về với biển Việt Nam - Video: TVO
Đoàn khách đặc biệt ở Lăng Cô
Một chiều tháng 4, bãi biển xuất hiện đoàn khách đặc biệt. Những người nước ngoài mặc toàn trang phục trắng, đầu chít khăn tang, cầm hoa hồng, chắp tay thành kính theo tiếng kinh cầu của nhà sư.
Họ không đến đây tắm biển, mà để thực hiện một việc thiêng liêng.
Nhà sư từ Vĩnh Điện (Quảng Nam) được mời ra cử hành nghi lễ an táng cho Jess Devaney, sinh ngày 15-8-1949, tại thành phố Tucson, thuộc tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ, tạ thế ngày 31-7-2018, hưởng thọ 70 tuổi.
Bà Marsha Devaney, vợ người quá cố, cho hay ông ấy mất từ 9 tháng trước. Sau khi hỏa táng tại quê nhà, bà Marsha và những người bạn cựu binh của Jess đã quyết định mang một phần tro cốt của ông sang Việt Nam.
Marsha kể Jess mất đột ngột nên không kịp để lại di chúc, nhưng ngay sau khi chồng mất, bà đã nghĩ đến việc đưa ông sang Việt Nam.
"Jess luôn nói rất yêu mến Việt Nam, với tôi, con cái và bạn bè. Ông ấy đã trở lại Việt Nam hơn 20 lần, mà mỗi lần trở lại ông ấy luôn nói muốn ở lại mãi nơi này" - bà Marsha xúc động kể.
Chính bà cũng đã nhiều lần theo ông trở lại đất nước chồng mình từng tham chiến, và đã hai lần nghỉ ở khu du lịch bên bờ biển Lăng Cô, nơi Jess thích nhất.
Vì vậy, Marsha quyết định đưa người chồng quá cố của mình trở lại và hòa nắm tro cốt của ông ấy vào biển Lăng Cô: "Tôi biết linh hồn ông ấy sẽ rất vui khi được ở lại mãi nơi này".
Quyết định của bà Marsha nhận được sự chia sẻ nhiệt tình từ các bạn cựu binh cũng từng ở Việt Nam của Jess. Không chỉ vậy, con cái một số cựu binh cũng tình nguyện đi cùng.
Vậy là đoàn khách gồm 12 người già trẻ, xuất phát từ nhiều thành phố nước Mỹ, cùng âm thầm đến biển Lăng Cô để thực hiện một việc thiêng liêng.
Lễ rải tro cốt Jess Devaney được tổ chức theo nghi lễ Việt Nam - Ảnh: MINH TỰ
Chiếc hộp đựng tro cốt của Jess Devaney - Ảnh: MINH TỰ
Hoa hồng tiễn đưa người quá cố - Ảnh: MINH TỰ
Ở lại mãi mãi với Việt Nam
Nhà sư vừa dứt hồi kinh cầu siêu, Marsha và Bruce Logan - người cựu binh trưởng đoàn - cùng cầm chiếc hộp đựng tro cốt Jess đi ra biển. Marsha rì rầm nói lời tiễn biệt gì đó với Jess và trời biển, rồi nhẹ nhàng thả nắm tro xuống.
Trời đất như lặng gió. Sóng biển mơn man nhận lấy rồi hòa tan nắm tro trong phút chốc. Đoàn người chầm chậm đi ra đứng quanh Marsha và Bruce Logan, rồi lần lượt thả những đóa hoa hồng xuống biển thay lời cầu nguyện tốt lành cho người đã khuất.
Tất cả lặng im, chỉ còn nghe tiếng sóng biển như lời chào cuối cùng của Jess!
"Hôm nay, chúng ta đã làm được một điều tuyệt vời cho người bạn của mình. Thật không ngờ, cách nửa vòng trái đất mà chúng ta lại đưa được Jess đến đây để ông ấy ở lại mãi mãi với Việt Nam. Đất nước mà ông ấy rất yêu quý và trân trọng!". Đó là lời chia sẻ của Eleine - vợ Bruce Logan.
Dù chỉ là vợ của bạn, nhưng bà Eleine vẫn tự nguyện chít dải khăn tang trên đầu để tang cho Jess.
Bà Eleine vừa dứt lời, một người đàn ông trẻ, cũng chít khăn tang, bước ra tiếp lời với sự xúc động đặc biệt. Anh là Chance Chambers, con trai một cựu binh bạn Jess.
Chance nói anh đã từng nghĩ không tốt về cha mình và những gì ông ấy đã làm trong cuộc chiến máu lửa ở Việt Nam.
Thế rồi, Jess đã đưa Chance trở lại Việt Nam rất nhiều lần, nhờ vậy anh đã hiểu và thông cảm với cha mình.
Cũng nhờ vậy, Chance đã hiểu hơn đất nước cách xa quê hương mà giờ anh đã xem là nơi thân thiết. Đó cũng là lý do Chance quyết định phải có mặt cùng Jess vào buổi chiều đặc biệt này ở biển Lăng Cô.
Vợ Jess Devaney cầm di ảnh của chồng bên các cựu binh Mỹ, họ mong ông ở lại mãi mãi với Việt Nam - Ảnh: MINH TỰ
Các cựu chiến binh cùng con cháu rải tro cốt Jess Devaney xuống biển Lăng Cô và đứng yên chào tiễn biệt - Ảnh: MINH TỰ
Cùng dòng chảy tình người
50 năm trước, người lính trẻ Jess Devaney đồn trú tại đất lửa Khe Sanh (Quảng Trị) cùng Bruce Logan và Chuck Houston. Cả Jess và Bruce đều là lính thủy quân lục chiến, còn Chuck Houston là công binh.
Sau ngày hòa bình, Việt Nam trở thành nơi gắn bó mật thiết của họ. Hầu như năm nào họ cũng có chuyến đi dài ngày trở lại chiến trường thuở nào và Jess luôn là người khởi xướng. Họ đi xuyên Việt, thăm lại chốn xưa và thực hiện những dự án từ thiện - xã hội giúp người dân ở những vùng khó khăn.
Bruce Logan kể hôm nay ông và bạn bè đến đây không chỉ đưa Jess về Việt Nam mà còn thực hiện chuyến đi từ thiện họ đã lên kế hoạch từ trước. Nếu không mất đột ngột, chính Jess là người dẫn đầu chuyến đi từ thiện này.
Nhiều năm qua, Jess và các cựu binh đã đi khắp Việt Nam giúp trẻ em, người nghèo và nơi đầu tiên họ về là chiến trường xưa Khe Sanh, A Lưới.
Trong chuyến đi đặc biệt, bạn của Jess trao quà ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Hội An và trao học bổng cho học sinh nghèo ở thành phố Huế. Chắc chắn hương hồn Jess đã vui lắm.
Có một cựu chiến binh Việt Nam cùng có mặt tại buổi lễ an táng đầy xúc động và khác thường này là nhà báo Lê Đức Hùng, đang sống ở Đà Nẵng.
Sau khi nghe những lời tâm sự của từng ở bên kia chiến tuyến, nhà báo - cựu chiến binh cách mạng Lê Đức Hùng xin phép chia sẻ đôi lời.
Ông kể rằng mình cũng vừa dự lễ an táng di cốt một đồng đội vào buổi chiều hôm trước. Đó là cô gái Nguyễn Thị Én từng cùng công tác với ông tại cơ quan Đặc khu Đoàn Quảng Đà, hi sinh tháng 2-1970, khi mới vừa tròn 18 tuổi.
"Sự xúc động của tôi khi đứng trước di cốt và anh linh người bạn tôi hôm qua cũng không khác gì khi đứng trước linh hồn Jess chiều nay. Họ đều là người lính. Cũng như chúng ta hôm nay, cũng từng là người lính ở hai chiến tuyến, nhưng bây giờ chúng ta đang cùng nhau tiễn biệt một người bạn. Jess là bạn của tất cả chúng ta" - ông Hùng tâm sự.
Phút giây đó, tôi nhìn thấy nét mặt đăm chiêu của những người cựu binh Mỹ giãn ra cùng với nụ cười rạng rỡ. Cả Bruce và Chuck đều cho biết họ bất ngờ khi thấy những "cựu binh Việt cộng" từng ở bên kia chiến tuyến có mặt ở đây để đưa tiễn Jess.
Họ nhanh chóng hiểu ra rằng dù ở cách xa hai bờ đại dương nhưng vẫn trong dòng chảy tình người. Lời tâm sự lẫn trong tiếng sóng biển của ngày đẹp trời - ngày hòa bình không còn tiếng súng, hận thù...
Bà Marsha Devaney và di ảnh chồng - Ảnh: MINH TỰ
Jess Devaney tốt nghiệp Đại học Đông Arizona, rồi phục vụ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông là giọng ca và nghệ sĩ violin tài năng với tên đầy đủ Jesse Ulysses Devaney.
Từ chiến trường Việt Nam về, Jess làm việc ở các đài phát thanh, gần đây nhất là Đài KIIM FM ở Tucson, nơi ông được người nghe gọi là "JD the DJ" với giọng hát mượt mà, tính cách thân thiện.
Jess cũng sẽ được nhớ đến nhiều vì công việc nhân đạo cùng với các cựu chiến binh.
"Jess đã thay đổi đời tôi"
Marsha và Bruce Logan rải tro cốt của Jess xuống biển - Ảnh: MINH TỰ
Trong đoàn khách hôm đó có người đàn ông lớn tuổi khóc suốt buổi lễ rải tro cốt bạn mình. Ông tên là Charles Houston, nhưng mọi người cứ gọi thân tình là Chuck.
Chuck kể mình là công binh, ban đầu đóng ở sân bay A Sầu giữa một thung lũng huyện A Lưới sát biên giới Việt - Lào.
Công việc của ông là làm đường hành quân. Đến năm 1971, ông ở sân bay Khe Sanh, làm đường sang Lào.
"Bây giờ ở đó thay đổi, phát triển quá nhiều rồi, nơi tôi đóng quân ngày trước đã thành điểm du lịch" - Chuck nói.
Sau lời chia sẻ của người lính già, một phụ nữ tóc bạc xúc động nói lời cuối cùng với Jess. Đó là Michele - vợ một cựu binh. Bà kể không thể hiểu được tâm trạng nóng nảy, day dứt của chồng mình.
"Thế rồi, Jess đã thay đổi đời tôi, làm cho nó tốt đẹp hơn. Sau những chuyến đi với Jess trở lại Việt Nam, tôi đã hiểu và thông cảm chồng tôi hơn. Cũng nhờ Jess, tôi đã có thêm nhiều người bạn ở đây" - bà Michele tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận