Ở những tình huống này, vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc giúp trẻ em vượt qua các cảm xúc tiêu cực và đối diện với nỗi đau một cách lành mạnh.
Trò chuyện với trẻ em về các sự kiện đau buồn
Theo AP, bất kể tuổi tác, chúng ta đều cần có thời gian để xử lý cảm xúc. Vì vậy, người lớn nên bắt đầu bằng cách chăm sóc bản thân trước tiên. Các chuyên gia cũng khuyến khích cha mẹ trò chuyện với con cái về các sự kiện đau thương và không tránh né nếu trẻ em tỏ ra muốn nói về chủ đề này.
"Nếu bạn không nói với tư cách là cha mẹ thì trẻ sẽ nói với bạn bè ở trường" - Emilie Ney, giám đốc phát triển chuyên môn tại Hiệp hội các nhà tâm lý học trường học quốc gia Hoa Kỳ, cho biết.
Theo hướng dẫn của Mạng lưới quốc gia về căng thẳng chấn thương ở trẻ em, người chăm sóc trẻ có thể trả lời rằng họ không có tất cả các câu trả lời và không ép buộc cuộc trò chuyện. Điều quan trọng là hãy luôn sẵn sàng và kiên nhẫn với trẻ khi nói về các chủ đề này.
Đây không chỉ là công việc của cha mẹ và người giám hộ. Tất cả người lớn nên nhớ luôn sẵn sàng hỗ trợ trẻ em trong cuộc sống.
Crystal Garrant, giám đốc chương trình tại Sandy Hook Promise, một nhóm phi lợi nhuận hoạt động để ngăn ngừa tự tử và xả súng hàng loạt, cho biết: "Không phải tất cả trẻ em đều tìm được những người lớn đáng tin cậy mà chúng có thể nói chuyện".
Ví dụ, cô nói những người lớn nên hỏi các trẻ em mà họ chăm sóc những câu hỏi mở, thực hiện các hoạt động xây dựng cộng đồng hoặc cung cấp cho trẻ những cơ hội khác để chia sẻ một cách cởi mở.
Điều chỉnh cuộc nói chuyện theo độ tuổi của trẻ
Mức độ trẻ em có thể hiểu một tình huống sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và sự phát triển của trẻ, Ney cho biết.
"Không có mục tiêu cụ thể về độ tuổi cho những cuộc trò chuyện này", Garrant, người có một cô con gái 9 tuổi, nói. "Nhưng hãy đảm bảo rằng trẻ em hiểu những từ ngữ mà bạn đang sử dụng. Khi nói về sự an toàn thì việc cảm thấy an toàn có nghĩa là gì? Cảm giác đó trong cơ thể bạn như thế nào? Cảm giác không an toàn được diễn tả ra sao?", cô giải thích thêm.
Một số trẻ có thể có phản ứng về mặt cảm xúc và hành vi đối với các sự kiện đau thương, chẳng hạn như lo lắng, gặp ác mộng hoặc khó tập trung.
Trẻ nhỏ cần các thông tin đơn giản và sự đảm bảo rằng trường học và nhà của chúng là những nơi an toàn, theo hướng dẫn của Hiệp hội các nhà tâm lý học trường học quốc gia Hoa Kỳ. Trẻ lớn hơn có khả năng hiểu sâu sắc hơn và có thể nắm bắt thông tin về các cơ quan, tổ chức sẽ giúp chúng giữ an toàn cho bản thân.
Beverly Warnock, giám đốc điều hành của Tổ chức Quốc gia về cha mẹ có con bị sát hại, có trụ sở tại Cincinnati, nhấn mạnh việc nhận ra, thừa nhận và xác thực cảm xúc của trẻ em là điều quan trọng.
"Bạn cần phải giải tỏa những cảm xúc đó và thành thật - cô nói - Đừng cố gắng kìm nén cảm xúc hoặc không nói về nó. Đó là điều sẽ theo bạn suốt quãng đời còn lại".
Ney cho biết các giai đoạn đau buồn không nhất thiết phải theo trình tự. Mọi người có thể trải qua và thoát khỏi các giai đoạn đau buồn khác nhau. Thậm chí, có thể phải một tuần sau, họ mới thực sự cảm nhận được nỗi đau buồn.
Các nhà tâm lý học hy vọng có thể trấn an mọi người rằng cảm xúc của họ là bình thường và họ không cần phải giả vờ rằng mình không bị ảnh hưởng.
"Ngay cả khi bạn không quen bất kỳ ai liên quan đến các sự kiện đau buồn, khi những nạn nhân ở rất xa bạn, thì việc đau buồn vẫn ổn - Ney cho biết - Điều đó cho thấy bạn quan tâm đến người khác".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận