06/07/2018 07:46 GMT+7

Trò chuyện với tác giả Lang thang phố thị Đồng bằng sông Cửu Long

TIẾN LONG thực hiện
TIẾN LONG thực hiện

TTO - KTS Nguyễn Ngọc Dũng vừa cho ra mắt cuốn sách Lang thang phố thị Đồng bằng sông Cửu Long ghi lại cuộc dạo chơi dài ngày, nhiều lần của ông ở vùng sông nước.

Trò chuyện với tác giả Lang thang phố thị Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Những người mẹ, người chị có mặt trong nhiều bức tranh ở tập sách Lang thang phố thị Đồng bằng sông Cửu Long của KTS Nguyễn Ngọc Dũng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thế giới sách kỳ này có cuộc trò chuyện ngắn với tác giả - KTS Nguyễn Ngọc Dũng.

* Tại sao ông lại chọn những con người thấp cổ bé họng cho những câu chuyện trong sách của mình?

- Đơn giản là trong suốt những ngày lang thang, ngoài công việc chuyên môn, tôi đã gặp rất nhiều những con người chân chất đó, những người lao động nghèo và chính họ đã cho tôi những suy nghĩ, triết lý sống tích cực hơn. 

Cái nghèo, cái vất vả đã không xóa được nụ cười thân thiện cởi mở, không làm họ nhụt chí, cái khó khăn trước mắt không làm họ xuôi tay... Tôi cảm phục những con người đó. Họ là những sứ giả về lòng hiếu khách, hào hiệp... Tôi muốn viết về họ để du khách hiểu hơn về tính cách của con người vùng này.

* Những người lao động chân chất cũng là nguồn cảm hứng cho các bức họa của ông? Ông đưa vào cuốn sách này 215 bức tranh ký họa màu nước, sơn dầu, ký bút sắt, trong đó phần lớn vẽ về chân dung con người, đặc biệt là phụ nữ...

- Tôi sống bằng nghề vẽ, vẽ kiến trúc, quy hoạch là nghề chính, nhưng tôi cũng thích vẽ đủ thứ, ký họa hay màu nước, sơn dầu chỉ là thiền, là dạo chơi với cây cọ, bút sắt. Vì vậy, lang thang đến đâu tôi cũng vẽ. 

Tôi ấn tượng với cuộc sống mưu sinh của những con người bình thường nhất, những phụ nữ Việt với nón lá, với quang gánh, bên con trâu, xe bò hay xe lôi, xe thồ, ghe, xuồng, tắc ráng... Chính là bản sắc Việt miền sông nước không lẫn với con người nước khác.

* Trong cuốn sách, đặc biệt là chương về Cà Mau ông đề cập một vấn đề đang rất nóng hiện nay là đất đai, quyền sở hữu. Hiện trạng đó đang như thế nào, theo ông, nguyên nhân xuất phát từ đâu?

- Về ĐBSCL, nhất là Cà Mau, tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt nơi đây. Đất không chỉ là đất, nó bao hàm đất ngập mặn, đất bãi bồi, đất chìm dưới biển, nằm dưới sông, đất hòa lẫn với biển, đảo, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, từ đó "quyền sử dụng đất" ứng xử ra sao với loại đất này!? 

Bởi rất khó xác định ranh, thửa... Nếu đất chỉ có quyền sử dụng, không sở hữu sẽ sinh ra tâm lý tận thu, tận diệt, hết thời hạn được cấp, tâm lý sẽ ly nông, ly hương và dẫn đến nhiều hệ lụy khác. 

Đất được giao cho chính quyền địa phương thu hồi, cấp lại cho các dự án, đưa người dân mất đất phải tha hương, khiếu kiện tràn lan, nguyên nhân từ việc không xác định quyền sở hữu... 

Nhưng ĐBSCL với sức sống mạnh mẽ, tôi tin vùng đất này sẽ giàu có khi họ tìm ra giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với quy hoạch thuận theo tự nhiên, thuận theo con nước...

Đây cũng chính là lần thứ 3 KTS Nguyễn Ngọc Dũng ra mắt sách Lang thang phố thị. Hai lần trước ông “lang thang” ở nước ngoài, lần này tập trung vào những bước lang thang suốt dọc 11 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long.

Sách trình bày theo hình thức: ở mỗi tỉnh thành, trước tiên tác giả giới thiệu các thông tin nền về ẩm thực địa phương, các điểm tham quan, lễ hội văn hóa. Sau đó là từng trang viết đưa bạn đọc cùng tác giả hòa vào đời sống của người dân từng vùng miền với phong cách viết như một lối giãi bày tâm sự.

L.Điền

Lang thang vẽ tranh, ghi chép và hớp hồn phố thị

TTO - Kiến trúc sư, tác giả Nguyễn Ngọc Dũng vừa mang đến Đường sách TP.HCM tác phẩm mới nhất của ông: 'Lang thang phố thị - Đồng bằng sông Cửu Long', và buổi ra mắt sáng 23-6 nhận được rất nhiều lời xuýt xoa: ôi, sách đẹp quá!

TIẾN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên