Trò chuyện với người già

LÊ MINH NHỰT 04/09/2015 20:09 GMT+7

Xung quanh toàn người là người nhưng người già vẫn không sao tìm được một người để nói chuyện với mình. Thế nên vào những năm tháng cuối đời, người già thường đắm chìm trong thế giới riêng của mình có tên là “hồi đó”.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

Ngày xưa, khi người trẻ còn là con nít và người già chưa già như bây giờ, năm nào đến rằm tháng bảy mấy má con cũng dắt nhau lên chùa. Người trẻ khi ấy bắt chước má: cũng thắp hương, nhón chân lên bàn thờ cắm vào bát hương của “mấy ông Phật”. Khi má được vị sư cô cài một bông hồng màu trắng lên ngực áo thì người trẻ lại được cài cho một bông hồng màu đỏ.

Lúc ấy người trẻ nào có hiểu gì, đã nằng nặc đòi má đổi cho cái bông màu trắng. Đến khi vị sư cô nghiêm giọng bảo “không được!” thì người trẻ mới ấm ức chịu thôi. Chẳng biết bây giờ vị sư cô nơi ngôi chùa nhỏ có còn nhớ ngày xưa từng có đứa nhỏ suýt chút nữa đã trót phạm phải tội bất hiếu khi đòi cài cho mình bông hồng màu trắng hay không (!).

Những năm tháng cuối đời, người già bị rứt ra khỏi không gian quen thuộc, nơi có ngôi nhà khiêm nhường nép mình trong vườn cây ăn trái bên dòng kênh xanh rờn dừa nước. Người già bị ném vào một không gian xa lạ, ồn ào, bức bối của thành thị.

Không gian mới không có những buổi sớm mai dạo bước nhàn nhã trong vườn hít hà tìm trái vừa chín bói; không có những cành khô rơi rụng sau cơn dông đêm qua để gom nhặt về nhà để dành làm củi; không có cả những bà bạn trầu tìm đến nhà nhau chơi vào những buổi chiều, cốt chỉ để ăn trầu và đôi khi thở than chuyện con chuyện cháu…

Không gian mới, xung quanh toàn người là người nhưng người già vẫn không sao tìm được một người để nói chuyện với mình. Thế nên vào những năm tháng cuối đời, người già thường đắm chìm trong thế giới riêng của mình có tên là “hồi đó”.

Hồi đó, có đôi vợ chồng nghèo với đàn con mười đứa nhưng đã sảy hết hai khi chúng chưa tròn tháng, đành vuốt nước mắt gói ghém đặt xuống ở đâu đó trong vườn. Lâu ngày quên chỗ nên mỗi bước chân ra vườn đều được dặn là phải khẽ khàng kẻo chúng lại đau.

Hồi đó, nhà có chôn hai cái mái vú ximăng làm hầm tránh pháo. Mỗi lần ôbi điểm nhịp từ ngoài đồn là gia đình lại chia hai để xuống hầm, phòng khi có chuyện xảy ra cũng vẫn còn người tiếp tục sống.

Còn bây giờ ở không gian mới, người già thèm nhìn cái dáng to cao, lừng lững của thằng Ba, thèm rầy la cái tánh bộp chộp của con Bảy, thèm cằn nhằn thằng Út tập tành hút thuốc “cho giống cha” mà không sao có được.

Có lần người già “tóm” được một người lạ hoắc đi ngang cổng nhà, hai người đứng đó suốt cả buổi thì thầm trò chuyện cứ như hai người bạn thân vừa gặp lại nhau sau bao nhiêu năm biệt xứ. Khi quay vào, người trẻ cằn nhằn: “Má ra ngoài này có quen ai đâu mà nói chuyện, coi chừng bị người ta gạt!”.

“Người lạ nhưng họ biết nói chuyện với má, có gạt má cũng vừa lòng!”. Người trẻ lừng khừng cầm câu trả lời của người già có đôi phút chạnh lòng, ray rứt nhưng rồi cũng lẹ làng quên.

***

Ngày đưa người già vĩnh viễn về lại chốn đã bị rứt rời đi, trong tay người trẻ cứ mân mê chiếc cối giã trầu mà bao năm qua người già vẫn thường xuyên dùng đến. Chiếc cối còn đượm hơi tay, màu vôi dính phía trong còn tươi rói cứ như người già mới vừa giã trầu xong, chưa kịp ăn vì bận bớt lửa nồi cơm đằng sau bếp.

Không chỉ có chiếc cối giã trầu mà còn nhiều thứ vật dụng khác, qua tay người già đã trở thành thành viên trong gia đình từ khi nào, bằng cách nào, giờ người trẻ đã vô phương được biết.

Và, người trẻ cũng không sao lần ra nổi dịp cuối cùng mình trò chuyện với người già là khi nào, có khi đến tận giờ phút này người trẻ cũng chưa học được cách trò chuyện với người già như người lạ nào đó đã từng. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận