Dear ông Hàn Mặc Tử,
Khi nhận được thư này, có lẽ ông đang ở nơi rất xa, còn tôi thì ở nơi mátxa. Tôi viết thư này để cảm ơn ông vì các tuyệt tác của ông để lại cho đời, dù hiện tại nó không còn đúng lắm. Ngày xưa, ông có rao “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”, nhưng ở thời này còn mấy người quan tâm đến trăng vàng, trăng ngọc của ông? Mua trăng để làm gì?
“Khi mà xăng điện đều tăng
Mua trăng chẳng giúp bình xăng nó đầy”.
Người ta còn chế cả thơ của ông:
“Ai mua danh, tôi bán danh cho,
Một tỉ một ca, khỏi học bài”.
Công danh thì đời nào cũng quan trọng vì “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Để có được cái danh cũng có năm bảy đường, người thì dùng tài đức, người dùng học thức, thế nhưng công danh bây giờ không còn được xây dựng theo con đường học hành hàn lâm như xưa mà người ta có thể mua được bằng tiền. Có tiền sẽ mua được công danh, có công danh sẽ kiếm ra nhiều tiền và nhiều tiền sẽ mua được công danh cao hơn. Và cứ như thế, người ta có thể mua bán thật đơn giản, chỉ là họ chưa lập sàn giao dịch công danh giống như sàn giao dịch chứng khoán mà thôi. Tôi thường nghe tiếng rao “Hột gà nướng, hột vịt lộn, hột vịt dữa, trứng cút lộn. Thành thủ khoa ngay.” Cái thời “học tài, thi phận” đã qua rồi, bây giờ là “học tài, thi lại”, còn “nộp tiền, bao đậu”.
Nhiều khi cái danh cũng là cái mặc định phải có, nhất là trên mạng xã hội. Thời nay có câu “Hãy cho tôi biết Facebook anh có bao nhiêu người theo dõi, tôi sẽ chỉ cho anh biết anh là người như thế nào”. Ca sĩ, diễn viên, người mẫu mà post không được ngàn like thì chẳng còn mặt mũi để nhìn ai. Thế nên, việc của người nổi tiếng là đăng Facebook, nội dung gì cũng được, ví dụ như một cái ảnh tự sướng với nội dung “Hôm nay trời đẹp thế?”, còn trọng trách status ngàn like để “anh em tăng like lo”.
Có những cô diễn viên mới vào nghề còn chưa ai biết đến, thời này cũng có công nghệ tạo xìcăngđan để nổi tiếng. Lúc đầu vào buổi sơ khai, các cô chỉ cần lộ chút nội y là dân tình xôn xao. Dần dần lộ nội y cũng là chuyện thường ngày nên ít gây được xìcăngđan, họ bắt đầu khoe phía bên trong nội y. Tôi cá với ông trong vài năm nữa thôi, khi công nghệ lấn sâu vào bên trong nữa, chắc họ sẽ khoe tới hình X quang, CT scan, MRI không chừng. Tương tự như vậy, công nghệ lăngxê cũng có vô vàn cách giựt gân để làm các chàng trai qua một đêm trở nên nổi tiếng. Thế nhưng, tạo xìcăngđan để mua danh ấy cũng tốn chi phí và chịu rủi ro nghề nghiệp lắm, nhiều khi tốn tiền mà không được nổi tiếng, chỉ rước tai tiếng.
Chữ danh thường đi chung với chữ lợi, nếu mục đích tạo hư danh để được cái lợi thì đôi khi “lợi thì có lợi, mà răng không còn.” Người ngày nay ngẫm nghĩ lại câu “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng” thì chỉ đồng ý một phần. Mua danh đắt và công phu lắm chứ có phải dễ đâu, thế nên họ không bao giờ “bán danh 3 đồng”. Với chức tước có được, họ thi thố bảy môn phối hợp “cắn, cạp, cào, cấu, cưỡng, cuỗm, cướp” để lấy lại vốn mà họ đã đầu tư mua danh, mua tước một cách nhanh nhất.
Khổng Tử có dạy: “Quân tử thì trọng danh, tiểu nhân thì trọng lợi”.
Mạnh Tử cũng dạy: “Làm người chỉ biết khôn vặt, không hiểu được đạo lý lớn của bậc quân tử, dễ dẫn đến họa sát thân”.
Vợ tôi thì dạy: “Ông lo mà làm việc kiếm tiền nuôi con, đừng có tối ngày sống ảo câu like”.
Chỉ công danh nào tạo dựng được do tài đức thì mới lâu bền, đừng ham hố chi mấy cái danh lợi bất chính. “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”, cái hư danh có được cũng như ánh trăng dưới nước trong câu thơ của ông mà thôi, có đó rồi mất đó. Vì thế, chúng ta đừng nhảy xuống nước mà tìm ánh trăng để rồi chết đuối.
Tôi xin dừng bút ở đây, trả lại không gian yên tĩnh để ông tiếp tục ngắm trăng. Trân trọng kính chào ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận