06/01/2013 07:45 GMT+7

Trò chán học, thầy giảm nhiệt huyết

TRỊNH VĨNH HÀ
TRỊNH VĨNH HÀ

TT - Ngày 5-1, hơn 400 thầy cô giáo ở bậc phổ thông của 63 tỉnh thành, nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà viết sách, nhà văn đã tham dự hội thảo quốc gia về dạy - học ngữ văn tổ chức tại Huế bàn về những bất cập và hướng đi mới cho môn văn, môn học điển hình về việc trò chán học.

StPfGcXH.jpgPhóng to
PGS.TS Hoàng Hòa Bình trình bày tại hội thảo nhóm chiều 5-1 - Ảnh: Thái Lộc

Cô giáo Phan Thị Thanh Vân - giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An - đã gọi việc khơi dậy niềm tin của học sinh từ lời phê của thầy cô giáo dù bài văn của các em chỉ đạt điểm thấp là “nỗi buồn trong sáng”, là tín hiệu vui để tin rằng học sinh vẫn còn yêu thích môn văn, chứ không phải chỉ học văn để có điểm, để đỗ tốt nghiệp.

Chuyện từ người dạy

"Thật kỳ lạ là đến nay tình trạng “siêu tập trung” trong giáo dục vẫn còn nguyên, có lẽ đó là di chứng của cách quản lý xã hội kiểu cũ, Nhà nước nắm giữ tất cả.

Cách quản lý đó đã thất bại ở kinh tế buộc phải đổi mới, nhưng vẫn đang trở thành nút thắt trong giáo dục nói chung, môn văn nói riêng. Đã đến lúc phải gỡ bỏ nút thắt đó!"

PGS.TS Hoàng Dũng (khoa ngữ văn Trường ĐHSP TP.HCM)

Nhưng đáng tiếc, chỉ nhìn vào kết quả làm bài và chấm văn ở phổ thông thì thấy phổ biến tình trạng “dạy và học cùng đối phó cốt để có điểm”.

Cô Thanh Vân cho biết nhóm khảo sát do cô tham gia đã khảo sát 3.085 bài văn của học sinh các trường THCS, THPT tại 15 trường gồm các loại hình trường chuyên, trường trọng điểm, trường dân lập, trường ở nông thôn và thành thị. Kết quả đáng để suy nghĩ: có tới 75% bài văn ở THPT, 58,1% ở THCS đạt điểm khá, giỏi, rất ít bài điểm kém. Có những tập bài chủ yếu đạt 8-10 điểm.

Kết quả này không giống với thực trạng dạy và học văn đang được dư luận nói đến. Nhưng đáng nói là chỉ có 472/3.085 bài văn có lời phê tương thích hoàn toàn với chất lượng bài. Có tới 359 bài chỉ có điểm, không có lời phê. Phổ biến ở lời phê giáo viên là những nhận xét chung chung như “tạm được”, “thiếu ý”, “bài có ý” hoặc nhận xét tiêu cực như “tài liệu!”, “vớ vẩn”, “tăm tối”... Có những bài văn giáo viên phê bình học sinh cẩu thả, nhiều sai sót nhưng chính cô cũng viết tắt, không viết hoa tên riêng và thể hiện thái độ thiếu thiện chí với học sinh... Trong số hơn 3.000 bài văn trên, chỉ có 230 bài nhận được lời phê có nhận xét cụ thể kèm theo lời động viên của giáo viên.

Cô Thanh Vân cho rằng những con số trên thể hiện sự suy giảm nhiệt huyết của giáo viên dạy văn. Mặc dù có nhiều lý do dẫn đến việc chấm văn kiểu “cho qua chuyện” như trên nhưng theo cô Vân, chỉ nhìn vào một khía cạnh “chấm văn” cũng có thể nhận thấy những bất cập khiến môn văn bị chán ghét. “Muốn học sinh yêu văn, trước hết người thầy phải trau dồi kiến thức chuyên môn, có kỹ năng sư phạm và tâm huyết” - cô Vân nói.

Còn theo thầy Võ Anh Minh - giáo viên Trường THPT Quảng Xương (Thanh Hóa) và cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), việc hướng học sinh tiếp cận văn học gắn với thời sự, gắn với thực tiễn cuộc sống gần gũi, những đề tài mang tiêu chí “trung thực, dễ hiểu và lay động lòng người” khơi gợi được sự quan tâm và say mê của học sinh. Trong đó sự lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ đánh giá của học sinh là một “năng lực” cần được trau dồi ở người thầy dạy văn.

Liên quan đến phương pháp dạy văn, PGS Đỗ Ngọc Thống - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - khá gay gắt khi cho rằng tất cả tổ phương pháp văn trong các khoa văn trường sư phạm trên cả nước đều là tổ yếu nhất. Trong khi lẽ ra ở đó phải quy tụ những người giỏi nhất mới đào tạo được đội ngũ làm nghề cho ra làm nghề.

Học sinh “học bài giảng của thầy” quá nhiều

GS Trần Đình Sử, tổng chủ biên sách giáo khoa (SGK) THPT, là người đưa được tư tưởng “đọc - hiểu” vào chương trình hiện hành với mục tiêu dành thời lượng cho học sinh đọc văn, thẩm thấu và thưởng thức chứ không phải việc nhồi sọ học sinh những bài giảng có sẵn và biến các em thành các nhà phê bình văn học

Nhưng ông ngậm ngùi cho rằng “sự chỉ đạo không nhất quán và đồng bộ khiến tư tưởng này không thực hiện được”. PGS Đỗ Ngọc Thống cho rằng “chưa có sự chuẩn bị cho sinh viên sư phạm và giáo viên về tư tưởng mới này nên đã không thực hiện được”.

Học sinh được đọc quá ít nhưng phải “học bài giảng của thầy” quá nhiều, phải ghi nhớ những “chân lý đúng” mà thầy cô đưa ra nhưng không được chiêm nghiệm, cảm nhận, cũng không có thời gian thực hành, trình bày suy nghĩ của mình. Cô Nguyễn Thị Thanh Hải, Trường THPT chuyên Tuyên Quang, đưa ra ví dụ; “Chúng ta dạy học sinh rất nhiều giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) nhưng lại không bao giờ nghĩ tới việc đặt ra vấn đề cho các em rằng nếu sống trong tình huống đó các em phải làm gì, ứng xử thế nào, điều gì đối với các em mới là giá trị của cuộc sống?”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển và ông Đỗ Ngọc Thống, người chuyên trách đổi mới chương trình - SGK sau năm 2015, đều khẳng định bất cập trên sẽ được thay đổi.

“Chương trình môn ngữ văn mới cần đi theo trục phát triển năng lực cốt lõi và năng lực đặc thù của môn học, đặc biệt là năng lực giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) và năng lực cảm thụ, thưởng thức văn học. Chương trình sẽ nhất quán từ lớp 1-12, tích hợp cao ở lớp dưới, phân hóa mạnh hơn ở lớp trên” - PGS Thống đề xuất.

Dạy - học văn theo hướng mở

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng để đạt được mục tiêu rèn luyện năng lực cho học sinh, chương trình - SGK cần một chương trình mở. Tính mở thể hiện ở nội dung. Chương trình không nên quá chi tiết đến từng tác phẩm, đoạn trích như hiện nay mà chỉ định hướng yêu cầu nắm khái niệm về nhân vật văn học, về trường phái, về phong cách văn học... và gợi ý cho giáo viên, học sinh tìm tác phẩm văn học.

PGS Đỗ Ngọc Thống bày tỏ quan điểm: bên cạnh sách học trên lớp cần cung cấp một số lượng lớn các văn bản, tác phẩm tương ứng với mỗi thể loại để học sinh đọc ở nhà, thầy trò chọn lựa, cũng là dữ liệu để ra đề thi nhằm kiểm tra khách quan năng lực vận dụng sáng tạo của mỗi học sinh

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng nên chọn một số bộ SGK, bộ tài liệu, thẩm định kỹ và cho phép giáo viên sử dụng bổ sung với một bộ SGK chính thức hoặc chủ động lựa chọn bộ SGK phù hợp với đối tượng học sinh. Nhiều nước trên thế giới hiện nay cho phép có nhiều bộ SGK trong nhà trường phổ thông. Điều này tạo nên môi trường dạy học mở để thầy trò chủ động lựa chọn.

TRỊNH VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên