Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, ông V. ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết tháng 6-2023, một người hàng xóm xây nhà cặp vách với nhà ông.
Ban đầu người hàng xóm này mượn lối đi phía trước và bên hông nhà ông để chuyển vật liệu xây nhà, cam kết xây xong nhà sẽ trám lại.
Nhưng sau đó người này lại mở đến 17 cửa sổ nhìn thẳng qua nhà ông V. và các hàng xóm khác.
Ông V. bất bình vì phải thường xuyên nhìn thấy những cảnh sinh hoạt riêng tư từ các cửa sổ của nhà hàng xóm, từ đó dẫn đến xung đột và chính quyền địa phương đã vào cuộc giải quyết.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hải Yến - chủ tịch UBND phường Quang Trung - nhìn nhận: "Đây là vụ việc cá biệt, chưa từng xảy ra ở phường và cả TP Quy Nhơn từ trước tới nay".
Phần lớn bạn đọc báo Tuổi Trẻ Online nói hàng xóm của ông V. sai. Tuy nhiên cũng có luồng ý kiến cho rằng chủ nhà được trổ cửa sổ, miễn không lấn qua nhà người khác là được.
Được phép trổ cửa sổ không?
Đứng về phía ý kiến cho rằng muốn mở bao nhiêu cửa sổ tùy thích, bạn đọc tài khoản Dung Dung viết: "Đất của người ta, họ xây trên phần đất của họ miễn không xâm phạm phần đất hàng xóm thì được thôi. Nếu không muốn xem cảnh chướng mắt thì cho xây bức tường bên phần đất của mình che lại".
Bạn đọc Minh bổ sung: "Về nguyên tắc thì hàng xóm không sai, miễn là mở cửa ra không lấn qua nhà người khác".
Cùng suy nghĩ, bạn đọc Nguyen Anh thêm vào: "Người ta có quyền mở cửa sổ, không vi phạm không gian thì thôi. Còn vụ sinh hoạt riêng tư mà để lọt hình ảnh ra ngoài thì là chuyện khác".
Ở chiều ngược lại, nhiều bạn đọc nói chủ nhà đã sai luật. "Theo quy định là không được phép xây nhà trổ cửa nhìn qua khuôn viên sinh hoạt chính của nhà bên cạnh", bạn đọc Da Nang viết.
"Theo tôi được biết, nhà hàng xóm liền kề không được thiết kế trổ cửa (cửa ra vào và cửa sổ) nhìn sang không gian nhà bên cạnh. Chính quyền địa phương cần cưỡng chế để bịt các cửa lại. Bên bị ảnh hưởng có thể lựa chọn cách khởi kiện ra tòa", bạn đọc Phạm Thiết Hùng đề nghị.
Trổ cửa sổ, cần tuân thủ quy định gì?
Theo luật sư Dương Phúc Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM), tại điều 6 Luật Xây dựng 2014 quy định về tiêu chuẩn của cửa đi, cửa sổ như sau:
Thứ nhất: Không được phép mở cửa đi, cửa sổ, cửa thông gió nếu tường nhà xây sát với ranh giới lô đất hoặc ranh giới nền nhà thuộc quyền sử dụng của người khác. Chỉ được phép mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi nếu tường xây cách ranh giới lô đất, ranh giới nền nhà bên cạnh từ 2m trở lên.
Thứ hai: Trường hợp khu đất liền kề chưa có công trình được xây dựng hoặc là công trình thấp tầng thì được phép mở các loại cửa thông gió hoặc cửa kính cố định lấy ánh sáng. Cạnh dưới của các loại cửa này phải cách mặt sàn tối thiểu là 2m. Tất cả các cửa này phải chấp nhận không được sử dụng khi công trình liền kề được xây dựng.
Thứ ba: Nếu dãy nhà ở liên kế tiếp giáp với khu đất công cộng như vườn hoa, công viên, bãi đỗ xe, bãi trống hoặc các không gian công cộng không ảnh hưởng đến dãy nhà liên kế nói trên, cho phép mở cửa sổ cố định hoặc các bộ phận trang trí nhưng phải được cơ quan chức năng xem xét quyết định trong từng trường hợp.
Theo ông Đặng Thành Trưng - chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, liên quan đến việc trổ cửa sổ và cửa đi trong xây dựng nhà ở đô thị thì người dân không được phép mở cửa đi, cửa sổ, cửa thông gió nếu tường nhà xây sát với ranh giới lô đất hoặc ranh giới nền nhà thuộc quyền sử dụng của người khác.
Chỉ được phép mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi nếu tường xây cách ranh giới lô đất, ranh giới nền nhà bên cạnh từ 2m trở lên.
Trường hợp khu đất liền kề chưa có công trình được xây dựng hoặc là công trình thấp tầng thì được phép mở các loại cửa thông gió hoặc cửa kính cố định lấy ánh sáng.
Cạnh dưới của các loại cửa này phải cách mặt sàn tối thiểu là 2m. Tất cả các cửa này phải chấp nhận không được sử dụng khi công trình liền kề được xây dựng.
Nếu dãy nhà ở liên kế tiếp giáp với khu đất công cộng như vườn hoa, công viên, bãi đỗ xe, bãi trống hoặc các không gian công cộng không ảnh hưởng đến dãy nhà liên kế nói trên, cho phép mở cửa sổ cố định hoặc các bộ phận trang trí nhưng phải được cơ quan chức năng xem xét quyết định trong từng trường hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận