17/09/2016 08:39 GMT+7

Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận đẩy PVC lỗ hàng ngàn tỉ đồng

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng.

Ông Vũ Đức Thuận (phải) và ông Trịnh Xuân Thanh tại một buổi họp báo của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - Ảnh: VietnamPlus

Ông Vũ Đức Thuận - nguyên ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - cùng 3 nguyên lãnh đạo khác của doanh nghiệp này vừa bị bắt tạm giam để điều tra các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng. 

Ngày 16-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.

Đồng thời cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam các ông: Vũ Đức Thuận; Nguyễn Mạnh Tiến - phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng - nguyên phó tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên kế toán trưởng PVC, để điều tra cùng hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Khi ông Vũ Đức Thuận làm tổng giám đốc PVC thì ông Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch HĐQT tổng công ty.

Liên quan tới vụ án này, ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT PVC - cũng bị khởi tố và truy nã.

Thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng

Thời điểm 2009 - 2013, PVC dưới sự điều hành của các ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, ông Tiến và ông Dũng cùng là phó tổng giám đốc.

Báo cáo của ban kiểm soát tại hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng.

Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm.

Theo báo cáo của ban kiểm soát, việc chỉ đạo và giám sát hoạt động của các đơn vị còn yếu, hiệu quả vốn đầu tư thấp.

Đặc biệt từ cuối năm 2011, khi nền kinh tế khó khăn, các đơn vị bộc lộ toàn bộ các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỉ đồng.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và một số đơn vị thành viên, PVC tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước.

Tại rất nhiều công trình, dự án lớn của PVN mà PVC được tham gia thực hiện với tư cách là tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công, để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách nhà nước.

Nhận vốn thi công nhà máy điện đem trả nợ, góp vốn

Kết quả điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định năm 2011, Tập đoàn PVN ký hợp đồng EPC giao cho PVC xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Đây là dự án có công suất thiết kế 1.200 MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỉ đồng. PVC được tạm ứng để thi công dự án này hơn 1.300 tỉ đồng và 6,6 triệu USD.

Sau khi nhận được số tiền tạm ứng, PVC đem 1.080 tỉ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỉ đồng, thanh toán lãi vay ủy thác của Tập đoàn PVN 55 tỉ đồng, hỗ trợ vốn nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỉ đồng, hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỉ đồng, hỗ trợ các công trình khác 156 tỉ đồng, góp vốn vào 5 công ty con gồm: Công ty PVC MS 102 tỉ đồng, Công ty PVC-Land 50 tỉ đồng, Công ty PVC-Hòa Bình 55 tỉ đồng, Công ty PVNC 30 tỉ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỉ đồng.

Đến nay có 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC phải trích lập quỹ dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.

Cơ quan điều tra cũng xác định đến thời điểm 31-12-2013, PVC đầu tư vào PVC-Land hơn 203 tỉ đồng (trong đó có 50 tỉ đồng sử dụng từ nguồn vốn 1.080 tỉ).

Kết quả hoạt động kinh doanh sản xuất của đơn vị này từ năm 2011 - 2015 thua lỗ mất hết vốn điều lệ.

Đối với hoạt động của công ty con PVC-Mekong, tính đến thời điểm cuối năm 2013, tổng số tiền mà PVC đầu tư là hơn 153 tỉ đồng (trong đó có 30 tỉ đồng sử dụng từ nguồn tiền 1.080 tỉ đồng).

Kết quả hoạt động kinh doanh sản xuất của đơn vị này trong 3 năm (từ 2012 - 2015) thua lỗ mất hết vốn điều lệ.

Các bị can trong vụ án được xác định là những người có trách nhiệm trực tiếp liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn thi công Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cũng như đầu tư hoạt động kinh doanh tại công ty con và gây thua lỗ.

Nhiều tổ chức, cá nhân tại PVC từng bị xử lý hình sự

Năm 2009, sau khi yên vị ở chức vụ chủ tịch HĐQT PVC, ông Trịnh Xuân Thanh và các thành viên HĐQT lúc đó chủ trương thành lập PVC-ME với số vốn điều lệ 500 tỉ đồng, trong đó PVC giữ vị trí cổ đông sáng lập với tỉ lệ góp vốn 40% và giao ông Trịnh Văn Thảo làm giám đốc. Ngành nghề chính của công ty này là xây dựng hạ tầng, làm nền móng, gia công cơ khí.

Do năng lực yếu kém nên PVC-ME chỉ nhận công trình sau đó đi thuê nhà thầu phụ thi công, chỉ đứng giữa làm trung gian hưởng  phần trăm nên xảy ra hàng loạt bê bối.

Ngày 12-9-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, sau đó khởi tố 15 bị can liên quan đến các sai phạm tại PVC-ME.

Ngày 11-8-2015, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC-ME.

Kết quả điều tra xác định đến năm 2012, tại PVC-ME để xảy ra thua lỗ với khoản tiền hơn 576 tỉ đồng, dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chưa kể những khoản nợ khổng lồ lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Thua lỗ thất thoát tại PVC-ME góp phần vào thua lỗ hơn 3.200 tỉ đồng tại PVC.

Ông Vũ Đức Thuận - nguyên ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc PVC - Ảnh: MINH HOÀNG
Ông Vũ Đức Thuận - nguyên ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc PVC - Ảnh: MINH HOÀNG
Ông Vũ Đức Thuận (44 tuổi, quê Thái Bình) 

Từng làm tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico).

Sau đó ông Thuận chuyển sang giữ vị trí tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) từ năm 2009. 

Đến ngày 1-1-2013, ông Thuận được miễn nhiệm chức vụ tổng giám đốc PVC để thuyên chuyển công tác do điều động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rồi  giữ vị trí phó trưởng ban xây dựng của tập đoàn. 

Từ tháng 10-2013, ông Vũ Đức Thuận được bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình. 

Tháng 2-2015, Bộ Giao thông vận tải có quyết định điều động, bổ nhiệm làm chánh văn phòng bộ. 

Từ cuối tháng 3-2016, ông Thuận không còn làm chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải.

Truy nã Trịnh Xuân Thanh

22g đêm qua 16-9, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46 - Bộ Công an) chính thức phát thông báo truy nã bị can Trịnh Xuân Thanh - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT PVC.

Thông báo của cơ quan điều tra cho biết: ngày 16-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Tuy nhiên, sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Thanh, xác định: Trong thời gian từ năm 2007-2013, ông Trịnh Xuân Thanh và ban thường vụ đảng ủy, HĐQT, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.200 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013).

Hôm qua, ông Cam Quang Vinh - chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang - cho biết chiều 16-9, tại Tỉnh ủy Hậu Giang, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã triển khai quyết định khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh - tỉnh ủy viên, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. 

Đoàn công tác của trung ương gồm 4 thành viên do ông Nguyễn Thanh Sơn - ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương - làm trưởng đoàn.

Phía Hậu Giang có thường trực Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang. Ông Trịnh Xuân Thanh vắng mặt trong buổi triển khai quyết định này. 

Trả lời Tuổi Trẻ xung quanh việc ông Thanh vắng mặt, ông Vinh cho biết quyết định khai trừ Đảng ông Trịnh Xuân Thanh được trao cho chi bộ 3 - thuộc Đảng bộ văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, nơi ông Thanh sinh hoạt Đảng. Chi bộ 3 có nhiệm vụ mời ông Thanh đến để trao quyết định.

Theo ông Vinh, việc công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật phải có đại diện tổ chức Đảng ra quyết định (hoặc được ủy quyền công bố quyết định), đại diện tổ chức Đảng quản lý đảng viên bị kỷ luật, đảng viên bị kỷ luật và lập biên bản lưu hồ sơ.

Trường hợp đảng viên bị kỷ luật từ chối nghe công bố hoặc không nhận quyết định kỷ luật thì ghi vào biên bản, quyết định kỷ luật vẫn được công bố và có hiệu lực thi hành. 

H.T.DŨNG - L.DÂN - NG.V.HẢI

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên