Bị cáo Trịnh Xuân Thanh lại bị đề nghị thêm án tù chung thân
Chiều nay, 25-1, sau 2 ngày làm việc, phiên tòa xét xử vụ án tham ô trong việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) do bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm thực hiện bước vào phần tranh luận.
Đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã kết luận về vụ án và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo trong vụ án về tội danh tham ô tài sản.
VKS đã đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) - mức án tù chung thân.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà, em trai của ông Đinh La Thăng, từ 11-12 năm tù.
Mức án VKS đề nghị với các bị cáo còn lại
- Đào Duy Phong - nguyên Chủ tịch HĐQT PVPLand: tù 17-18 năm tù
- Nguyễn Ngọc Sinh - nguyên tổng giám đốc PVP Land: 14-15 năm tù
- Lê Hòa Bình - chủ tịch HĐQT công ty Minh Ngân: từ 9-10 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án lừa đảo trước đó là chung thân, hình phạt chung bị cáo Bình phải chấp hành là tù chung thân
- Nguyễn Thị Kim Thoa - nguyên kế toán trưởng công ty Minh Ngân và công ty xây dựng 1-5: từ 8-9 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án lừa đảo trước đó là chung thân, hình phạt chung bị cáo Thoa phải chấp hành là tù chung thân
- Huỳnh Nguyễn Quốc Duy - kinh doanh tự do: từ 11-12 năm tù
- Thái Kiều Hương - phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Vietsan: 11-12 năm tù
Hai kiểm sát viên Phạm Đức Long, Nghiêm Ngọc Hương cùng kiểm sát viên dự khuyết Hoàng Ngọc Huyền tại phiên tòa
VKS: Đủ cơ sở buộc tội các bị cáo
Theo đại diện VKS, dù bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận đã chỉ đạo việc bán cổ phần và cho rằng không biết việc nhận 14 tỉ đó là tiền chênh lệch giá từ hợp đồng này nhưng căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác cũng như hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở để xác định Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo việc hạ thấp giá cổ phần để hưởng chênh lệch.
Đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng, dù bị cáo Thắng không thừa nhận có tác động tới Trịnh Xuân Thanh để bị cáo Thanh chỉ đạo hạ thấp giá cổ phần nhưng lời khai của bị cáo khác và hồ sơ cho thấy bị cáo Thắng đã tác động đến bị cáo Thanh để hạ thấp giá bán cổ phần và cũng được chia tiền từ giá chênh lệch này.
VKS cho rằng đủ căn cứ để buộc cả 6 bị cáo tội tham ô tài sản trong vụ án này.
Được tòa cho tự bào chữa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ dành 2 phút để nói và khẳng định bị cáo không có hành vi phạm tội.
"Bị cáo có bào chữa cũng bằng không thôi, bị cáo hoàn toàn không có tội. Bị cáo đã trả tiền cách đây 8 năm đáng nhẽ không có thể tuyên dương thì cũng khuyến khích. Bị cáo không thực hiện hành vi nhưng cuối cùng lại trở thành người đứng đầu và chịu chung thân. Bị cáo không hiểu chuyện gì. Bị cáo chí có ý kiến như thế thôi" - bị cáo Thanh nói ngắn gọn.
Lấy chênh lệch 49 tỉ chia nhau
Theo hồ sơ vụ án thể hiện, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã cấu kết cùng các đồng phạm chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land với giá thấp hơn giá trị trường để hưởng chênh lệch 49 tỉ đồng, gây thiệt hại cho PVP Land 87 tỉ đồng.
Với 49 tỉ đồng chênh lệch có được, các bị cáo đã chia nhau cùng hưởng. Trong đó, bị cáo Thanh hưởng 14 tỉ đồng. Bị cáo Đinh Mạnh Thắng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà, em trai của ông Đinh La Thăng, được chia 5 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, khi Lê Hòa Bình muốn mua toàn bộ dự án Nam Đàn Plaza (có 5 cổ đông, trong đó PVP Land chiếm hơn 50% cổ phần) nên đã thông qua Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Thái Kiều Hương, Đinh Mạnh Thắng để được Trịnh Xuân Thanh đồng ý bán cổ phần với giá thấp hơn thực tế.
Lê Hòa Bình đã ký hợp đồng đặt cọc với mức giá 52 triệu đồng/mét vuông đất nền dự án nhưng sau đó Bình chỉ trả mức giá này cho 4 cổ đông khác, còn với hơn 50% cổ phần của PVP Land Bình chỉ mua với giá 34 triệu đồng/mét vuông.
Đổi lại, các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác đều được hưởng những khoản "lại quả" nhiều tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận