Cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 luyện tập võ nghệ trong đợt ra quân huấn luyện 2016 - Ảnh: Đông Hà |
Nói về công việc của đơn vị, trung tá Nguyễn Phùng Hưng, trưởng phòng trinh sát - Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3, cho biết trinh sát biển khác nhiều so với trinh sát trên đất liền.
Nếu trên bờ, trinh sát viên có thể dựa vào địa hình, vật cản hay có nhiều phương tiện để theo dõi đối tượng. Còn ở giữa biển mênh mông, không có vật che chắn, xuất hiện là đối tượng thấy ngay. Và để thành công, không được để xảy ra sơ suất dù là nhỏ nhất.
Đó là lý do tại sao tất cả những vụ việc do trinh sát biển phá án, lúc đầu không hề có bóng dáng các con tàu của cảnh sát biển mà đó là những chiếc ghe cá nhỏ, chật hẹp.
Giải cứu thuyền viên Việt Nam
Tháng 7-2015, lực lượng trinh sát Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 nắm được có tình trạng buôn bán dầu lậu ở vùng biển giáp ranh Malaysia - cách Vũng Tàu hàng trăm hải lý. Một kế hoạch đánh án được trình lên cấp chỉ huy.
Sau một thời gian thu thập thông tin, tổng hợp tình hình, một ngày cuối tháng 7-2015 ba mũi trinh sát lên những con tàu cá hướng thẳng ra Biển Đông. Thiếu tá Nguyễn Trọng Hà là người chỉ huy.
Sau gần 10 ngày lênh đênh, đầu tháng 8-2015 các tàu trinh sát đã vượt qua Côn Đảo và sắp sửa đến vùng biển xảy ra việc buôn bán dầu lậu.
Thế nhưng, một bất ngờ do thời tiết xảy ra. Đó là áp thấp nhiệt đới xuất hiện, sóng gió giật cấp 7, cấp 8. Ba tàu trinh sát đành quay về Côn Đảo tránh trú.
“Đó là một trong những khó khăn của trinh sát biển. Kế hoạch thay đổi theo thời tiết. Có những vụ việc phải kiên trì bám biển cả tháng trời mới hoàn thành nhiệm vụ” - thiếu tá Lê Văn Đăng, phó phòng trinh sát, tâm sự.
Ngày 10-8-2015. Biển êm trở lại, thời tiết đẹp. Từ Côn Đảo, các tàu trinh sát tiếp tục hải trình phá án.
Rạng sáng 12-8-2015, cả ba tàu đã tiếp cận tọa độ “X” - nơi mua bán dầu lậu - từ ba hướng nhưng mục tiêu không thấy đâu. Lúc này trinh sát Hà hội ý với đồng đội và phán đoán các tàu mua bán dầu lậu chỉ ở quanh tọa độ đã xác định, liền chia ba mũi đi tìm.
Đêm 13-8, một mũi trinh sát phát hiện đối tượng đang thả neo tại tọa độ 7o03’ vĩ độ Bắc - 107o15’ kinh độ Đông, thuộc khu vực biển bãi cạn Đông Sơn - thềm lục địa phía đông nam. Để tránh bị lộ, trinh sát Hà ra lệnh cho các mũi lùi ra xa.
Rạng sáng 14-8, khi tàu mua dầu đã cập mạn tàu bán dầu và các ống bơm dầu đã được nối, từ ba phía, như gọng kìm, các tàu của trinh sát tăng tốc, bất ngờ ập đến.
Bằng những động tác nhanh gọn, chính xác, các trinh sát đã nhảy lên các tàu bơm hút dầu làm các đối tượng buôn lậu không kịp trở tay rút ống hay nhổ neo bỏ chạy.
Đó là vụ tàu Diamond Satu 18 của Malaysia bán dầu cho hai tàu cá cải hoán thành tàu chở dầu, trong đó có tàu mang số hiệu BV 99977 TS.
Thật bất ngờ khi lên tàu, thiếu tá Hà hô to, dõng dạc bằng tiếng Anh “Mọi người ở yên vị trí. Chúng tôi là cảnh sát biển Việt Nam” thì được một thuyền viên tàu Diamand Satu trả lời lại: “Chúng em toàn là người Việt, đã bị lừa và giam lỏng ở đây nhiều tháng”.
Quá trình điều tra, cảnh sát biển Việt Nam phát hiện tàu Diamond Satu là một con tàu cũ và là tàu chứa dầu. Trước khi đến vùng biển Việt Nam - giáp ranh với Malaysia, tàu này xin giấy phép rời cảng đi Trung Quốc.
Thế nhưng, tàu đã không đi theo giấy phép mà lởn vởn quanh vùng biển Malaysia để mua gom dầu lậu, rồi bán lại cho các tàu của Việt Nam. Chủ tàu là người Malaysia gốc Hoa và người này ở trên bờ điều khiển tất cả hoạt động mua bán dầu của con tàu.
Chủ tàu Diamond Satu đã thuê người Việt ở Malaysia đăng tuyển thuyền viên người Việt, với mức lương 15-20 triệu đồng/tháng. Tin lời, nhiều thủy thủ Việt Nam đã khăn gói sang Malaysia làm thuê cho tàu này.
Và đã từng có ba người Việt khi ra đến tàu, biết bị lừa nên đành bấm bụng thuê canô hay đi nhờ tàu cá trở lại bờ rồi bay về Việt Nam. Những người còn lại trên tàu đã phải ăn ở trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ.
Người ra tàu đầu tiên đến bốn tháng chưa được lên bờ. Và tất cả thuyền viên Việt Nam đều không được chủ tàu trả lương như đã hứa.
Mọi hoạt động của tàu: đi đâu, thả neo, nhận dầu từ tàu nào, bán dầu cho ai ở tọa độ nào đều do ông chủ trên bờ điều khiển. Thuyền viên Việt Nam chỉ biết phải làm theo.
Đối mặt nhiều hiểm nguy
Nói về những người lính trinh sát của vùng, đại tá Lê Xuân Thanh - tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 - cho biết:
“Trong đấu tranh trấn áp tội phạm trên biển, lực lượng trinh sát của vùng đã mưu trí, gan dạ, thậm chí chấp nhận cả hi sinh. Nhờ đó mấy năm qua, lực lượng trinh sát đã phá hàng chục vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển vũ khí, thuốc nổ giữa trùng khơi lẫn nơi cửa biển”.
Trinh sát Lê Văn Tèo nhớ lại vụ bắt một ghe mua dầu lậu mà chỉ có anh và trinh sát Hà, còn ghe mua dầu có đến năm người mà cầm đầu là đối tượng có “số” ở Vũng Tàu.
Ban đầu đối tượng ra giọng xin xỏ, năn nỉ và đưa tiền hối lộ nhưng trước thái độ quyết liệt của hai cảnh sát biển, đối tượng này đã đổi sang giọng hù dọa, nói gằn giọng: “Các ông có đi ra ngoài không? Con của các ông đi học không? Nếu bắt tôi, sẽ có người tìm đến nhà ông”.
Người này còn đe dọa tiếp anh Tèo: “Tôi gặp ông đâu, tôi thịt đó!”. Thế nhưng trinh sát cảnh sát biển lại cứng hơn bằng những lời nói và hành động cụ thể, buộc đối tượng phải chịu đưa tàu cá về căn cứ cảnh sát biển.
“Tôi làm đúng pháp luật. Anh hăm dọa tôi, tôi cũng làm!” - trinh sát Tèo trả lời. Còn trinh sát Hà khẳng khái nói thẳng: “Nếu sợ anh, tôi đã không bắt. Còn đã bắt anh, tôi không sợ!”. Hay có vụ chỉ năm trinh sát nhưng bắt giữ tàu vi phạm có đến 20 người.
Anh Hà khẳng định: “Dù công việc vất vả, đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng sau mỗi chuyên án thành công, tôi thấy rất tự hào vì đã làm tròn trách nhiệm của người sĩ quan, chiến sĩ cảnh sát biển”.
Những người “miễn dịch” Đại tá Đỗ Hồng Đó - chính ủy Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 cho biết: “Trinh sát biển là lực lượng hoạt động đơn tuyến, nhỏ lẻ bằng phương tiện thô sơ, xa sự chỉ huy. Và hoạt động đơn lẻ, độc lập thì rất nguy hiểm. Do đó, trinh sát biển phải là những người có bản lĩnh vững vàng, “miễn dịch” với các tác động của mặt trái. Vì đối tượng làm ăn phạm pháp trên biển thường móc nối, lôi kéo và dụ dỗ khi bị bắt. Ngoài ra, phải có sức khỏe, chịu đựng được sóng gió và có chuyên môn, nghiệp vụ cao, nắm chắc pháp luật. Những thành tích của Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 có công đầu của lực lượng trinh sát. Năm 2015, hầu hết cán bộ, chiến sĩ của phòng trinh sát - Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 đều nhận được bằng khen, giấy khen đột xuất của các cấp. Năm 2015, phòng đạt đơn vị quyết thắng do Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trao tặng. Đầu năm 2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận