Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh tư liệu |
“Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nay do nhu cầu sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng…, Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét chấp thuận miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng” - Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.
Thủ tục bỏ phiếu miễn nhiệm Thủ tướng sẽ diễn ra ở phiên họp buổi chiều. Sau đó Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng mới (ông Nguyễn Xuân Phúc, ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sinh năm 1949, quê TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ông là một cựu chiến binh mang trong mình nhiều thương tích, thương binh loại 2/4.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có trình độ cử nhân luật, ngoài trải nghiệm chiến đấu và công tác trong quân đội, ông là một trong số ít các lãnh đạo cao cấp có quá trình công tác phong phú, kinh qua nhiều lĩnh vực khác nhau: Chủ tịch UBND, Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang; Thứ trưởng Bộ Công an; Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông đã tham gia 6 khóa Trung ương, 4 khóa Bộ Chính trị, 2 nhiệm kỳ là Phó Thủ tướng thường trực và 10 năm đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu Chính phủ.
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngay trước phiên họp Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm mình, Thủ tướng nói: “. Sau gần 55 năm chiến đấu, công tác, được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chính sách, được trở về sống với đời thường, được thường xuyên quây quần với gia đình con cháu và được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, đang trên đà hội nhập, phát triển và sánh vai với bạn bè trên thế giới, tôi cảm thấy hạnh phúc”.
Điều day dứt, trăn trở đối với Thủ tướng khi rời chính trường, như lời ông là “những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã chỉ ra có phần trách nhiệm của tôi trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là trách nhiệm chính trị trên cương vị người đứng đầu Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận