Chiều 19-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày trước Quốc hội tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.
Có kịp thời?
Theo tờ trình, các luật được thông qua có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng đất.
Ngoài những nội dung cần có hướng dẫn, trong các luật này có những nội dung không phải quy định chi tiết, sẽ phát huy ngay hiệu quả mà không cần văn bản hướng dẫn.
Ví dụ Luật Đất đai có các nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất như chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách tài chính đất đai, giá đất; chính sách đất đai đối với người Việt định cư ở nước ngoài...
Trong Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản, chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự án nhà ở xã hội; đối tượng hưởng nhà ở xã hội...
"Việc sớm đưa 3 luật vào cuộc sống phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng; khắc phục những tồn tại hạn chế, nhất là trong việc định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm; đồng thời tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai...", tờ trình nêu.
Trước lo lắng của đại biểu cũng như các chuyên gia, cử tri về việc các văn bản hướng dẫn luật có ban hành kịp thời để các luật đi ngay vào cuộc sống hay không, Chính phủ cũng có giải trình.
Ngay sau khi các luật được thông qua, các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các luật đã được khẩn trương xây dựng đúng trình tự, thủ tục.
Các văn bản được rà soát nhiều lần, nhiều vòng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng chịu tác động để hoàn thiện, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi.
Mặt khác các địa phương cũng đang đồng loạt tập trung, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn. Thủ tướng có nhiều văn bản đôn đốc.
"Như vậy có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản khi các luật này có hiệu lực ngày 1-8-2024", tờ trình nhấn mạnh.
Các văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay đến ngày 18-6, mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành; 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan và theo đó có 2 nội dung cần hướng dẫn cũng chưa được ban hành, đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ.
Đối với các văn bản của các địa phương quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật, hồ sơ dự án luật chưa có thông tin cụ thể về tiến độ, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc dự thảo và ban hành văn bản cho kịp với thời hạn hiệu lực sớm của 4 luật.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành.
Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương.
Một số địa phương quan ngại về việc chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực sớm; một số địa phương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của luật.
Trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành luật, nhất là Luật Đất đai, do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương.
Trong đó làm rõ ngoài những văn bản mà theo yêu cầu của các luật còn có những văn bản nào khác mà các địa phương phải ban hành căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư sắp được ban hành.
Đồng thời làm rõ tác động và giải pháp xử lý, bảo đảm hiệu lực của văn bản và hiệu quả thi hành luật.
Dự báo khó khăn, vướng mắc và khả năng khiếu kiện của nhà đầu tư, người dân trong trường hợp chậm ban hành hoặc chất lượng chưa bảo đảm đối với các văn bản để có giải pháp phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận