Phóng to |
Từ trái qua: tác giả Minh Moon, Nguyễn Hoàng Vũ, Phạm Bá Diệp, Khiêm Nhu và Nguyễn Thị Thanh Bình tại cuộc họp báo ra mắt đợt sách đầu tiên của Văn học tuổi 20 lần 5 - Ảnh: L.Điền |
Điểm mới này chính là một áp lực cho ban giám khảo. Chia sẻ tại buổi ra mắt “mẻ đầu” các tác phẩm VHT20 lần này, nhà văn Nguyễn Đông Thức - thành viên ban chung khảo - cho rằng “nếu một tác phẩm đã xuất bản ra thị trường được đón nhận tốt, nhiều người khen hay mà ban giám khảo cho rằng không hay thì cần phải xem lại”.
Viết để khỏi lười
Trong khuôn khổ một buổi giao lưu ra mắt sách tổ chức tại Đại học Sư phạm TP.HCM, thu hút nhiều sinh viên khoa văn và bạn đọc hâm mộ giải VHT20, các tác giả có mặt đã chia sẻ nhiều tâm sự về quan niệm viết văn, và đây cũng là cơ hội để bạn đọc tham dự nhận ra những cá tính của mỗi tác giả bày tỏ bên ngoài trang viết.
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình đến với VHT20 từ lần 2 (tác phẩm Hành trình về phía mặt trời - giải tư), lần này tham gia “mẻ đầu tác phẩm” bằng truyện dài có cái tên rất giống truyện ngôn tình Anh đã đợi em, từng ngày. Ấy vậy nhưng nội dung không như các dịch phẩm truyện ngôn tình, mà câu chuyện về những nhân viên công sở yêu thương và cảm hóa nhau được thể hiện sinh động với đặc trưng lời thoại tự nhiên hàm chứa nét hóm hỉnh trí tuệ.
Trao đổi với các bạn trẻ, Thanh Bình cho rằng mình viết trước hết là để giải tỏa, viết cho khỏi lười, chứ không nhằm đến giải thưởng cụ thể nào. Anh đã đợi em, từng ngày thật ra đã được bắt đầu từ năm 2007, và “có đến 80% nội dung là chi tiết có thật ngoài đời”. Thanh Bình còn cho biết thêm khi chấp bút viết truyện này, chị đã lược đi nhiều chi tiết thể hiện cái ác bởi sự thật diễn ra trong môi trường làm việc tại các công ty từng làm chị bật khóc khi chứng kiến.
Mặc dù năm tác phẩm đầu tiên này không mang tính đại diện cho giải thưởng VHT20 lần 5, nhưng qua từng trang viết và dõi theo từng tác giả, lại có nhiều bất ngờ thú vị. Đó là một thạc sĩ toán lại có giọng văn ngọt ngào pha chút hài hước tự nhiên: Nguyễn Hoàng Vũ với truyện dài Ở trọ Sài Gòn hẳn sẽ làm nhiều bạn đọc từng xuất thân sinh viên tại TP.HCM bật cười thích thú. Hoàng Vũ học chuyên toán, vậy mà lâu nay theo nghiệp viết, là gương mặt quen thuộc với cộng đồng báo Mực Tím với bút hiệu Me Tồ - bút trưởng bút nhóm Vòm Me Xanh. Một Phạm Bá Diệp học chuyên ngành Hán - Nôm lại vận công viết tác phẩm đầu tay Urem - người đang mơ dài đến 545 trang theo phong cách huyền ảo (fantasy). Trả lời câu hỏi liệu chuyên môn Hán - Nôm với dòng văn học kỳ ảo phương Tây có liên hệ gì với nhau trong khi viết, Diệp bẽn lẽn cho rằng hình như “em hơi liều lĩnh khi chọn thủ pháp fantasy”. Dù vậy, Diệp cho biết anh đã chuẩn bị cho tác phẩm này rất kỹ, mất 12 tháng để chấp bút và “cố gắng làm mềm các kiến thức khoa học khi chuyển tải vào sách”.
Huyền ảo và lịch sử
Còn nhớ trong buổi tổng kết giải VHT20 lần 4, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng văn chương chúng ta lâu nay nghiêm quá, vắng những truyện hài hước, hay kiểu fantasy... Thì trong năm tác phẩm giới thiệu đợt đầu của giải lần này, đã có hai truyện dùng thủ pháp huyền ảo.
Không như Phạm Bá Diệp với Urem - người đang mơ được cấu tứ theo lối fantasy phương Tây với các môtip cứu thế giới, ngày tận thế, sở hữu quyền năng pháp thuật xuyên thời gian và không gian siêu thực...; tác phẩm có dụng công về kỹ thuật đáng kể nhất là Hạt hòa bình của Minh Moon. Với thủ pháp huyền ảo, Minh Moon cho nhân vật của thời hiện tại quay về lại không gian của cuộc chiến tranh tại chiến trường K. Điều này hóa ra không đơn giản như lối viết về những thế giới huyền ảo lớn lao nhưng ít nhiều vu khoát, bởi đó là đề tài lịch sử. Tiếp cận lịch sử bằng thủ pháp huyền ảo, lại chọn không gian truyện là chiến trường K, Minh Moon tâm sự rằng có một lý do khởi nguyên là vì “bố em là cựu binh của chiến trường K”. Nhưng vì “bố em không thích kể lại nhiều chuyện, nên em tìm chất liệu trên mạng Internet là chính”. Điều này đến với cô từ hai năm trước đây, Minh Moon tâm sự rằng khi có nhiều ý kiến về việc học sử, dạy sử, “em có ý định tìm hiểu về hòa bình, về chiến tranh, lên mạng may mắn gặp các chú các bác cựu binh chiến trường K tại một diễn đàn. Phần lớn cảm hứng và tư liệu cho truyện bắt đầu từ những thành viên tích cực ấy”. Và, cô tác giả nhỏ nhắn này tâm sự sau nhiều suy tính, cân nhắc, “em nhận thấy thủ pháp huyền ảo là hợp lý nhất để làm cầu nối đưa một nhân vật hiện đại như chàng thanh niên mang balô hiệu Sakos đi vào chiến trường K”.
Bên cạnh bút pháp huyền ảo, những trải nghiệm trong cuộc sống của các tác giả thế hệ 8X, 9X lần này cho thấy một thái độ làm việc nghiêm túc. Tác giả Khiêm Nhu đưa ra một cảm nhận về không gian sống ở Sài Gòn: Có một bà bị chứng bệnh ghét người, bà cứ đóng cửa lại để tránh những người đi qua và riết rồi ngôi nhà ấy không còn có cửa nữa. (Ngôi nhà không cửa sổ). Nguyễn Hoàng Vũ cho biết sau bảy năm sống ở Sài Gòn, viết tập truyện này đem về đưa cho mẹ đọc, “mẹ bảo: viết gì mà thiệt thà dữ vậy con. Em hỏi: Nhưng mẹ thấy có hay không? Mẹ nói: cũng tàm tạm. Chứng tỏ mẹ còn thiệt thà hơn em nữa”. Mọi người cười ồ.
Năm tác phẩm đợt đầu vừa xuất bản: Ngôi nhà không cửa sổ - Khiêm Nhu, Hạt hòa bình - Minh Moon, Anh đã đợi em, từng ngày - Nguyễn Thị Thanh Bình, Ở trọ Sài Gòn - Nguyễn Hoàng Vũ, Urem - người đang mơ - Phạm Bá Diệp. Cuộc thi “VHT20 lần 5” do Nhà xuất bản Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức, vẫn tiếp tục nhận bản thảo dự thi đến hết ngày 24-3-2014. Ban chung khảo gồm: nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, nhà giáo Nguyễn Thành Thi, nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Thông tin chi tiết có thể xem thêm tại địa chỉ www.nxbtre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận