Sáng 1-11, được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Nhà hát kịch TP.HCM đã gặp gỡ báo chí giới thiệu đợt tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn TP.HCM năm 2023.
Các nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên đại diện các đơn vị tham gia biểu diễn, bày tỏ những ý kiến tâm huyết.
30 suất diễn quảng bá học tập theo Bác
Theo ông Quý Bình - phó giám đốc Nhà hát kịch TP.HCM, đơn vị được sở phân công thực hiện các nhiệm vụ và triển khai công tác tổ chức, đợt quảng bá này có 30 suất diễn trong tháng 11 và 12.
Trong đó, 10 suất diễn dành cho tác phẩm múa Huyền thoại rừng Sác (Đoàn văn công Quân khu 7) và kịch múa Tổ quốc (Trường trung cấp Múa TP.HCM).
Các chương trình này diễn phục vụ vào các ngày lễ lớn của đất nước tại khu vực trung tâm và ngoại thành cho đối tượng học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học trên địa bàn TP.HCM.
20 suất diễn quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu có giá trị nghệ thuật cao, nội dung thiết thực về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Có bốn tác phẩm kịch được chọn đợt này.
Đó là: vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung (tác giả: Khánh Hoàng, đạo diễn: Hoàng Tấn) của đơn vị Nhà hát kịch TP.HCM;
Vở Cánh đồng rực lửa (tác giả: Ngọc Trúc, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc) của sân khấu kịch Quốc Thảo;
Vở Rặng trâm bầu (tác giả: Vũ Trinh - Uyên Nhi, đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi) của sân khấu Trịnh Kim Chi;
Và vở kịch thiếu nhi Đại náo Long cung (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Bảo Chu) của Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B.
Tham gia trong đợt biểu diễn này có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Quốc Thảo, Minh Nhí, Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên, Tuyết Thu, Chánh Trực…
Trịnh Kim Chi: Dù khó khăn, chúng tôi cố gắng nỗ lực
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cho biết sân khấu chị hoạt động theo mô hình xã hội hóa, nên khi nghe tin được tham gia đợt biểu diễn quảng bá lần này chị rất hạnh phúc.
Chị bày tỏ: "Điều này chứng tỏ sự quan tâm của Ban Tuyên giáo Thành ủy, của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đối với chúng tôi. Là động lực để các đơn vị xã hội hóa tiếp tục thực hiện những vở diễn cách mạng có ý nghĩa, nhân văn, nêu cao truyền thống yêu nước đến với người trẻ".
Nghệ sĩ Mỹ Uyên chia sẻ kinh phí cho những suất biểu diễn phục vụ không nhiều. Với một sân khấu chuyên diễn không micro như 5B thì đi diễn phục vụ phải thuê thêm micro, thuê âm thanh để có thể đảm bảo chất lượng phục vụ khán giả.
Những vở như Cuộc hành trình tìm bức chân dung, Rặng trâm bầu… đã ngưng diễn chừng 2, 3 năm nay, đơn vị phải tốn thêm tiền phục dựng cảnh trí và nhiều chi phí khác.
Mỹ Uyên bày tỏ với những đợt biểu diễn phục vụ, bản thân "ông bà bầu" sân khấu và các nghệ sĩ đều phải gói ghém. "Tuy nhiên, anh em đều đồng lòng và vui vì được có thêm nhiều suất diễn, có thêm cơ hội để đưa những vở diễn ý nghĩa đến gần hơn với công chúng.
Có nghĩa là Nhà nước quan tâm, anh em nghệ sĩ cũng nỗ lực hết mình để những vở diễn được lan tỏa đến mọi người" - Mỹ Uyên nói.
Ông Lâm Hữu Đức - trưởng phòng văn hóa nghệ thuật Ban Tuyên giáo Thành ủy - chia sẻ với những khó khăn và nỗ lực của các đơn vị và nghệ sĩ. Ông cho biết thời gian qua thành phố rất quan tâm đến hoạt động này.
Từ ý kiến của các đơn vị tham gia, ông nghĩ bộ phận tham mưu sẽ phản ánh lên sở, Ban Tuyên giáo để có những đề xuất, dự trù kinh phí để đảm bảo chất lượng biểu diễn, phục vụ tốt nhất đến công chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận