Tính năng Chính phủ điện tử trên trình duyệt Cốc Cốc - Ảnh chụp màn hình
Theo đó, người dân có thể tra cứu nhanh và chính xác về cách quyết toán thuế thu nhập cá nhân, đăng ký thường trú, giấy khai sinh, đăng kiểm phương tiện... Còn các doanh nghiệp sẽ dễ dàng được cập nhật đầy đủ thông tin về các thủ tục vay vốn, khai thuế, đăng ký tài sản…
Mọi thông tin trên tính năng Chính phủ điện tử của Cốc Cốc đều là thông tin chính thức, được dẫn trực tiếp và cập nhật liên tục từ trang web Cổng dịch vụ công quốc gia, thuộc quyền quản lý của Văn phòng Chính phủ. Do đó, đây là địa chỉ tin cậy giúp người dùng cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận với thông tin về các thủ tục hành chính công một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác. Đặc biệt, người dùng sẽ không phải trả phí cho việc sử dụng tính năng này.
Chẳng hạn, khi người dùng nhập từ khóa về các thủ tục hành chính công trên Cốc Cốc (chẳng hạn như thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân), tính năng "Chính phủ điện tử" sẽ hiển thị các thông tin liên quan đến thủ tục này ở ngay đầu trang kết quả, chỉ trong một lần tìm kiếm. Tiếp đó, người dùng chỉ cần nhấn vào tiêu đề nội dung để xem chi tiết về trình tự, cách thức thực hiện, cũng như tải về các mẫu giấy tờ cần thiết.
Theo số liệu thống kê của Cốc Cốc, tổng lượt truy cập vào trang web Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) đạt trung bình gần 500.000 lượt/tháng. Tổng lượng tìm kiếm liên quan đến dịch vụ công đạt gần 3 triệu lượt/năm. Đây là những con số khá khiêm tốn trong khi Việt Nam có tới hơn 68 triệu người dùng Internet, tương đương 70% dân số (theo báo cáo Vietnam Digital 2021 của We are Social).
Tính năng "Chính phủ điện tử" được trình duyệt made-in-Việt Nam kỳ vọng là cầu nối hiệu quả, giúp thu hẹp khoảng cách giữa người dùng và Chính phủ, góp phần hướng tới phát triển Chính phủ số, xã hội số toàn dân.
Trước đó, tại hội thảo "Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Ban Kinh tế trung ương cho biết, Việt Nam hướng tới mục tiêu có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025 và thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc nâng cao tỉ lệ người dân sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia được coi là nhiệm vụ trọng tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận