Nhiều nông dân xem thiết bị bay phun thuốc BVTV tại cánh đồng xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười - Ảnh: NGỌC TÀI
Theo thông tin từ nhà sản xuất, mỗi lần thiết bị bay cất cánh mang theo 10 lít thuốc bảo vệ thực vật, đủ phun trên diện tích 1ha trong thời gian 10 phút.
Ba ưu điểm nổi bật là giảm 30% lượng thuốc sử dụng, giảm nhân công lao động, hạn chế tối đa sự tiếp xúc của phân thuốc vào con người, đảm bảo sức khỏe, giảm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Thiết bị bay sẽ giảm nhân công lao động - Ảnh: NGỌC TÀI
Phun thuốc thủ công 200ha phải cần đến 50 người, trong khi thiết bị chỉ cần từ 2-3 người. Giá thành sản phẩm vào khoảng 500 triệu đồng.
Ông Huỳnh Thanh Thấm, giám đốc Hợp tác xã Đức Huệ, xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười), chia sẻ điểm nghẽn lớn nhất của tích tụ ruộng đất hiện nay là nhân công lao động.
Cụ thể, thời điểm hợp tác xã sản xuất 500ha, cần đến 200 lao động. Nếu ứng dụng thiết bị này thành công thì chỉ cần khoảng 6 người, vừa tiết giảm chi phí, vừa mang lại hiệu quả trong sản xuất.
"Sau buổi trình diễn hôm nay, hợp tác xã sẽ bàn lại để đưa vào sử dụng. Thậm chí có thể mở dịch vụ cho những bà con có nhu cầu. Ước tính chi phí dịch vụ vào khoảng 200.000 đồng/ha/lần phun", ông Thấm chia sẻ.
Ông Huỳnh Thanh Hải chia sẻ đối với địa hình đồng ruộng manh mún có thể thương lượng với các chủ ruộng liền kề thuê thiết bị phun xịt cùng nhau.
Thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật - Ảnh: NGỌC TÀI
"Bây giờ xuống giống đồng loạt hết rồi, nên phun thuốc cũng cùng thời điểm. Nếu phun bằng máy bay này, hiệu quả dập dịch bệnh còn ngon hơn", ông Hải chia sẻ.
Buổi trình diễn do Hợp tác xã Đức Huệ và Công ty TNHH Quản nông xanh - đơn vị phân phối - thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận