Sáng 31-5, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thông báo vệ tinh Cheollima-1 đã rơi xuống Hoàng Hải vì nó mất đà, sau khi tên lửa đẩy khởi động bất thường trong giai đoạn 2 dù bay bình thường trong giai đoạn 1.
Theo KCNA, tên lửa gặp trục trặc về động cơ và hệ thống nhiên liệu.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng khẳng định sẽ sớm phóng vệ tinh khác. Đây là nỗ lực phóng vệ tinh lần thứ sáu của Triều Tiên và là lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Bình Nhưỡng hy vọng phóng được vệ tinh do thám quân sự đầu tiên lên quỹ đạo trong bối cảnh Hàn Quốc tăng cường tập trận với đồng minh Mỹ.
Hãng tin Yonhap dẫn lời quân đội Hàn Quốc cho biết "thiết bị phóng" của Triều Tiên xuất phát từ khu vực Tongchang-ri ở phía nam nước này hướng về Hoàng Hải lúc 6h30, giờ địa phương.
Nhưng đường bay của thiết bị này gặp "bất thường" và nó biến mất khỏi radar trước khi đến điểm rơi dự kiến, cho thấy nhiều khả năng đã phát nổ trong không trung hoặc bị rơi.
Seoul xác định vật thể đã rơi xuống biển Hoàng Hải tại khu vực cách đảo Eocheong của Hàn Quốc khoảng 200km.
Trong phản ứng sau đó, Nhà Trắng của Mỹ lên án vụ phóng và đang phối hợp với các đồng minh để đánh giá tình hình.
Trước đó, nhiều khu vực ở Hàn Quốc và Nhật Bản đã bật báo động khi Triều Tiên phóng vệ tinh, trong đó thủ đô Seoul của Hàn Quốc gửi nhầm thông báo chuẩn bị di tản cho người dân trong lúc bối rối. Các cảnh báo đã được gỡ bỏ sau đó.
Triều Tiên đã thông báo sẽ phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này trong thời gian từ ngày 31-5 đến 11-6, dự kiến các mảnh vụn sẽ rơi xuống Hoàng Hải và Thái Bình Dương.
Bình Nhưỡng giải thích rằng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn buộc nước này phải tăng cường năng lực thu thập thông tin theo thời gian thực, nhưng Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cho rằng vụ phóng của Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm nước này sử dụng tên lửa đạn đạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận