14/07/2017 18:10 GMT+7

​Triều Tiên sẽ đáp trả ‘tương xứng’ như thế nào?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn nóng bởi những biện pháp đang thực thi và sắp thực thi. Bình Nhưỡng dọa sẽ cho Washington nếm mùi.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chúc mừng các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật của Học viện Khoa học quốc phòng Triều Tiên sau vụ phóng thử thành công tên lửa Hwasong-14 sáng 4-7. Hình ảnh do hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên công bố hôm 5-7 - Ảnh: Reuters
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chúc mừng các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật của Học viện Khoa học quốc phòng Triều Tiên sau vụ phóng thử thành công tên lửa Hwasong-14 sáng 4-7. Hình ảnh do hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên công bố hôm 5-7 - Ảnh: Reuters

Hôm nay (14-7), theo hãng tin Reuters, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ có "các biện pháp tương xứng” nếu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua một nghị quyết nữa áp đặt trừng phạt nước này.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, do hãng thông tấn nhà nước KCNA loan báo, đưa ra trong bối cảnh HĐBA LHQ đang có động thái nhằm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên do vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 4-7 vừa qua.

Hãng thông tấn KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ việc thử ICBM là thực hiện quyền hợp pháp của nước này nhằm tự vệ trước mối đe đọa hạt nhân từ Mỹ.

Vụ phóng tên lửa ngày 4-7 là vụ phóng tên lửa thứ 10 của Triều Tiên trong năm nay và là lần đầu tiên nước này tiến hành phóng thử ICBM.

Vẫn chưa rõ cách đáp trả của Triều Tiên là các biện pháp gì nhưng có vẻ Bình Nhưỡng cũng lo lắng về việc HĐBA LHQ có thể thông qua được nghị quyết trừng phạt mới.

Trong thời gian qua, Mỹ đã thuyết phục được Trung Quốc thuận theo việc phải trừng phạt mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng do lẽ những vụ thử tên lửa xảy ra liên tục và tăng cấp độ.

Nga cũng đang chuyển mình

Cũng hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga và Mỹ sẽ duy trì hội đàm về Triều Tiên nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang tại khu vực, đồng thời đề ra một giải pháp chính trị cho bất đồng liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần, bà Zakharova nhấn mạnh có những bất đồng, song cũng có những điểm tương đồng giữa Nga và Mỹ.

Bà nêu rõ hai nước hiện vẫn đang đối thoại nhằm đi đến những giải pháp chính trị có thể tiến tới hòa giải hoặc ít nhất ngăn chặn căng thẳng leo thang tại khu vực.

Cần nhớ hôm 6-7, Nga đã phản đối HĐBA LHQ ra tuyên bố kêu gọi áp đặt "những biện pháp đáng kể" để đáp trả vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, với lập luận rằng tên lửa này thực tế chỉ là một tên lửa tầm trung.

Theo các nhà ngoại giao tại LHQ, Mỹ đã lưu hành tuyên bố trên sau khi thông báo kế hoạch về một nghị quyết trừng phạt mới nhưng Nga đã phản đối.

Dự thảo tuyên bố nhắc lại rằng HĐBA nhất trí tăng cường "nhiều biện pháp hơn nữa" trong trường hợp Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa hay hạt nhân, và cơ quan quyền lực nhất của LHQ sẽ bắt đầu "làm việc ngay lập tức nhằm đưa ra các biện pháp như vậy".

Các nhà ngoại giao cho biết Nga đã phản đối chi tiết khẳng định "Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa" đề cập trong tuyên bố dự thảo.

Phái đoàn Nga tại LHQ khẳng định không ngăn chặn tuyên bố nói trên nhưng cho rằng Mỹ phải có sự "chỉnh sửa thích hợp đối với văn bản này", bởi Nga không thể nhất trí rằng tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng là một tên lửa liên lục địa.

Phái đoàn Nga cho biết thêm rằng dựa vào hệ thống theo dõi của mình, Bộ Quốc phòng Nga tin rằng đây chỉ là một tên lửa tầm trung.

Vấn đề ở chỗ sau vụ phóng tên lửa Hwasong-14 vào sáng 4-7, chính Bình Nhưỡng tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa!

Hình ảnh tên lửa Hwasong-14 do hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên công bố hôm 5-7 - Ảnh: Reuters
Hình ảnh tên lửa Hwasong-14 do hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên công bố hôm 5-7 - Ảnh: Reuters

Bình Nhưỡng tăng cấp độ đe dọa

Dường như cảm thấy áp lực quốc tế đang ngày càng đè nặng khi các đồng minh Trung Quốc và Nga dần quay lưng, Bình Nhưỡng liên tục tung đòn cảnh báo.

Cũng trong hôm nay (14-7), hãng thông tấn KCNA đưa tin Triều Tiên đã cảnh báo rằng các lực lượng của Mỹ trú đóng trên lãnh thổ Hàn Quốc vẫn nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí, cho dù một đơn vị chủ chốt của lực lượng này đã chuyển tới một căn cứ mới nằm ở phía nam thủ đô Seoul.

Theo đó, một người phát ngôn quân đội Triều Tiên nêu rõ: “Căn cứ quân sự của Mỹ càng lớn, quân đội của chúng ta càng dễ dàng bắn trúng mục tiêu".

Người phát ngôn này còn nhấn mạnh rằng nếu ban lãnh đạo Triều Tiên ra lệnh, quân đội nước này sẽ tiêu diệt các lực lượng Mỹ bằng nhiều loạt đạn.

Quan chức này còn tuyên bố Washington sẽ đối mặt với "một kết cục bi thảm" nếu vẫn duy trì chính sách đối đầu quân sự liều lĩnh bất chấp những lời cảnh báo của Bình Nhưỡng.

Đây là lần đầu tiên quân đội Triều Tiên ra tuyên bố nhắm vào căn cứ Mỹ kể từ khi ông Moon Jae In nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc hồi đầu tháng 5 vừa qua.

Hôm 11-4, Quân khu 8 của Mỹ đã khánh thành trụ sở mới tại Doanh trại Humphreys ở thành phố cảng Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul khoảng 70 km về phía Nam, chấm dứt sự hiện diện kéo dài suốt 64 năm qua tại căn cứ Yongsan ở trung tâm Seoul.

Đây là một phần trong kế hoạch tái bố trí căn cứ của Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK), trong đó các trụ sở của USFK và Quân đoàn 8 tại căn cứ Yongsan ở trung tâm thủ đô Seoul, cũng như Sư đoàn Bộ binh số 2 ở phía Bắc thủ đô Seoul sẽ chuyển đến các căn cứ mới tại thành phố Pyeongtaek.

Trong khi đó, Sở Chỉ huy của USFK dự kiến sẽ chuyển sang căn cứ mới vào cuối năm nay. Phần lớn các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc gồm 28.500 binh sĩ cũng sẽ chuyển sang thành phố Pyeongtaek trong năm nay. 

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên