13/10/2017 16:37 GMT+7

Triều Tiên quay sang giữ quan hệ hữu nghị với Nga

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Triều Tiên ngày càng cho thấy sự xa rời đồng minh truyền thống Trung Quốc và xích gần hơn với Nga giữa bối cảnh Bình Nhưỡng bị bao vây "bốn phương tám hướng" bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.

Triều Tiên quay sang giữ quan hệ hữu nghị với Nga - Ảnh 1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm một nhà máy sản xuất máy móc ở thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 1-4-2015 - Ảnh: REUTERS

Ngày 12-10, Triều Tiên và Nga đã tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 69 ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Liên quan tới sự kiện này, Đài truyền hình NHK của Nhật nhận định rằng Bình Nhưỡng đang từng bước đẩy mạnh quan hệ với Nga trong khi quan hệ Trung - Triều đang dần mai một.

Với Nga sẽ… có tương lai

Tại sự kiện ngày 12-10, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tường thuật rằng Ngoại trưởng Ri Yong Ho đã có cuộc gặp với ông Sergey Mikhailov, người đứng đầu Hãng thông tấn TASS của Nga, ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Ông Ri nói rằng Triều Tiên vẫn trung thành với cam kết phát triển quan hệ với Nga trên nền tảng hữu nghị và hợp tác đã có bấy lâu nay.

Trong một diễn biến liên quan, Triều Tiên đầu tháng này còn mời cả một đoàn nghị sĩ Nga tới thăm Bình Nhưỡng.

Phát biểu trước phái đoàn Nga, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam đã nói vắn tắt về kế hoạch của Bình Nhưỡng nhằm thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng chạm đất bờ Tây nước Mỹ trong nay mai.

Hồi cuối tháng 9, bà Choe Son Hui - vụ trưởng vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên - cũng đã có cuộc gặp với giới chức cấp cao Nga tại Matxcơva để bàn về tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Bà Choe cũng đã được mời tới dự một hội nghị quốc tế ở Matxcơva vào ngày 19-10 tới.

Việc Triều Tiên có các động thái thiện chí như vậy cho thấy nước này rõ ràng xem trọng mối quan hệ hiện nay với Nga. Tờ New York Times bình luận mặc dù Nga có ảnh hưởng đối với Triều Tiên không bằng Trung Quốc về hiện tại nhưng người Triều Tiên lại có ít hoài nghi về Nga so với Trung Quốc.

Sự tin tưởng của Bình Nhưỡng phần nào được phản ánh khi Công ty TransTeleCom của Nga gần đây đã cung cấp đường mạng Internet cho Triều Tiên. Động thái này sẽ giúp Triều Tiên giảm lệ thuộc hạ tầng mạng vào Trung Quốc và cho thấy sự hiện diện rõ ràng hơn của Nga vào câu chuyện trên bán đảo Triều Tiên.

Về vấn đề căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, trong một động thái phần nào cho thấy đáp lại thiện chí của Bình Nhưỡng, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng 10 cảnh báo Mỹ không được theo đuổi phương án quân sự nhằm vào Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố Matxcơva hiện không thể giữ im lặng trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên bởi lẽ Nga là láng giềng của Triều Tiên. "Nga có đường biên giới chung với Triều Tiên và khu thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên nằm cách biên giới Nga chỉ 200 km" - ông Putin phát biểu. Thông tin cho biết hiện có khoảng 40.000 công dân Triều Tiên đang làm việc tại Nga.

Hãng tin Sputnik của Nga ngày 12-10 cho biết Triều Tiên mới đây còn công bố một bản đồ thế giới cho thấy bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga. Lập trường này hoàn toàn trái ngược với Mỹ và các quốc gia phương Tây sau sự kiện trưng cầu ý dân của người dân Crimea tách khỏi Ukraine hồi năm 2014.

Theo tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên cũng nói rằng nước này công nhận quần đảo Kuril (hiện Nhật cũng có tuyên bố chủ quyền một phần) hoàn toàn thuộc lãnh thổ của Nga.

Theo tờ The Duran, đây được xem là một động thái thiện chí của Triều Tiên cho thấy nước này sẵn sàng tăng cường hợp tác với Nga để vượt qua các thách thức trong khu vực liên quan tới quá trình mang lại hòa bình tại Đông Bắc Á, trong đó thách thức chính vẫn là Mỹ.

Triều Tiên quay sang giữ quan hệ hữu nghị với Nga - Ảnh 3.

Du khách nhìn về phía Nga (trái) và Triều Tiên (phải) tại một đài quan sát ở huyện Hồn Xuân (tỉnh Cát Lâm), ngã ba biên giới Trung Quốc - Nga - Triều Tiên - Ảnh: AFP

Không sợ bị Trung Quốc bỏ rơi

Trong khi các phát ngôn và động thái giao lưu qua lại giữa Triều Tiên và Nga cho thấy quan hệ nồng ấm giữa hai bên, những gì diễn ra giữa Bình Nhưỡng và "người anh em" Trung Quốc đi ngược lại.

Hôm 25-9, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin ngoại giao tiết lộ Trung Quốc hiện gặp khó khăn trong vấn đề liên lạc với Triều Tiên.

"Việc liên lạc giữa hai bên quả thật không còn diễn ra suôn sẻ. Trong thời gian dài, việc trao đổi giữa quan chức cấp cao hai bên bị gián đoạn. Hiện không có động tĩnh gì cho thấy ý định của họ về việc tái khởi động các kênh liên lạc" - nguồn tin trên tiết lộ.

Lần tiếp xúc quan trọng gần nhất giữa hai bên là một "cuộc đối thoại chiến lược" hồi tháng 6-2013 giữa thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên khi đó là ông Kim Kye Gwan và người đồng cấp Trung Quốc Trương Nghiệp Toại để thảo luận về việc mở lại các cuộc đàm phán sáu bên.

Sau Quốc khánh Triều Tiên ngày 9-9 vừa qua, truyền thông Triều Tiên cũng không tường thuật liệu nước này đã nhận được điện mừng từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, thời điểm đó chỉ tường thuật rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã gửi điện chúc mừng. Đồng thời, tờ báo Triều Tiên nhấn mạnh quan hệ hữu nghị với Matxcơva và Havana sẽ tiếp tục duy trì, thậm chí sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6.

Sự lạnh nhạt của Triều Tiên trong mối quan hệ với Trung Quốc phần nào cho thấy Bình Nhưỡng ngày càng không đặt niềm tin vào giới lãnh đạo Bắc Kinh. Bất chấp Trung Quốc can ngăn, Triều Tiên vẫn thử hạt nhân và tên lửa.

Ông Kim Jong Un không sợ bị Trung Quốc bỏ rơi. Ông ấy cũng không sợ một cuộc tấn công của Mỹ”

Ông Yong Suk Lee, phó trợ lý giám đốc Trung tâm sứ mệnh Triều Tiên (KMC) thuộc CIA

Về phía Trung Quốc, có thể thấy nước này ngày càng chịu thẳng tay trừng phạt Triều Tiên, từ việc ủng hộ thông qua các nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tới việc thực thi cụ thể bằng cấm nhập khẩu hàng may mặc và hải sản của Triều Tiên, đóng cửa các công ty liên doanh với Triều Tiên, không gia hạn thị thực cho công nhân Triều Tiên tại Trung Quốc…

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định đây chỉ là chiếc vỏ bọc để Trung Quốc "lấy lòng" Mỹ, phục vụ cho lợi ích riêng của Bắc Kinh. Về lâu dài, nếu không thể cải thiện được quan hệ với Mỹ, Trung Quốc vẫn sẽ "ngựa theo lối mòn", quay lại "bơm tiền" để Triều Tiên duy trì sự sống.

"Thứ Trung Quốc đắn đo lo ngại là về tình trạng ổn định tại biên giới. Tuy nhiên, cùng lúc, Bắc Kinh cũng cố gắng thiết lập quan hệ vững chắc với Mỹ. Trung Quốc có thể làm được nhiều hơn, nhưng ảnh hưởng được gì lên các bước đi của ông Kim Jong Un lại là một chuyện khác" - phó trợ lý giám đốc CIA Michael Collins đánh giá.

Theo ông Stephen Blank, nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng chính sách ngoại giao Mỹ (AFPC), hòa bình và tình trạng ổn định trên bán đảo Triều Tiên luôn giữ vai trò thiết yếu đối với lợi ích của Nga. 

Việc Nga từng tham gia bốn cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên trong thế kỷ 20, trong đó có Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) phần nào cho thấy vấn đề hòa bình ở khu vực này được Nga đặt nặng như thế nào.

Và Trung Quốc cũng vậy, Bình Nhưỡng bị thương thì Bắc Kinh ít nhất cũng bị trầy xước. Tuy nhiên, thái độ xoay 180 độ của Trung Quốc giữa "mạnh tay và nhẹ tay" với Triều Tiên chắc chắn sẽ không cho Triều Tiên một cảm giác an toàn. 

Do đó, việc Triều Tiên ngày càng xoay trục sang Nga và những diễn biến tốt trong quan hệ hai nước hiện nay cũng là điều dễ hiểu.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên