Bức ảnh công bố ngày 24-8 cho thấy lãnh đạo Triều Tiên tươi cười trước bệ phóng tên lửa đa nòng cỡ lớn mới phát triển của nước này - Ảnh: AFP
"Mỹ và các thế lực thù địch khác đang lan truyền những tin đồn thất thiệt" - Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Ủy ban Hợp tác quốc gia Triều Tiên về chống rửa tiền và khủng bố tài chính thông tin.
"Những chuyện bịa đặt như vậy từ các thế lực thù địch chẳng là gì ngoài việc là một trò bẩn thỉu nhằm bôi nhọ hình ảnh đất nước của chúng tôi và tìm cách hợp pháp hóa các biện pháp trừng phạt và các áp lực chống lại Triều Tiên" - tuyên bố ngày 1-9.
Cho đến nay Washington vẫn chưa thật sự tiến thêm được bước nào để đạt mục đích buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhau 3 lần.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 31-8 cũng nói rằng hi vọng về các cuộc đàm phán với Mỹ đang mờ dần, chỉ trích phát ngôn gần đây của Ngoại trưởng Mike Pompeo về "hành vi lừa đảo của Triều Tiên".
Theo Reuters, báo cáo của Liên Hiệp Quốc trong tháng 7 cho biết Bình Nhưỡng đã đẩy mạnh các cuộc tấn công mạng với mức độ tinh vi cao hơn nhằm trộm cắp từ các ngân hàng và mua bán tiền ảo, tích lũy 2 tỉ USD để tài trợ cho chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trong những năm gần đây, Triều Tiên bị cáo buộc đã thực hiện một loạt cuộc tấn công mạng, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính tại Mỹ, Hàn Quốc và hơn chục quốc gia khác. Các chuyên gia cho rằng các cuộc tấn công mạng như vậy sẽ giúp giúp chính quyền Bình Nhưỡng thu về nhiều tiền.
Những vụ tấn công mạng cộm cán mà Triều Tiên bị buộc tội có liên quan đến một nhóm tin tặc tên Lazarus từng tấn công Ngân hàng trung ương Bangladesh năm 2016 để lấy đi 81 triệu USD và một cuộc tấn công vào studio Hollywood của Sony năm 2014.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận