Tấn công để phòng thủ
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết tên lửa Triều Tiên phóng từ địa điểm gần thủ đô Bình Nhưỡng đã bay về vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Phía Hàn Quốc mô tả tên lửa có tầm bắn trung bình, nhưng không có chi tiết tên lửa đã bay bao xa. JCS tuyên bố quân đội Hàn Quốc đã tăng cường giám sát và duy trì tư thế sẵn sàng phối hợp với lực lượng Mỹ.
Theo báo Japan Today, vụ phóng đã khiến Chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân trên đảo Hokkaido tìm nơi trú ẩn. Chính phủ sau đó rút lại cảnh báo và nói phân tích cho thấy tên lửa không có khả năng rơi xuống gần Hokkaido.
Theo Đài NHK, cư dân ở thành phố Sapporo, đảo Hokkaido, đã bày tỏ sự bất bình về tên lửa do Triều Tiên phóng sáng 13-4.
Trong hành lang của các ga tàu điện ngầm, nhiều người đang trên đường đi làm thì phải sơ tán sau khi hệ thống cảnh báo khẩn cấp trên điện thoại J-ALERT vang lên.
Một người phụ nữ cho biết cô đang ở trong tòa nhà khi chuông báo động vang lên. Cô đã vội vã sơ tán sau khi được khuyên đi xuống đất, trong tâm trí thoáng qua nỗi bực dọc “lại nữa sao?!".
Một người phụ nữ khác, cũng đang đi làm, cho biết khi định vào trong tòa nhà thì bị cản lại. Người này nói cô không để ý thông báo J-ALERT. Cô nghĩ khu vực này đông đúc do có tai nạn tàu điện ngầm.
Tháng 10 năm ngoái, Nhật Bản đã ban bố lệnh sơ tán tương tự khi một tên lửa tầm trung của Triều Tiên bay qua lãnh thổ. Vụ phóng cho thấy tên lửa của Triều Tiên có khả năng vươn tới lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Khi đó, chính quyền Nhật Bản đã cảnh báo người dân ở các khu vực đông bắc tìm nơi trú ẩn, tạm dừng các chuyến tàu, dù không ghi nhận thiệt hại nào khi tên lửa rơi xuống biển.
Vụ phóng ngày 13-4 là mới nhất trong hàng loạt vụ thử vũ khí của Triều Tiên trong năm nay. Chỉ vài ngày trước, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tuyên bố sẽ tăng cường khả năng răn đe hạt nhân.
Trong năm nay, Triều Tiên đã phóng khoảng 30 tên lửa để đáp trả các cuộc tập trận quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ, vì Bình Nhưỡng coi đây là các cuộc diễn tập tấn công. Trong khi đó, Seoul và Washington khẳng định cuộc tập trận có bản chất phòng thủ và nhằm đối phó các các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên từ lâu đã lập luận rằng các cuộc tập trận quân sự do Mỹ lãnh đạo trong khu vực là bằng chứng cho thấy sự thù địch của Washington với Bình Nhưỡng.
Triều Tiên tuyên bố buộc phải phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó với các mối đe dọa quân sự từ Mỹ, dù phía Mỹ kiên quyết khẳng định họ không có ý định tấn công Triều Tiên.
Mối lo hạt nhân
Có những lo ngại rằng Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên sau hơn 5 năm. Các chuyên gia nước ngoài tranh luận liệu Triều Tiên đã phát triển các đầu đạn đủ nhỏ và nhẹ để lắp vào các tên lửa tiên tiến của họ hay chưa.
Gần đây, các quan chức Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã không phản hồi các cuộc gọi hằng ngày với Hàn Quốc thông qua các kênh liên lạc giữa hai bên trong khoảng 1 tuần. Việc Triều Tiên bị cáo buộc ngừng liên lạc có thể khiến tình hình thêm phức tạp.
Ngày 11-4, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Youngse, người phụ trách vấn đề Triều Tiên của Seoul, đã bày tỏ ông "rất lấy làm tiếc" về thái độ "đơn phương và vô trách nhiệm" của Bình Nhưỡng với đường dây nóng.
Kho vũ khí hạt nhân tiên tiến của Triều Tiên dự kiến sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối tháng này tại Washington.
Chính phủ của ông Yoon cần sự đảm bảo mạnh mẽ hơn từ Mỹ, nhằm chắc chắn rằng Washington sẽ huy động lực lượng để bảo vệ Seoul trong trường hợp Bình Nhưỡng tấn công hạt nhân.
Các chuyên gia cho rằng các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị G7 vào tháng tới ở Nhật Bản cũng có thể rất quan trọng để duy trì áp lực ngoại giao đối với Triều Tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận