Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong chuyến thị sát khu nghỉ dưỡng Núi Kim Cương vào tháng 10-2019. Phía sau là khách sạn nổi Haegumgang - Ảnh: REUTERS/KCNA
Các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy công việc phá dỡ đã được tiến hành trong nhiều tuần. Chính quyền Seoul đã sử dụng các kênh liên lạc liên Triều để yêu cầu giải thích và đàm phán về vấn đề này, nhưng Triều Tiên phớt lờ yêu cầu trên.
Ngày 8-4, người phát ngôn Bộ Thống nhất của Hàn Quốc, ông Cha Deok Cheol cho biết không rõ liệu Triều Tiên có phá hủy các cơ sở khác tại khu du lịch Núi Kim Cương hay không.
Cũng theo ông Cha, Seoul "thực sự lấy làm tiếc về việc Triều Tiên đơn phương dỡ bỏ khách sạn" và kêu gọi Triều Tiên tham gia vào các cuộc đàm phán để giải quyết những bất đồng về tài sản của Hàn Quốc tại địa điểm này.
Hiện truyền thông nhà nước Triều Tiên chưa lên tiếng bình luận. Bình Nhưỡng đã hoãn việc phá dỡ vào năm 2020 khi siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19.
Việc phá dỡ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về các vụ phóng tên lửa liên tục gần đây. Triều Tiên đã tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên kể từ năm 2017 vào tháng 3 năm nay.
Khách sạn Haegumgang tại nơi neo đậu ở Triều Tiên trong bức ảnh do nhiếp ảnh gia Eric Lafforgue chụp và chia sẻ trên trang Flickr
Khách sạn Haegumgang có tên ban đầu là Barrier Reef Floating resort, nằm trong số các khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới.
Khách sạn nổi này đã vượt hơn 5.000km đến Việt Nam và neo đậu ở bến Bạch Đằng (TP.HCM) vào năm 1989. Mặc dù nó có tên chính thức là Saigon hotel, người dân TP.HCM vẫn quen gọi đây là "khách sạn nổi" hay "nhà hàng nổi 5 sao".
Với vị trí neo đậu đắc địa và sự sang trọng, khách sạn nổi từng được nhiều người xem là biểu tượng của thành phố.
Đến tháng 4-1997, khách sạn nhổ neo sang Singapore để trùng tu và cập cảng Changjon gần khu nghỉ mát Núi Kim Cương (Triều Tiên), chủ yếu phục vụ khách Hàn Quốc từ năm 1998.
Các chuyến du lịch của Hàn Quốc đến Núi Kim Cương từng được xem là biểu tượng chính của sự hợp tác giữa hai miền Triều Tiên.
Đây cũng là nguồn cung ngoại tệ cho Triều Tiên trước khi Hàn Quốc đình chỉ các tour du lịch đến Núi Kim Cương vào năm 2008, sau sự kiện một du khách Hàn Quốc bị bắn chết tại khu vực. Kể từ đó khách sạn rơi vào tình trạng đóng cửa, không được bảo dưỡng và gỉ sét gần 15 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận