17/08/2017 12:07 GMT+7

​Triều Tiên ồ ạt nhập thực phẩm từ Trung Quốc

MINNH TRUNG
MINNH TRUNG

TTO - Số liệu hải quan cho thấy xuất khẩu lương thực từ Trung Quốc vào Triều Tiên đã tăng dữ dội trong 1 năm qua. Điều đó sự lệ thuộc ngày càng nhiều của Bình Nhưỡng vào Bắc Kinh.

Nông dân Triều Tiên làm việc trên đồng - Ảnh: AFP
Nông dân Triều Tiên làm việc trên đồng - Ảnh: AFP

Báo South China Morning Post dẫn nguồn Hải quan Trung Quốc cho thấy gần 30 mặt hàng lương thực xuất khẩu đi Triều Tiên tăng vọt trong thời gian qua, chẳng hạn bắp tăng 32 lần, từ 400 tấn lên gần 12.734 tấn; chuối từ 63,4 tấn lên 1.156 tấn; bột mì từ dưới 0,6 tấn lên 7,6 tấn…

Mặt hàng rượu mạnh tăng hơn 4 lần, lên 9,5 triệu lít trong quý 2 năm nay, so với 2,1 triệu lít của cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, Triều Tiên nhập hơn 11 triệu tấn gạo trong quý 2-2017, tăng từ mức 3,5 triệu cùng kỳ 2016.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng tăng mua các sản phẩm khác như bia, bánh kẹo, sô cô la, bánh mì, bánh quy…

Mặc dù cộng đồng quốc tế vừa qua đồng ý tăng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân và tên lửa, nhưng lĩnh vực xuất khẩu lương thực được loại trừ trong lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân Triều Tiên.

Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thủy sản từ Triều Tiên bắt đầu từ ngày 15-8 vừa qua. Đây là hoạt động mang lại cho Bình Nhưỡng nguồn thu 190 triệu USD trong năm 2016.

Việc Triều Tiên tăng nhập khẩu lương thực trùng với thời điểm kho lương của nước này thiếu hụt nghiêm trọng do thiên tai.

Sản lượng lương thực của Triều Tiên (ngũ cốc, đậu nành, khoai tây…) trong năm 2016 ước tính khoảng 5,4 triệu tấn, giảm 9% so với năm 2014, theo Tổ chức Lương nông LHQ (FAO).

Cuộc khủng hoảng lương thực ở Triều Tiên đã kéo dài kể từ nạn đói lớn diễn ra vào những năm 1990. Các số liệu cho biết có đến 2/5 dân số Triều Tiên bị suy dinh dưỡng và hơn 70% dân số lệ thuộc vào viện trợ lương thực từ nước ngoài, theo LHQ.

Một báo cáo của LHQ hồi tháng 3 ước tính 18 triệu người trên khắp Triều Tiên tiếp tục chịu đựng tình trạng mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng và thiếu các dịch vụ thiết yếu.

Các chuyên gia cho rằng xuất khẩu lương thực của Trung Quốc vào Triều Tiên tăng có thể là dấu hiệu nền kinh tế nước này đang khá hơn, tuy nhiên vẫn lệ thuộc nặng vào quốc gia láng giềng.

“Sự gia tăng có thể là kết quả của nhu cầu thị trường lớn hơn từ Triều Tiên, trong bối cảnh nền kinh tế của họ đang hồi phục dần và thị trường chợ đen bùng nổ” - chuyên gia Cai Jian thuộc Đại học Phục Đán (Thượng Hải) đánh giá.

Người Triều Tiên phải cật lực lao động nhưng vẫn không đủ sống - Ảnh: AFP

Tuy nhiên việc nhập khẩu lương thực gia tăng cũng có thể do tình trạng thiếu thốn nặng.

Hôm 21-7, tổ chức FAO cho biết Triều Tiên đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng sau khi hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 15 năm. 

Theo báo cáo của FAO, lượng mưa trong nửa đầu năm 2017 thấp hơn nhiều so với các mức của năm 2001.

Tại một số tỉnh sản xuất nông nghiệp chủ chốt của Triều Tiên, lượng mưa từ tháng 4 đến tháng 6 ở mức 50% dưới trung bình.

Đặc biệt, hạn hán nghiêm trọng dẫn đến sản lượng ngũ cốc của nước này giảm xuống mức thấp chưa từng thấy.

Báo cáo cho thấy sản lượng các vụ mùa đầu năm 2017 đã giảm hơn 30%, từ mức 450.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 310.000 tấn. Hơn 50.000 hécta diện tích đất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hán hán kéo dài. 

Theo ông Vincent Martin - đại diện của FAO tại Trung Quốc và Triều Tiên, tình hình trên có nguy cơ khiến các điều kiện an ninh lương thực của phần lớn dân số quốc gia Đông Bắc Á này suy giảm mạnh. Ông Martin kêu gọi sự can thiệp lập tức nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi hạn hán. 

Những thập niên gần đây, Triều Tiên thường xuyên bị “giặc đói” hoành hành. Giữa và cuối những năm 1990, hàng trăm ngàn người tại Triều Tiên đã chết vì đói.  

Ngay cả trong những năm thời tiết thuận lợi, hơn 40% dân số quốc gia Đông Bắc Á này bị xếp vào mức “thiếu ăn”. 

Phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi đặc biệt bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực - nguyên nhân chính gây ra tử vong ở các bà mẹ và trẻ em. Khoảng 28% trẻ em Triều Tiên dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.

Nga, Hàn tiếp tục viện trợ

Nhằm giúp Triều Tiên đối phó với tình trạng thiếu lương thực, tàu chở 800 tấn bột mì do Nga viện trợ đã cập cảng Chongjin, ở đông bắc Triều Tiên. 

Hôm 1-8, thông cáo của Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng cho biết chuyến hàng này của Nga nằm trong khuôn khổ viện trợ nhân đạo thông qua Chương trình Lương thực thế giới (WFP).

Số bột mì viện trợ này sẽ được phân bổ cho người dân các tỉnh Kangwon và tỉnh Ryanggang, đặc biệt chú trọng tới các đối tượng dễ bị ổn thương như trẻ em, thai phụ và bà mẹ đang nuôi con nhỏ.

Trước đó, Nga đã viện trợ cho Triều Tiên 2.400 tấn bột mì trong khuôn khổ dự án của WFP để giúp Triều Tiên giải quyết nạn đói. 

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang xem xét nối lại viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên thông qua các tổ chức quốc tế, song song với tăng cường các hoạt động giao lưu liên Triều.

Hàn Quốc đã ngừng chương trình viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên sau khi Triều Tiên thực hiện các vụ thử hạt nhân và tên lửa năm 2016. 

MINNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên