Phóng viên Will Ripley của Đài CNN khởi hành đi Triều Tiên từ sân bay Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 22-5 - Ảnh: REUTERS
Danh sách gồm 4 phóng viên báo điện tử và 4 phóng viên từ đài phát thanh-truyền hình mà Hàn Quốc đưa cho Triều Tiên thông qua kênh liên lạc ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã được chấp thuận lúc 9h sáng nay 23-5 (giờ địa phương).
Động thái đổi ý này xảy ra chỉ một ngày sau khi danh sách này bị Bình Nhưỡng từ chối mà không đưa ra bất kỳ lý do nào.
Hiện các phóng viên từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau của một số quốc gia, trừ Hàn Quốc, đã tới Wonsan và đang đợi để được giới chức nước này đưa tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Dự kiến, các phóng viên Hàn Quốc sẽ bay tới thành phố cảng Wonsan của Triều Tiên trên chuyến bay thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm họ sẽ khởi hành, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho hay.
"Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến hành các bước đi cần thiết liên quan tới chuyến đi tác nghiệp Triều Tiên của đoàn báo chí Hàn Quốc, bao gồm cả cung cấp phương tiện di chuyển", thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nêu rõ.
Ngày 12-5, Triều Tiên đã mời các phóng viên từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Anh tới dự sự kiện đánh dấu việc đóng bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri ở miền bắc nước này, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 23 tới 25-5, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Phía Bình Nhưỡng khi đó còn cho biết sẽ lập một trung tâm báo chí và sắp xếp chỗ ở đặc biệt cho các phóng viên.
Theo báo Korea Times, Bình Nhưỡng còn yêu cầu mỗi nhà báo phải đóng 10.000 USD phí làm thị thực. Riêng các nhà báo Hàn Quốc không phải đóng phí này
Nhiều nước đã lên tiếng hoan nghênh quyết định đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri, bãi thử hạt nhân duy nhất của nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi kế hoạch dỡ bỏ cơ sở thử hạt nhân nói trên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều là "một cử chỉ rất sáng suốt và lịch thiệp".
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, việc thiếu các chuyên gia quốc tế đến chứng kiến khiến tuyên bố đóng cửa bãi thử Pyunggye-ri của Triều Tiên giảm đi sức thuyết phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận