Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (ngồi giữa, bên trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (giữa, bên phải) ngồi trên bàn họp ngày 27-4 - Ảnh: REUTERS
Ông Kim Jong Un đã nắm tay ông Moon Jae In bước qua giới tuyến của khu vực phi quân sự phân cách hai miền thuộc làng Bàn Môn Điếm sáng nay 27-4.
Đây là hình ảnh đẹp, được kỳ vọng như bước ngoặt giúp tháo gỡ căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Hai nước vốn chỉ thỏa thuận ngừng bắn năm 1953 chứ chưa hòa bình từ sau chiến tranh Triều Tiên.
Sau đó, hai vị lãnh đạo cùng vào Nhà Hòa bình, nơi tượng trưng cho ước mơ hòa hợp dân tộc, để hội đàm.
Phóng viên của Hãng tin Reuters có mặt tại cuộc họp thượng đỉnh này khẳng định vài phút trước khi vào Nhà Hòa bình, một nhân viên an ninh Triều Tiên đã tiến hành các biện pháp đảm bảo an ninh quen thuộc.
Theo đó, người này quét dò tìm chất nổ và kiểm tra xem có các thiết bị nghe lén hay không. Ngoài ra, nhân viên trên dường như xịt thuốc khử trùng/khử độc trong không khí, xịt lên ghế ngồi và lên quyển sổ của khách mời mà ông Kim sẽ viết trên đó.
Nhân viên an ninh Triều Tiên khử trùng và rà máy nghe lén tại phòng hội đàm trước khi Chủ tịch Kim Jong Un bước vào làm việc sáng 27-4 - Ảnh: REUTERS
Nhà Hòa bình là địa điểm được xây dựng để tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh kiểu này trong tương lai.
Các thước phim trực tiếp cho thấy ông Moon và ông Kim dừng lại chụp ảnh bên trong bức tranh mới vẽ trong ngôi nhà, tả cảnh ngọn núi Kumgang của Triều Tiên - một trong các biểu tượng của hợp tác hai miền về du lịch.
Ngọn núi này được xem là biểu tượng hòa giải và hợp tác giữa hai miền, nhưng vào năm 2008 dự án du lịch chung nêu trên bị tạm dừng sau khi một du khách Hàn Quốc bị bắn chết. Các thông tin từ Hàn Quốc nói rằng binh sĩ Triều Tiên đã nổ súng.
Ông Kim Jong Un và ông Moon Jae In đứng trước bức tranh vẽ ngọn núi Kumgang - Ảnh: REUTERS
Tại Nhà Hòa bình sáng 27-4, hai lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ ngồi cách nhau đúng cự ly 2,018m, chuẩn xác với năm 2018 để đánh dấu cuộc gặp lịch sử này. Họ ngồi trên những chiếc ghế có phần lưng tựa được thiết kế theo bán đảo Triều Tiên, báo Guardian cho biết.
Ông Kim Chang Su, chuyên gia tại Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc, cho rằng cuộc gặp này sẽ tập trung vào "hòa bình" chứ chưa tính tới "thống nhất". Dù vậy theo ông Kim Chang Su, đây cũng là tín hiệu hứa hẹn cho việc giải quyết khúc mắc, tiến tới hòa hợp dân tộc.
Chuyên gia này nhận xét rằng khi hai lãnh đạo gặp nhau ở đường biên giới, họ bắt tay nhau đi qua và đó là một cử chỉ mang tính biểu tượng: "Rất bất ngờ nhưng đó là tín hiệu hòa hợp, hơn là việc chỉ một bên thúc đẩy các cuộc đàm phán với bên kia. Đó là một cử chỉ rất đậm nét mà ông Kim Jong Un thể hiện".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận