Hàn Quốc tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ Tại phiên họp khẩn của Ủy ban thường trực Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc, Seoul đã quyết định sẽ đáp trả mạnh mẽ các hành động khiêu khích của Triều Tiên. Phiên họp này được triệu tập chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên phóng một quả tên lửa nhưng vụ phóng được cho là đã thất bại. Nhiều chuyên gia được dẫn lời nhận định rằng vụ phóng mới nhất này cho thấy Triều Tiên vẫn còn gặp khó khăn trong việc phát triển động cơ sử dụng nhiên liệu rắn cho loại tên lửa mới. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng vụ phóng có thể là một phần của chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên.
|
Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc họp khẩn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Ủy ban thường trực Hội đồng An ninh Quốc gia nước này tổ chức phiên họp vào lúc 9h30 (tức 7h30, giờ VN) để đánh giá tình hình an ninh, sau khi Triều Tiên vừa tiến hành một vụ phóng tên lửa thất bại. Một quan chức giấu tên của Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết Seoul vẫn đang phân tích loại tên lửa Triều Tiên vừa phóng cùng một số thông tin khác. Theo một số quan chức Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên vừa phóng có thể cùng loại với tên lửa mà nước này sử dụng trong vụ phóng hồi đầu tháng, tức một loại tên lửa tầm trung. |
Hàn Quốc: Tên lửa Triều Tiên đe dọa toàn thế giới Ngay sau vụ bắn tên lửa thất bại của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích hành động của chính quyền Bình Nhưỡng và cảnh báo sẽ trừng phạt nếu tiếp tục khiêu khích. "Việc Triều Tiên khoe nhiều loại tên lửa tấn công trong cuộc duyệt binh ngày hôm qua và hôm nay lại dám bắn tên lửa tên lửa đạn đạo là một sự phô trương sức mạnh quân sự, đe dọa toàn thế giới", hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.
|
Báo Nga chạy vơ đét dù giữa khuya Rạng sáng 16-4, hàng loạt cơ quan thông tấn của Nga đồng thời đưa lên trang chính vụ Triều Tiên thử tên lửa. Tại Matxcơva lúc này đồng hồ chỉ điểm khoảng 2g sáng. Tuy nhiên khả năng Bình Nhưỡng thử tên lửa sau màn trình diễn quân sự trước đó đã đặt các nước vào trạng thái cảnh giác theo dõi. Hiện chưa có bình luận chính thức nào phát đi từ Matxcơva.
|
Không phải tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Reuters dẫn nguồn tin từ hai quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết loại tên lửa được Triều Tiên sử dụng sáng 16-4 không phải tên lửa xuyên lục địa. Nó cũng không phải tên lửa đạn đạo tầm trung bắn từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong-1 đã được phô diễn trong lễ duyệt binh ngày 15-4. Hai quan chức này khẳng định tên lửa của Triều Tiên được bắn từ một bệ phóng đặt trên mặt đất (chưa rõ là hầm phóng cố định hay xe phóng thẳng đứng cơ động). |
Tổng thống Mỹ Donald Trump được báo cáo Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã được thông báo về vụ bắn tên lửa thất bại của Triều Tiên khi đang trên đường đến Hàn Quốc. Nhà Trắng cũng tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được báo cáo về sự việc lần này. Phó Tổng thống Mỹ Pence đang phối hợp và báo cáo tình hình với Tổng thống Trump. Ông Pence nhận được tin nóng sau khi chuyên cơ chở ông tới Hàn Quốc cất cánh từ Anchorage, Alaska được khoảng 1 tiếng, theo Reuters. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng xác nhận Tổng thống Trump, đội ngũ cố vấn quân sự và các tướng lĩnh trong Lầu Năm Góc đã nhận được thông tin từ Triều Tiên. |
Dường như đã thất bại "Triều Tiên đã cố gắng phóng một loại tên lửa chưa xác định từ khu vực gần Sinpo vào sáng nay nhưng kết quả dường như đã thất bại", Văn phòng Tổng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc tuyên bố. Không có thêm thông tin chi tiết nào về vụ việc lần này. Phía Hàn Quốc cho biết đang tiến hành phân tích, theo Reuters.
|
Phát nổ gần như ngay lập tức Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (USPACOM) của Mỹ đặt tại Hawaii xác nhận Bình Nhưỡng đã bắn tên lửa từ bờ biển phía đông vào 21h21 (giờ GMT), tức khoảng 4h21 sáng 16-4 giờ Việt Nam. Loại tên lửa được Triều Tiên sử dụng chưa được xác định, song nó đã "phát nổ gần như ngay lập tức". USPACOM "cam kết tiếp tục hợp tác và làm việc chặt chẽ với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, đảm bảo an ninh khu vực", thông báo nhấn mạnh.
|
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bí ẩn Vụ thử tên lửa xảy ra chỉ một ngày sau khi chính quyền Bình Nhưỡng tiến hành duyệt binh rầm rộ nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành. Tại buổi duyệt binh ngày 15-4, một loại tên lửa đạn đạo bí ẩn đã xuất hiện làm dấy lên nhiều đồn đoán rất có thể nó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thế hệ mới của Bình Nhưỡng. Sự xuất hiện của loại ICBM bí ẩn khiến nhiều người lo ngại Triều Tiên sẽ sớm bắn thử loại tên lửa mới trong bối cảnh nguy cơ về khả năng nước này tiến hành thử hạt nhân lần 6 vẫn hiện diện. Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson vẫn tiến về bán đảo Triều Tiên; WC-135, máy bay chuyên đánh hơi các vụ thử hạt nhân của Mỹ cũng đã được điều tới Nhật Bản.
|
Phó tổng thống Mỹ đến Hàn Quốc Đáng chú ý hơn cả, động thái bắn thử tên lửa của Triều Tiên lại diễn ra đúng vào thời điểm Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ đến Hàn Quốc vào ngày hôm nay. Ngày 15-4 (giờ Mỹ), Phó Tổng thống Mỹ Pence đã rời Washington lên đường đến Hàn Quốc trong chuyến thăm kéo dài 10 ngày tới châu Á. Chuyến thăm lần này của ông Pence được cho là tín hiệu tái khẳng định quyết tâm của liên minh Mỹ - Hàn trong việc ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
|
Đe dọa đáp trả Mỹ Tại Washington, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện thái độ cứng rắn đối với chính quyền Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây. Sự bất định của người đứng đầu nước Mỹ và vụ không kích đơn phương vào Syria làm người ta lo ngại kịch bản tương tự sẽ lặp lại ở Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân. Triều Tiên đã đe dọa sẽ đáp trả các động thái khiêu khích của Mỹ bằng những "đòn tấn công hủy diệt", kể cả vũ khí hạt nhân. |
Can dự và gây áp lực tối đa Ngày 14-4 (giờ Mỹ), một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên tiết lộ với hãng thông tấn AP, khẳng định Washington đã hoàn tất chiến lược đối phó Bình Nhưỡng, chặn đứng tham vọng hạt nhân của nước này. Một loạt các biện pháp, bao gồm cả quân sự đã được xem xét. Tổng thống Trump, sau thời gian cân nhắc và đánh giá tổng thể, đã quyết định chọn và gộp chung một số biện pháp, gọi chung là chiến lược "can dự và gây áp lực tối đa", AP cho biết. Theo đó, ông Trump vẫn duy trì cách tiếp cận của chính quyền tiền nhiệm, tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc nhằm tác động tới Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, theo giới quan sát quân sự và chiến lược, nếu tiếp tục xem Trung Quốc là trọng tâm trong vấn đề Triều Tiên, chính quyền Trump đang đi vào vết xe cũ của chính quyền Barack Obama - thứ mà ông Trump đã chỉ trích và gọi là "chiến lược kiên nhẫn" yếu đuối.
|
Quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng khác đi Trung Quốc là đồng minh thân cận đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên vào thời điểm hiện tại. Song quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã có dấu hiệu khác đi sau khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền ở Triều Tiên năm 2012. Sức ảnh hưởng của Bắc Kinh rõ ràng là vẫn còn ở Bình Nhưỡng, song nó đã suy giảm đáng kể. Bình Nhưỡng cũng tiến hành thử tên lửa nhiều nhất dưới thời ông Kim Jong Un. Nhiều chỉ dấu cho thấy mối quan hệ Trung - Triều đang "cơm không lành, canh không ngọt". Gần đây nhất chính là trong lễ duyệt binh, kỷ niệm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành hôm qua, không một quan chức cấp cao nào của Trung Quốc tham dự ngày lễ trọng đại nhất của Triều Tiên, Reuters cho biết. |
Mỹ phát thông điệp tấn công trên Facebook?
Tối 15-4, trên trang Facebook chính thức của USPACOM xuất hiện một đoạn video clip dài khoảng 4 phút ghi lại cảnh các xe tăng và xe chiến đấu bọc thép của quân đội Mỹ - Hàn Quốc cùng tập trận. "Các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc được tổ chức để tăng cường tối đa sự sẵn sàng của liên minh, bảo vệ bán đảo Triều Tiên khỏi bất kỳ thế lực xâm lược nào", USPACOM viết. Nội dung và dòng chú thích sẽ chẳng có gì đáng chú ý nếu nó xuất hiện vào thời điểm bán đảo Triều Tiên đang căng như dây đàn trước các động thái quân sự dồn dập xung quanh. Đáng chú ý hơn, USPACOM còn đưa vào từ khóa #FightTonight (tạm dịch: Tối nay sẽ chiến đấu). làm dấy lên suy luận bộ chỉ huy của Mỹ đã ngầm thông báo về một cuộc can dự quân sự sắp tới tại bán đảo Triều Tiên. |
Chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên đã được đẩy mạnh lên mức chưa từng có kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền năm 2012. Số vụ thử tên lửa dưới thời ông Kim là nhiều hơn bất kỳ so với thời cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong Il và ông nội ông, cố chủ tịch Kim Nhật Thành.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận