Nữ doanh nhân Nur Sajat - Ảnh chụp màn hình
"Nước Úc đã chọn tôi vì họ biết hoàn cảnh của tôi, vì vậy tôi không nộp đơn xin tị nạn nước nào khác", Sajat giãi bày trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin AFP ngày 20-10. Nữ doanh nhân chuyển giới nổi tiếng tại Malaysia vì sở hữu một công ty mỹ phẩm và khối tài sản hàng triệu USD.
"Tôi đã bị đe dọa và lạm dụng ở Malaysia nhưng Chính phủ Úc đã nhận ra điều đó", Sajat xác nhận cô đang ở một nơi "an toàn và tự do" ở Úc.
Theo Sajat, giới chức Úc thường xuyên giữ liên lạc với cô nhưng không tiết lộ họ đã giúp cô đến Úc bằng cách nào. Nữ doanh nhân 36 tuổi trốn sang Thái Lan vào đầu năm 2021 "sau khi bị các quan chức tôn giáo Malaysia đối xử tàn nhẫn và vô nhân đạo".
Sajat bị chính quyền Thái Lan bắt vào tháng 9 vừa rồi vì hộ chiếu không hợp lệ, nhưng sau đó được cho tại ngoại. Vào thời điểm đó, nhiều nhóm đấu tranh cho cộng đồng LGBT đã kêu gọi Bangkok không trục xuất Sajat về Malaysia vì cho rằng cô có thể "gặp nguy hiểm".
Trong cuộc phỏng vấn với AFP, Sajat tuyên bố sẽ không bao giờ trở lại Malaysia vì những người đe dọa cô vẫn còn ở đó.
"Tôi sẽ làm lại từ đầu tại Úc, nơi có tự do và bình đẳng giới", Sajat chia sẻ dự định sau khi hoàn thành đợt cách ly y tế. Cũng giống như tại Malaysia, Sajat cho biết cô sẽ tập trung kinh doanh trang sức và mỹ phẩm tại Úc.
Bộ Nội vụ Úc từ chối bình luận về các trường hợp xin tị nạn tại nước này vì lý do đảm bảo quyền riêng tư. Bộ Ngoại giao Malaysia và các cơ quan liên quan vẫn chưa lên tiếng.
Hồi tháng 1-2021, chính quyền Malaysia đã khởi tố Sajat vì vi phạm các quy định của Hồi giáo khi cô mặc đồ phụ nữ đến một sự kiện tôn giáo năm 2018. Cô cũng bị tố đã đe dọa và cản trở người thi hành công vụ, một cáo buộc Sajat khẳng định là sai sự thật.
Vào tháng 6 năm nay, một cơ quan phụ trách các vấn đề tôn giáo của Malaysia đã đề xuất sửa đổi luật Hồi giáo tại nước này để truy tố những người xúc phạm đạo Hồi và "cổ vũ lối sống LGBT".
Thilaga Sulathireh, người đồng sáng lập một nhóm đấu tranh cho LGBT, cho biết trường hợp của nữ doanh nhân Sajat không phải cá biệt. Nhiều người trong cộng đồng này đã phải trốn chạy ra nước ngoài vì luật pháp tại Malaysia ngày càng hà khắc với họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận