12/10/2016 11:09 GMT+7

Triều Nguyễn thực thi chủ quyền

TRẦN ĐỨC ANH SƠN
TRẦN ĐỨC ANH SƠN

TTO - “Gia Long năm thứ 17 (1816)... [vua] lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình” (đệ nhất kỷ, quyển 52, tờ 15a).

Thuyền chiến thời Nguyễn. Tranh vẽ của Nguyễn Thứ, họa sĩ cung đình thời Nguyễn
Thuyền chiến thời Nguyễn. Tranh vẽ của Nguyễn Thứ, họa sĩ cung đình thời Nguyễn

 

Đó là những dòng ngắn gọn của sự kiện vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 được ghi nhận trong sách Đại Nam thực lục.

Nhân chứng đầu tiên

Trong khi đó, nhiều tư liệu do người phương Tây biên soạn và xuất bản vào đầu thế kỷ 19 đã ghi nhận việc này như một sự tuyên bố chiếm hữu chính thức của vua Gia Long, kèm theo đó là những miêu tả về địa lý - tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa, điểm lược quá trình khai phá và chiếm hữu của người Việt đối với quần đảo này và bình luận về mục đích sáp nhập Hoàng Sa vào lãnh thổ Việt Nam của vua Gia Long.

Vua Gia Long chỉ sai cử đội Hoàng Sa cùng với thủy quân của triều đình ra Hoàng Sa để làm việc này, coi đó là một hoạt động thường xuyên, tiếp nối việc khai chiếm Hoàng Sa và Trường Sa từ các thời trước để duy trì sự chiếm hữu của người Việt đối với hai quần đảo này.

Có lẽ vì thế mà sử sách của triều Nguyễn ghi chép sự kiện này khá khiêm tốn. Tuy nhiên theo quan điểm của học giới phương Tây, sự kiện này có một ý nghĩa to lớn.

Ghi chép đầu tiên của người phương Tây về tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của vua Gia Long vào năm 1816 là của Jean-Baptiste Chaigneau trong cuốn hồi ký Le mémoire sur la Cochinchine, viết vào khoảng trước năm 1820.

Jean-Baptiste Chaigneau (1769 - 1832) là sĩ quan hải quân người Pháp đã phụng sự Nguyễn Ánh từ năm 1796 theo tiến cử của giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc).

Ông được Nguyễn Ánh phong chức đại úy hải quân và khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông trở thành một trong ba đại thần người Pháp trong triều đình Gia Long, được giao chỉ huy những chiến hạm thiện chiến nhất của triều Nguyễn đương thời như tàu Long Phi, Phụng Phi và Bằng Phi.

Jean-Baptiste Chaigneau đã ở bên cạnh vua Gia Long trong giai đoạn cuối của công cuộc phục quốc (cuối thế kỷ 18) cho đến những năm cuối của triều Gia Long.

Vì thế, ông là chứng nhân trong sự kiện vua Gia Long sai cử binh thuyền và đội Hoàng Sa đi ra quần đảo Hoàng Sa “để xem xét, đo đạc thủy trình” vào năm 1816. Jean-Baptiste Chaigneau đã khai chiếm nhiều vùng đất mới ở phương Đông để phục vụ lợi ích của nước Pháp, trước khi trở thành cận thần của vua Gia Long.

Có lẽ đó là lý do mà ông hiểu được giá trị và ý nghĩa của việc vua Gia Long sai người ra Hoàng Sa “cắm cờ và long trọng tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa” vào năm 1816.

Ông coi đây là sự tuyên bố chủ quyền chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa của vương triều Nguyễn và đã ghi chép sự kiện này trong cuốn hồi ký Le mémoire sur la Cochinchine, xuất bản ở Paris năm 1820.

Có lẽ đây là nguồn sử liệu đầu tiên của phương Tây đề cập sự kiện vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa vào năm 1816, tạo niềm cảm hứng và cơ sở dữ liệu cho những ghi nhận sự kiện này của học giới phương Tây sau này.

Những hoạt động thực thi chủ quyền

Từ tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của vua Gia Long năm 1816, hoạt động thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được tiến hành liên tục và triệt để dưới triều Minh Mạng (1820 - 1841).

Năm 1833, vua Minh Mạng phái người ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia và trồng cây (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 104, tờ 18b-19a).

Năm 1834, vua Minh Mạng sai giám thành vệ đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng hơn 20 thủy quân đi ra Hoàng Sa vẽ bản đồ (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 122, tờ 23a).

Mộc bản triều Nguyễn (khắc in sách Đại Nam thực lục chính biên về việc vua Minh Mạng chuẩn tấu của bộ Công, sai thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền ra Hoàng Sa vẽ bản đồ và cắm mốc chủ quyền vào năm 1836
Mộc bản triều Nguyễn (khắc in sách Đại Nam thực lục chính biên về việc vua Minh Mạng chuẩn tấu của bộ Công, sai thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền ra Hoàng Sa vẽ bản đồ và cắm mốc chủ quyền vào năm 1836

Năm 1835, vua Minh Mạng sai cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và thợ ở giám thành vệ cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định chở vật liệu ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia đá và xây bình phong trước miếu (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 154, tờ 4a-b).

Đặc biệt, năm 1836, vua Minh Mạng sai Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ các đảo, hòn, bãi cát... thuộc quần đảo này.

Khi ra đo đạc ở Hoàng Sa, Phạm Hữu Nhật đã mang theo 10 cọc gỗ, trên cọc có khắc dòng chữ Hán (Việt dịch): “Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc, đến đây khắc lưu chữ này” (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 165, tờ 24b-25a).

Đây là hình thức cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa do Phạm Hữu Nhật thực hiện theo lệnh của vua Minh Mạng.

Những chuyến đi ra Hoàng Sa đo đạc, lập bản đồ từ năm 1834 đến năm 1836 của thủy quân, giám thành vệ và phu thuyền trong đội Hoàng Sa đã cung cấp thông tin, dữ liệu để triều đình Minh Mạng hoàn thành bản đồ chính thức của nước Đại Nam vào năm 1838.

Đó là Đại Nam nhất thống toàn đồ, bản đồ hành chính đầu tiên của nước ta có sự phân biệt Hoàng Sa với Vạn Lý Trường Sa.

Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động mạnh và hiệu quả dưới thời Gia Long cho đến đầu thập kỷ 20 của thế kỷ 19 thì được tích hợp vào đội thủy quân của triều Nguyễn.

Những “hùng binh Hoàng Sa - Bắc Hải” đã trở thành thủy quân trong quân đội chính quy của triều đình, tham gia vào hoạt động thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới thời Nguyễn.

Về mặt pháp lý, sự kiện tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa năm 1816 dưới triều Gia Long đã góp phần xác lập nội dung: “Chủ quyền bắt nguồn từ sự chính thức chiếm hữu thật sự và thực thi chủ quyền một cách liên tục” suốt thời Nguyễn (trong thế kỷ 19), sau khi các chúa Nguyễn đã xác lập nội dung “Chủ quyền bắt nguồn từ sự sử dụng và chiếm hữu lâu đời một lãnh thổ vô chủ” (trong các thế kỷ 17 - 18).

Đây là hai trong bốn nội dung của nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” đã được đưa ra trong Định ước Berlin ký ngày 26-6-1885 và được tái khẳng định trong Tuyên bố của Viện Pháp luật quốc tế Lausanne năm 1888 về nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế để xem xét giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trên thế giới sau này.

Kẻ đến sau

Gần 100 năm sau sự kiện vua Gia Long tuyên bố chiếm hữu Hoàng Sa, tháng 5-1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Trung Quốc) là Trương Nhân Tuấn mới sai thủy sư đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy ba chiếc thuyền đi ra thám thính quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 6-6-1909, Lý Chuẩn cho quân đổ bộ lên đảo Hoàng Sa và tuyên bố “chiếm hữu” quần đảo này, chính thức nhảy vào cuộc tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, mà trước đó gần một thế kỷ vua Gia Long đã chính thức tuyên bố chiếm hữu và các thế hệ kế thừa đã thực thi chủ quyền đó một cách liên tục, hòa bình và không có một quốc gia láng giềng nào lên tiếng tranh chấp.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên