27/10/2014 11:43 GMT+7

Triều Nguyễn chống ngập như thế nào?

TS PHAN THANH HẢI  Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế
TS PHAN THANH HẢI Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế

TTO - Kinh thành ở cố đô Huế vốn là vùng đất thấp trũng. Người xưa đã làm những gì để chống ngập cũng là một bài học đáng tham khảo cho chúng ta hôm nay.

Hình do tác giả cung cấp

Đầu thế kỷ 19, sau khi quyết định chọn Huế để xây dựng kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, vua Gia Long đã cho quy hoạch và xây dựng Kinh thành trên nền tảng cũ của Đô thành Phú Xuân.

Đất này vốn được lựa chọn và quy hoạch từ thời các chúa Nguyễn, nhưng mở rộng về cả bốn phía.

Do nằm trên vùng đất trũng thấp của lưu vực sông Hương, vốn thường xuyên bị ngập lụt nên các kiến trúc sư thời Nguyễn đã có sự tính toán rất kỹ để giải quyết vấn đề cấp thoát nước và chống ngập lụt cho Kinh thành.

Ở bên ngoài, cả 4 phía, triều Nguyễn cho đào mới hoặc tu bổ, nắn chỉnh các con sông nhân tạo và tự nhiên để tạo thành các dòng sông vây quanh, vừa tạo nên tuyến hào bảo vệ, vừa tạo ra thế “tứ thủy triều quy” trong phong thủy.

Đào sông, hào

Đó là hệ thống Hộ thành hà (sông hộ thành), gồm sông Hương ở mặt nam, sông Kẻ Vạn ở mặt Tây, sông An Hòa ở mặt Bắc và sông Đông Ba ở mặt đông.

Sát chân thành triều đình lại cho đào hệ thống hào hộ thành, rộng từ 30-40m, để làm lớp phòng vệ thứ hai, đồng thời tạo cho mặt nước lưu thông, chống hiện tượng ngập úng bên ngoài Kinh thành.

Ở bên trong Thành nội, triều Nguyễn đã lợi dụng dòng chảy cũ của sông Kim Long để đào thành một con sông mang tên Ngự Hà, có hình thước thợ, chảy xuyên từ phía tây qua phía đông Kinh Thành, dài hơn 3km, phía tây nối vào sông Kẻ Vạn, phía đông đổ vào sông Đông Ba. Mặt sông rộng trung bình từ 40-60m, sâu khoảng 2m. Đây chính là tuyến sông chính trong mạng lưới thủy hệ bên trong Kinh thành Huế.

Trong kinh thành còn có khoảng 50 hồ ao lớn nhỏ được triều đình xây dựng các hệ thống cống ngầm và cống nổi để nối ra dòng sông này.

Ở hai đầu cống chính phía tây (Tây Thành Thủy Quan) và phía đông (Đông Thành Thủy Quan) đều có cửa ngăn để điều tiết nước, ngăn lũ hoặc thoát lũ vào mùa mưa bão.

Kiểm tra thường xuyên

Để bảo vệ thủy hệ Kinh thành, triều Nguyễn đã ban bố những điều luật rất rõ ràng, cụ thể nhằm bảo vệ nguồn nước, chống lấn chiếm, xả rác có thể gây nên sự ách tắc cho sự thống thoáng của mặt nước các hồ ao và Ngự Hà.

Binh lính của Vệ Hộ thành (đơn vị bảo vệ kinh thành) thường xuyên tuần phòng, kiểm tra và xử lý các hoạt động xâm phạm của dân cư và các đơn vị đồn trú trong Thành nội hay khắc phục các sự cố sạt lở, hư hỏng bờ kè, ách tắc dòng nước do mưa lụt gây nên.

Việc nạo vét Ngự Hà hay hệ thống hào hộ thành cũng thường xuyên được tiến hành để đảm bảo dòng nước luôn luôn được lưu thông.

Nhờ cách quy hoạch khoa học cùng các giải pháp tích cực như vậy nên trong suốt thời gian tồn tại của triều Nguyễn kéo dài gần 1,5 thế kỷ, hiện tượng ngập lụt tại Kinh thành Huế rất ít khi xảy ra, và nếu có xảy ra hiện tượng ngập úng thì thời gian nước rút cũng rất nhanh.

Đây thực sự là bài học kinh nghiệm quý để giải quyết vấn đề ngập lụt đang trở nên phổ biến tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay.

Hiến kế chống ngập cho TP.HCM và các đô thị khác:

- Bạn có sáng kiến gì trong việc giúp chống ngập?

- Các đô thị khác nên rút ra những bài học gì để tránh rơi vào tình trạng ngập nặng như TP.HCM?

Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email [email protected] hoặc bằng phần Ý kiến bạn đọc ngay bên dưới bài viết.

TTO

TS PHAN THANH HẢI Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên