Người biểu tình yêu cầu quốc hội thông qua luật siết chặt sở hữu súng tại Washington, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Hôm 24-3, gần 1 triệu người trên khắp nước Mỹ đã lũ lượt kéo xuống đường biểu tình, đưa ra thông điệp mạnh mẽ nhất của họ: hãy hành động chống lại bạo lực súng đạn.
Tiếng nói của người trẻ
Hơn 800.000 người biểu tình đã xuống đường khắp mọi tiểu bang tại Mỹ. Đây được xem là một trong những cuộc biểu tình tụ hội những người trẻ lớn nhất ở Mỹ kể từ sau các hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam.
Cuộc biểu tình này xuất phát từ những bức xúc về luật kiểm soát súng ống, vốn là vấn đề nổi cộm sau vụ thảm sát làm chết 17 người ở Trường trung học Marjory Stoneman Douglas tại thành phố Parkland, bang Florida (Mỹ) ngày 14-2.
Chiến dịch tuần hành có tên "March for our lives" (tạm dịch: Tuần hành vì mạng sống của chúng ta) diễn ra hôm 24-3 do chính những nhà hoạt động trẻ tuổi tại Parkland cũng như toàn nước Mỹ khởi xướng. Nó lấy cảm hứng từ một phong trào khác có tên "National school walkout" tuần trước, tập hợp những người kêu gọi thắt chặt luật súng ống.
Mặc dù Washington là địa điểm tổ chức chính của sự kiện, có hơn 800 cuộc tuần hành khác hưởng ứng phong trào lần này trên khắp nước Mỹ, từ Boston sang Los Angeles và thậm chí cả thế giới.
Tại Parkland, hơn 20.000 người tràn xuống một công viên gần ngôi trường nơi xảy ra vụ thảm sát, hô vang câu "Đủ lắm rồi", giăng những biểu ngữ như "Tại sao súng đạn của các ông quan trọng hơn mạng sống của chúng tôi?" và "Thùng phiếu của chúng tôi sẽ ngăn chặn những viên đạn".
Người Mỹ khắp thế giới cũng không dửng dưng. Từ London (Anh), Toronto (Canada), Brisbane (Úc), Rome (Ý), Paris (Pháp) cho tới Tokyo (Nhật Bản), khắp nơi người Mỹ đã giăng biểu ngữ tiếp sức cho phong trào trong nước.
Cũng có những nhóm người Mỹ xuống đường "Tuần hành vì quyền sở hữu súng của chúng ta". Trong ảnh là đoàn tuần hành tại TP Helena, bang Montana, ngày 24-3 - Ảnh: REUTERS
Không thể im lặng
Từ khi vụ thảm sát nổ ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump có những phát biểu xoa dịu dư luận bằng cách cam kết kiểm soát luật dùng súng - đi ngược lại với quan điểm ủng hộ Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ (NRA) trước đây.
Tuy nhiên, những biện pháp như tăng cường kiểm tra người mua súng hay nâng độ tuổi mua súng lên 21 thay vì 18 như hiện nay cũng không thỏa mãn những người biểu tình.
Cuộc tuần hành quy mô rộng lớn lần này là cách những người trẻ phản ứng với chính quyền, vì họ không thể tiếp tục chấp nhận thái độ im lặng của những người làm luật, và mong muốn tác động đến cuộc bỏ phiếu sắp tới về vấn đề súng đạn của quốc hội.
Michelle và tôi đều nhìn thấy động lực từ tất cả những người trẻ đang tuần hành hôm nay. Hãy giữ lấy tinh thần ấy. Các bạn đang giúp chúng ta tiến lên
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama viết trên Twitter
Người biểu tình kêu gọi cấm hẳn việc buôn bán súng trường gây sát thương trên diện rộng như vũ khí mà thủ phạm đã sử dụng ở Parkland. Ngoài ra, họ cũng kêu gọi các nỗ lực lưỡng đảng về việc siết chặt luật sử dụng súng, yêu cầu "một dự luật toàn diện và hiệu quả phải ngay lập tức được trình bày trước quốc hội để chỉ rõ những vấn đề về súng ống hiện nay".
Website của phong trào viết: "Không nhóm lợi ích đặc biệt, không chương trình chính trị nào quan trọng hơn việc thông qua dự luật để điểm mặt những vấn đề bạo lực súng đạn đang cuồng loạn ở đất nước chúng ta".
Sự phản đối dành cho NRA dự kiến sẽ càng mạnh mẽ hơn khi tổ chức này vẫn kiên quyết bảo vệ quyền bán vũ khí. Một thông điệp trên Facebook của NRA cùng ngày còn thẳng thừng tố rằng cuộc biểu tình này bị giật dây, và đem trẻ con ra làm cớ để phá Hiến pháp Mỹ, tước đi quyền bảo vệ bản thân con người và con cái họ.
Nhà Trắng ca ngợi các cuộc biểu tình vì thể hiện quyền tự do ngôn luận của người dân, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump trong suốt hôm 24-3 đã im lặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận