Ngày 27-2, thượng tá Nguyễn Ngọc Thạnh - trưởng Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi (Phòng an ninh mạng) - cho biết đã triệt phá thành công chuyên án tàng trữ, mua bán súng quân dụng trái phép trên không gian mạng.
Lần theo dấu vết mua bán súng trên mạng
Theo đó, năm 2023 qua nghiệp vụ rà quét trên mạng, Phòng an ninh mạng phát hiện có dấu hiệu mua bán vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm.
Các trinh sát bằng nghiệp vụ đã nắm tình hình ban đầu và báo giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi thành lập chuyên án triệt xóa đường dây mua bán súng trên không gian mạng.
Sau thời gian dài theo dõi, Phòng an ninh mạng đã bắt quả tang Phan Huỳnh Thiên Đạt (33 tuổi, thôn Đạm Thủy Bắc, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) đang vận chuyển trái phép vũ khí gồm hơn 1.000 viên đạn thể thao.
Phát hiện cả 'kho' súng quân dụng và nhiều loại súng, vũ khí sát thương
Mở rộng điều tra, Phòng an ninh mạng phối hợp Công an huyện Mộ Đức khám xét khẩn cấp chỗ ở của Đạt và đấu tranh tìm kho súng, vũ khí.
Tại đây, công an phát hiện và tạm giữ 92 khẩu súng các loại, gồm súng quân dụng, súng săn và đồ chơi nguy hiểm.
Cùng với đó thu giữ hơn 14.600 viên đạn thể thao, công cụ hỗ trợ.
Làm việc với công an, Phan Huỳnh Thiên Đạt khai nhận đã đặt mua các loại súng, vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ, các linh, phụ kiện vũ khí... từ nhiều nơi trong và ngoài nước.
Vận chuyển súng ống như hàng hóa thông thường
Số vũ khí trên được vận chuyển bằng đường bưu điện về Quảng Ngãi. Sau đó, Đạt cất giấu chúng tại kho hàng bí mật và liên tục thay đổi địa điểm kho hàng để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Đạt sử dụng các tài khoản mạng xã hội YouTube, Facebook (nhóm kín) đăng tải, quảng cáo và mua bán các loại vũ khí nguy hiểm trên.
Đạt khai nhận trước khi bị bắt đã thực hiện hàng trăm giao dịch mua bán súng và vũ khí có tính sát thương cao cho nhiều người khắp cả nước.
Đạt khai: "Khi khách hàng có nhu cầu mua, sẽ liên hệ với nhau thông qua ứng dụng Telegram, Zalo... và khách hàng phải thanh toán tiền trước, hoặc đặt cọc một phần thông qua chuyển khoản ngân hàng với tài khoản không chính chủ được mua trên mạng".
Khi ràng buộc bằng tiền được thực hiện, Đạt mới gửi hàng cho khách qua dịch vụ vận chuyển hàng hóa.
Để gửi súng quân dụng và các loại vũ khí nguy hiểm trót lọt, Đạt tháo rời các bộ phận thành những kiện hàng, hoặc ngụy trang trong gói hàng.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thạnh, trưởng Phòng an ninh mạng, cho biết việc mua bán vũ khí trên không gian mạng rất tinh vi, sử dụng nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để trao đổi, giao dịch. Việc mua bán được sử dụng các tài khoản không chính chủ. Liên hệ bằng sim rác, tiếng lóng, tên lóng để thống nhất với nhau. Chính vì thế, công tác đấu tranh chuyên án này gặp nhiều khó khăn.
"Tuy nhiên, với tinh thần đấu tranh trấn áp tội phạm, Phòng an ninh mạng đã triển khai đồng bộ, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và điều tra làm rõ, khám phá thành công chuyên án này" - thượng tá Thạnh nói.
Những năm gần đây, Công an Quảng Ngãi bắt giữ nhiều vụ án mà người gây án sử dụng súng, vũ khí quân dụng để giải quyết mâu thuẫn. Nhiều vụ việc phát hiện hàng chục loại súng ống khác nhau.
Việc triệt xóa "kho" súng quân dụng và vũ khí sát thương này là nỗ lực rất lớn để ổn định an ninh trật tự, giảm thiểu nguy cơ gây nguy hiểm ngoài xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận