25/08/2016 09:37 GMT+7

Triết lý bảo vệ môi trường

TÔ VĂN TRƯỜNG
TÔ VĂN TRƯỜNG

TTO - Môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong nước, sức ép cạnh tranh của quá trình hội nhập quốc tế cùng các tác động xuyên biên giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gây bất ổn xã hội - Ảnh: CTV
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gây bất ổn xã hội - Ảnh: CTV

Sáng 24-8, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường với lãnh đạo 63 tỉnh thành, do đích thân Thủ tướng chủ trì; điều đó thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà trình bày khá đầy đủ các vấn đề liên quan như: áp lực các vấn đề môi trường bức xúc ở nước ta hiện nay, nguyên nhân, bối cảnh trong nước, quốc tế và một số dự báo, các giải pháp cấp bách về công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới và một số đề xuất, kiến nghị.

Môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong nước, sức ép cạnh tranh của quá trình hội nhập quốc tế cùng các tác động xuyên biên giới.

Nhận thức rõ những thách thức, áp lực rất lớn nêu trên, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường. Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được bổ sung và hoàn thiện.

Theo tôi hiểu, nội dung quan trọng nhất là tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới, nghĩ cho cùng tức là chỉ thải các chất độc hại đã qua xử lý đạt quy chuẩn môi trường và phù hợp với sức chịu tải của môi trường.

Để làm được điều này, người ta thường có 4 triết lý:

Thứ nhất: Chất ô nhiễm độc hại qua xử lý, phải đánh thuế ô nhiễm, có nghĩa là anh phát thải trên ngưỡng ô nhiễm bao nhiêu, tôi đánh thuế bấy nhiêu, thậm chí theo lũy tiến.

Thứ hai: Chuẩn phát thải, có nghĩa là mọi thứ tạo phát thải phải nằm trong tiêu chuẩn phát thải. Nếu vượt, tôi không cho anh vận hành/lưu hành.

Thứ ba: Môi trường chuẩn, có nghĩa là tôi đưa ra một hệ quy chiếu chuẩn cho một môi trường nhất định. Nếu thấy không đạt phải tìm xem nguyên nhân ở đâu và sửa ở đó.

Thứ tư: Hài hòa giữa chi phí cho xử lý môi trường với phúc lợi xã hội (chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe, tinh thần và thể chất...).

Ở nước ta hiện nay chỉ có thể áp dụng triết lý thứ nhất nói trên. Nhưng làm sao để đánh thuế được? Việc đầu tiên là cần người có kiến thức, có trách nhiệm, không vụ lợi, trung thực vì họ phải đóng vai trò quan tòa.

Chúng ta cần thay đổi tư duy từ phát triển trong bảo vệ sang bảo vệ trong phát triển. Môi trường nền của chúng ta lâu nay bị phá vỡ.

Để có cơ sở đối chứng thuyết phục, Nhà nước cần hệ thống hóa, nâng cao chất lượng chuỗi số liệu quan trắc thành môi trường nền quốc gia.

Theo dõi, giám sát quan trắc môi trường của các doanh nghiệp xả thải theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Lâu nay ta tốn kém nhiều tiền bạc, thời gian do phải xử lý các hậu quả do ô nhiễm môi trường.

Với những gì đã và đang diễn ra trong hệ thống quản trị quốc gia về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương thì để thực hiện được các giải pháp “cả gói” trong báo cáo của bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, chúng ta phải vượt qua muôn vàn khó khăn với hnững trở ngại không hề nhỏ.

TÔ VĂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên