TTCT- Dù vẫn phải đối phó với sản phẩm chăn nuôi giá rẻ nhập khẩu khi hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi VN đang cạnh tranh bằng cách xuất khẩu ngược ra thế giới. Chế biến thịt gà tại Công ty TNHH Koyu & Unitek-Trần Mạnh Theo các chuyên gia và doanh nghiệp chăn nuôi, khả năng xuất khẩu của các sản phẩm chăn nuôi VN là khả thi. Nếu như trước đây sản phẩm chăn nuôi của VN chủ yếu được xuất khẩu dạng tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, Campuchia hoặc số lượng rất ít và sản phẩm đặc thù như heo sữa sang Hong Kong, nay đã có những doanh nghiệp xuất khẩu số lượng lớn. Ngay trong những ngày đầu tháng 7, những lô hàng thịt gà và trứng vịt muối VN đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật, Singapore. “Mở cửa” thị trường khó tính Đầu tiên là Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) xuất khẩu lô hàng thịt gà chế biến đầu tiên vào thị trường Nhật Bản sau nhiều năm chuẩn bị. Tiếp đến, Công ty TNHH Trại Việt - Vietfarm (TP.HCM) xuất khẩu lô hàng 20 container (2 triệu trứng vịt muối) vào thị trường Singapore sau khi hoàn thiện quy trình sản xuất không sudan (hóa chất độc hại bị nhiều nước cấm có mặt trong trứng gia cầm). Ông Đàm Văn Hoạt, giám đốc Công ty Vietfarm, cho biết Singapore và Hong Kong là hai thị trường tiêu thụ rất nhiều trứng vịt muối tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên yêu cầu về chất lượng của họ rất cao, đặc biệt là hàm lượng sudan (một loại chất tạo màu công nghiệp), đã không ít lần khiến các lô hàng trứng vịt của VN bị trả về. Vì vậy sau khi đổi mới công nghệ chuyển từ nuôi vịt chạy đồng sang nuôi cạn trong chuồng trại với nguồn thức ăn được kiểm soát kỹ càng, đến nay Vietfarm đã thành công trong sản xuất trứng vịt không sudan để có thể xuất khẩu vào hai thị trường khó tính nói trên. Theo ông Hoạt, chỉ riêng thị trường Singapore mỗi ngày tiêu thụ 1 triệu quả trứng vịt muối (tương đương 10 container). Nếu đảm bảo nguồn trứng chất lượng thì đây là một thị trường tiêu thụ rất tốt cho trứng vịt của VN, nhất là trong bối cảnh giá các sản phẩm chăn nuôi giảm sâu thời gian qua. “Sau khi hoàn thiện quy trình nuôi trứng sạch với quy mô 40.000 con vịt tại Tây Ninh, chúng tôi đang mở rộng hệ thống trang trại liên kết lên quy mô 500.000 con ở Tây Ninh và Vũng Tàu để xuất khẩu nhiều trứng vịt hơn trong thời gian tới” - ông Hoạt cho biết. Trong khi đó, ông Khưu Nhơn Hiếu, tổng giám đốc Koyu & Unitek, cho biết dù mới xuất khẩu lô hàng thử nghiệm sang Nhật Bản, nhưng quy trình chuẩn bị hơn ba năm qua đã được các đối tác biết đến. Vì vậy đến nay lượng đơn hàng mà đối tác Nhật Bản đã đặt rất nhiều. Nếu những lô hàng xuất khẩu thuận lợi, công ty sẽ đầu tư mở rộng hệ thống trang trại và nhà máy giết mổ cho mục tiêu xuất khẩu đã đeo đuổi mấy năm qua. Ông Gabor Fluit, tổng giám đốc De Heus châu Á (công ty chuyên về thức ăn chăn nuôi và quản lý trang trại), cho biết tổng nhu cầu nhập khẩu thịt gà trên thế giới năm 2016 là trên 9,2 triệu tấn. Trong đó Nhật Bản là thị trường nhập khẩu nhiều nhất (973.000 tấn), tiếp đến là Mexico (791.000 tấn), Saudi Arabia (800.000 tấn), EU (761.000 tấn)... Tại châu Á, ngoài Nhật thì các quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu nhiều thịt gà là Trung Quốc (430.000 tấn), Hong Kong (Trung Quốc) 344.000 tấn, Philippines (245.000 tấn). Trong khi đó, cũng theo ông Gabor, trong số các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới ngoài Brazil, Mỹ và EU thì Thái Lan đứng hàng thứ tư với việc xuất khẩu 690.000 tấn trong năm 2016. “Các số liệu trên cho thấy xuất khẩu thịt gà của VN vào những thị trường nhập khẩu lớn nhất là hoàn toàn khả thi” - ông Gabor nói. Sơ chế trứng tại Công ty Vietfarms -Trần Mạnh Bài toán ở chất lượng Khoảng 5 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi gà công nghiệp của VN liên tục điêu đứng vì thịt gà giá siêu rẻ nhập về từ Mỹ, Brazil và EU. Có những thời điểm hàng nhập khẩu về nhiều, khiến ngành nuôi gà đứng bên bờ vực phá sản. Đã có lúc các chủ trang trại gà họp bàn với nhau làm đơn kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan điều tra chống bán phá giá hoặc gian lận thương mại với thịt gà nhập khẩu. Tuy nhiên khi phân tích kỹ hơn, chủng loại thịt nhập khẩu về VN chủ yếu là đùi, cánh và nội tạng gà - những sản phẩm mà người VN ưa chuộng, trong khi tại các quốc gia phương Tây hay các nước phát triển ít dùng nên bán với giá rẻ. Thay vào đó, người ta sử dụng nhiều thịt ức gà và đây là mặt hàng có giá trị cao nhất của con gà sau giết mổ. Ở VN thì ngược lại, ức gà là phần mà các nhà chế biến khó tiêu thụ nhất vì người Việt ít ăn nên giá rẻ. Chính những khác biệt về thói quen tiêu dùng này khiến một số doanh nghiệp nảy ra ý định: thay vì kêu cứu từ các cơ quan chức năng, tại sao VN không thể xuất khẩu ức gà sang các thị trường cao cấp với giá cao để bù lại cho các sản phẩm khác bán giá rẻ cạnh tranh với thịt gà nhập khẩu. Ý tưởng đó được một nhóm doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện cách đây hơn ba năm. Ông Nguyễn Văn Ngọc - chủ trang trại tham gia trong chuỗi này đồng thời là phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ - cho biết có ba khó khăn cơ bản để xuất khẩu thịt gà VN ra thế giới: giá thành cao, chất lượng không ổn định và an toàn dịch bệnh. Giải quyết được ba khâu này thì thịt gà nói riêng cũng như các sản phẩm chăn nuôi của VN nói chung có thể bước ra thế giới. “Điều này không có gì là bất khả thi, trong khu vực Đông Nam Á thì Thái Lan với nhiều điều kiện tương đồng với VN đã xuất khẩu mỗi năm hàng triệu tấn thịt gà ra thế giới” - ông Ngọc nói. Để giải quyết ba vướng mắc cơ bản trên cần một liên minh các bên trong chuỗi giá trị để cùng chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn cũng như lợi ích. Đó là đơn vị cung cấp con giống chất lượng cao, đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi đủ tiêu chuẩn, đơn vị chăn nuôi chuyên nghiệp, đơn vị giết mổ và chế biến đạt chuẩn quốc tế. Chỉ có một chuỗi đảm bảo các yếu tố đầu vào như vậy mới có sản phẩm chất lượng cao, giá thành thấp và an toàn dịch bệnh. Phần còn lại là việc của các cơ quan nhà nước đàm phán với các nước nhập khẩu để mở cửa thị trường. Theo ông Vũ Mạnh Hùng - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, toàn bộ quy trình chăn nuôi của chuỗi thực phẩm nói trên đều được kiểm soát về chất lượng và an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Việc tham gia chuỗi sản xuất thực phẩm chất lượng cao của các đơn vị nói trên không chỉ đưa sản phẩm VN xuất khẩu, mà còn góp phần tăng chất lượng thực phẩm trong nước. Ông Gabor cho biết Nhật Bản và EU là hai thị trường lớn hàng đầu thế giới mà VN cần hướng tới. Nhật Bản nhập khẩu thịt gà nhiều nhất từ Brazil, Thái Lan và Trung Quốc. Nếu Brazil là cường quốc chăn nuôi vì họ là quốc gia sản xuất nguyên liệu thức ăn là bắp và đậu nành lớn nhất thế giới thì cả Trung Quốc và Thái Lan đều phải nhập khẩu nguyên liệu chăn nuôi như VN. Vì vậy, bài toán còn lại chỉ ở giá thành sản phẩm. “Cách đây gần 10 năm khi tôi đến VN, giá thành chăn nuôi gà của VN cao hơn so với Thái Lan khoảng 20%. Nhưng đến nay với việc áp dụng các công nghệ cao vào thì giá thành nuôi gà ở nhiều trang trại tại VN đã có giá thành bằng Thái Lan rồi. Không có lý do gì Thái Lan xuất khẩu thịt gà hàng tỉ USD mỗi năm mà VN lại không thể xuất khẩu được sản phẩm này” - ông Gabor chia sẻ. Cũng theo ông Gabor, một số đối tác của De Heus tại EU đã liên hệ với đơn vị này bàn hướng xuất khẩu thịt gà vào châu Âu. EU vừa là nơi xuất khẩu, nhưng đồng thời cũng là khu vực nhập khẩu nhiều thịt gà bởi họ thiếu ức gà nhưng thừa đùi và cánh gà. Đây chính là cơ hội cho VN kinh doanh theo hướng ngược lại là xuất khẩu ức gà vào EU. “Ngoài thịt gà, chúng tôi cũng đang tính đến chuyện xây dựng các chuỗi sản xuất thịt heo của VN để vừa đáp ứng nhu cầu trong nước nhưng cũng sẽ xuất khẩu sang một số thị trường khác” - ông nói.■ Điều kiện đã sẵn sàng Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến xuất khẩu sản phẩm gia cầm VN ngày 1-7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết các điều kiện để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của VN đã sẵn sàng. Đến nay, ngành chăn nuôi trong nước đã sản xuất thừa thịt heo, thịt gà và trứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Vì vậy, tìm cách xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là hướng đi tiếp theo để nâng cao khả năng tiêu thụ cũng như cạnh tranh của ngành chăn nuôi VN. Hiện các cơ quan chức năng đã làm việc với nhiều quốc gia để đưa sản phẩm chăn nuôi VN vào nước họ. Bước đầu, Nhật Bản đã đồng ý mở cửa cho sản phẩm thịt gà chế biến của VN. Tiếp đến, VN sẽ từng bước mở cửa các thị trường khác đã ký các hiệp định thương mại như Hàn Quốc, Trung Quốc, EU... Tags: Xuất khẩu thịtXuất khẩu gàXuất khẩu chăn nuôi
Đường nối Trần Quốc Hoàn cùng hai công trình lớn ở TP.HCM đã thông xe đón Tết CHÂU TUẤN 27/01/2025 Đường nối Trần Quốc Hoàn, đường Dương Quảng Hàm, cầu Bà Hom đã lần lượt được thông xe, giúp người dân có thêm sự lựa chọn đi lại dịp Tết.
Trụ sở UBND tỉnh Sóc Trăng mở cửa 7 ngày Tết cho người dân vào tham quan KHẮC TÂM 27/01/2025 Đây là Tết Nguyên đán thứ ba liên tiếp, trụ sở UBND tỉnh Sóc Trăng được trang trí đẹp với nhiều tiểu cảnh bắt mắt để người dân vào tham quan, chụp hình.
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Đôi nam nữ bị đâm chết trong đêm 27 Tết TRÀ PHƯƠNG 27/01/2025 Vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Một đôi nam nữ bị người bạn cũ đâm chết trong đêm 27 Tết.