TTCT - Lạm phát được dự báo vẫn ở mức cao trong pha nửa năm đầu, sau đó dần hạ nhiệt và ổn định ở pha cuối năm. Chỉ số CPI tháng 1 tăng mạnh 0,5% so với tháng trước, chủ yếu do giá thực phẩm, đồ uống, xăng dầu tăng. Đứng trước áp lực chi phí, nhiều hãng đã lên kế hoạch tăng giá bán để đảm bảo biên lợi nhuận. Tập đoàn Nestlé mới đây thông báo tiến hành đợt tăng giá hàng loạt trong năm 2023 nhằm đối phó với việc chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.©2023 Brian Stauffer/theispotDạo quanh một vòng TP.HCM, nhiều cửa hàng và quán ăn vẫn giữ mặt bằng giá khá cao, ngay cả sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Có thể thấy bóng ma lạm phát vẫn còn là nỗi ám ảnh ở khắp nơi, dù năm nay có thể không xảy ra nhiều cú sốc bất chợt về đứt gãy chuỗi cung ứng hay giá dầu thô tăng vọt như 2022.Nhiều hàng hóa cơ bản tăng giáChứng khoán Vndirect dự báo ít nhất trong nửa đầu năm, áp lực lạm phát vẫn duy trì ở mức cao. Lý do là Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở lên thành 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng 20,8%, áp dụng từ ngày 1-7 tới. Đó còn là chính sách tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc cho một số đối tượng như người hưởng lương hưu từ ngân sách nhà nước, cán bộ y tế cơ sở… Một khi lương cơ sở tăng, lạm phát sẽ có xu hướng tăng theo do tâm lý tăng lương gắn với tăng giá hàng tiêu dùng của một bộ phận người kinh doanh tạp hóa, bán lẻ.Thêm vào đó, giá điện cũng đang rục rịch tăng. Tập đoàn EVN phát đi tín hiệu gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện và huy động vốn để đầu tư các dự án. Thậm chí công ty mẹ EVN dự báo không còn tiền trong tài khoản vào cuối tháng 5, thiếu tiền thanh toán từ tháng 6 khoảng 3.730 tỉ đồng và có thể tăng lên thành 28.206 tỉ đồng vào cuối năm nay.Năm ngoái, giá điện đã không tăng mạnh như giá xăng dầu vì Chính phủ muốn hy sinh giá điện để kiềm chế lạm phát. Do đó năm nay không loại trừ khả năng EVN sẽ được đáp ứng yêu cầu tăng giá. Việc Chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công cũng có thể gây tăng giá một số mặt hàng xây dựng thiết yếu như thép, xi măng, cát đá.Theo phân tích của Vndirect, mặc dù hàng hóa toàn cầu đã đạt đỉnh về mức tăng lạm phát, nhưng tác động của đồng USD mạnh lên với nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn kéo dài ở nhiều nước đến quý 3-2023. Chi phí nợ liên quan tới ngoại tệ cao hơn so với cùng kỳ sẽ được chuyển hoàn toàn vào giá bán lẻ cho người dùng cuối.Lạm phát 2022 của Việt Nam là 3% - mức thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước đang phát triển hay mới nổi khác, nhưng Quỹ Vina Capital dự đoán con số này sẽ tăng lên 4% vào năm 2023, phần lớn là do Trung Quốc mở cửa trở lại có khả năng gây áp lực tăng giá lương thực và năng lượng ở Việt Nam.Vài tín hiệu lạc quanViệt Nam, như nhiều quốc gia khác, đã khởi động cuộc chiến chống lạm phát quyết liệt từ giữa 2022. Cách tiếp cận đó là đúng khi tiền đồng có dấu hiệu mất giá vượt kế hoạch, ngay cả khi CPI đang ở ngưỡng an toàn. Hàng loạt các biện pháp rút tiền về và nâng lãi suất được thực thi. Nhưng lãi suất cao đồng thời ảnh hưởng đến sức cầu của nền kinh tế. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng kỳ vọng tăng 8,5 - 9,0% trong năm 2023, thấp hơn hẳn so với mức 19,9% của năm 2022 (dự báo của Vndirect). Mặt khác, tác động tiêu cực của chính sách thắt chặt là một số doanh nghiệp có tỉ lệ đòn bẩy tài chính lớn dễ mất thanh khoản, thậm chí không trả được nợ đến hạn và buộc phải thanh lý, giải thể. Nói chung đó luôn là một cuộc đánh đổi khó khăn với giới điều hành chính sách.Giống như 2022, ẩn số lạm phát trong phần còn lại của năm còn phụ thuộc vào diễn biến giá dầu thô thế giới. Một tin ít ra là không xấu ở đấy là hầu hết giới chuyên gia nhận định thế giới sẽ khó lặp lại cú sốc giá dầu như năm ngoái. Ngân hàng Goldman Sachs mới đây dự báo giá dầu Brent có thể sẽ ở mức trung bình 92 USD/thùng trong năm nay, thấp hơn so với dự đoán trước đó của họ là 98 USD. Lãi suất cao đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ năng lượng, giới đầu tư cũng đã quen hơn với việc xuất khẩu của Nga giảm mạnh do lệnh trừng phạt.Một tin tốt khác là các nhà máy của Trung Quốc mở lại và dần hoạt động đúng công suất sẽ góp phần hàn gắn đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới, hy vọng giảm bớt áp lực tăng giá, nhất là vào nửa cuối năm. Việt Nam tất nhiên sẽ hưởng lợi từ xu thế này.■Ảnh: The Telegraph Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn là công cụ hiệu quả nhất để đối phó lạm phát mà Việt Nam có. Hướng tiếp cận chính sách hiện vẫn là ưu tiên thận trọng, ít nhất đến hết quý 2. Sau đó, nếu cần phản ứng để thúc đẩy tăng trưởng GDP và cơ hội việc làm, nhà điều hành có thể sẽ linh hoạt hơn với các biện pháp nới lỏng hơn. Theo dự báo của Quỹ Vina Capital, lãi suất ở Việt Nam trong năm nay có thể sẽ giảm sau khi tăng mạnh trong năm 2022 do tiền đồng đã bắt đầu tăng giá và áp lực lạm phát toàn cầu đang giảm bớt. Để hiểu áp lực lạm phát bao giờ sẽ dịu lại, cần hiểu đợt lạm phát mạnh hiện nay từ đâu tới. Vấn đề trước hết bắt đầu ở Mỹ vào năm 2021 khi mức cầu tăng mạnh hậu đại dịch COVID-19, kèm theo là các gói cứu trợ khổng lồ tổng cộng lên tới 26% GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới, tính mốc sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành Đạo luật khôi phục nước MỸ trị giá 1,9 nghìn tỉ USD."Nhu cầu vô độ với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ đã gây ngộp cho chuỗi cung ứng của thế giới - báo Anh The Economist bình luận - mà chuỗi cung ứng này vốn đã vận hành kém hiệu quả hơn vì các biện pháp phong tỏa trong dịch và những nhà máy bị đóng cửa". Trì hoãn và thiếu hụt sản lượng trong những ngành sản xuất cơ bản như microchip đã khiến lạm phát hàng hóa trở thành một vết dầu loang và loang rất nhanh ra nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Giá nhiên liệu, vốn đã ngóc đầu dậy từ năm 2021, bị bồi thêm cú sốc chiến tranh Ukraine, đã lập nhiều kỷ lục mới.Hiện giờ, nhu cầu hàng hóa của nền kinh tế Mỹ vẫn không thay đổi nhiều, nhưng các chuỗi cung ứng đã dần thích nghi được. Từ tháng 9 tới tháng 12-2022, giá hàng hóa tiêu dùng ở Mỹ đã giảm nhẹ. Giá dầu duy trì ở mức 85 USD/thùng, giảm mạnh so với mức đỉnh gần 140 USD/thùng hồi tháng 3-2022. Nhưng đổi lại, tăng trưởng kinh tế đang chậm chạp ở rất nhiều nơi. Một năm trước, IMF tiên đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,8% trong năm 2023. Hiện giờ họ đã điều chỉnh mức này còn 2,9%. Cuộc chiến Ukraine phải chịu một phần trách nhiệm, nhưng ngay chính ở Mỹ, vốn là một nước xuất khẩu nhiên liệu thuần, tăng trưởng trong quý 4-2022 cũng chỉ ở mức 1% so với cùng kỳ.Trong khi đó, chỉ số giá "lõi" ở Mỹ, tức loại trừ hai mặt hàng có giá cả biến động quá mạnh là lương thực và nhiên liệu, đã tăng 4,6% so với cùng kỳ trong 3 tháng qua. Nguồn lạm phát chính là lĩnh vực dịch vụ, khi chi phí lao động tăng lên. Thống kê cho thấy ở Mỹ, Anh, Canada và New Zealand, mức lương đang tăng nhanh hơn so với mức lạm phát mục tiêu ở hầu hết các nước là 2%. Điều đó không có gì ngạc nhiên, khi ở 6/7 nền kinh tế G7, các nước đang có tỉ lệ thất nghiệp vào loại thấp nhất trong cả một thế kỷ. Ở Mỹ chẳng hạn, tỉ lệ thất nghiệp hiện là thấp nhất kể từ năm 1969.Tất cả khiến mức lạm phát kỳ vọng ở nhiều nền kinh tế trên thế giới năm 2023 được dự báo là 3-5% (Việt Nam được dự báo là 4%). Mức đó sẽ không đáng sợ bằng năm vừa rồi, nhưng vẫn sẽ là cơn đau đầu với nhiều ngân hàng trung ương và cả triển vọng của giới đầu tư. Nhìn vào quá khứ, các ngân hàng trung ương nói chung gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế, tức kết thúc một đợt lạm phát tăng không phải bằng suy thoái kinh tế, do tác động của lãi suất tăng cao.C. VĂN Tags: Giá thực phẩmMặt bằng giáLãi suất caoTăng trưởng kinh tếSuy thoái kinh tếKiềm chế lạm phátChuỗi cung ứngHuy động vốnCpiHàng tiêu dùngĐòn bẩy tài chínhGặp khó khăn
Cơm, phở sân bay giá trên trời, lẽ nào đi máy bay phải đem theo cơm nắm, thịt rim? HỒNG PHÚC 24/02/2025 Kết quả doanh thu tăng cao và biên lợi nhuận đáng mơ ước của các công ty khai thác dịch vụ ở sân bay khiến nhiều bạn đọc không ngần ngại chỉ ra sự vô lý của giá cả đang được bán ở sân bay trong nước.
Tranh cãi kịch liệt về cách xưng hô khi gặp bác sĩ THANH NGUYỄN 24/02/2025 Lời chia sẻ về cách xưng hô với bác sĩ của một cô gái khi đi khám bệnh đang nhận tranh cãi kịch liệt, người đồng tình nhưng cũng có người phản đối.
Tổng giám đốc một công ty sản xuất bao cao su xin nghỉ việc vì 'nhiều áp lực' BÌNH KHÁNH 24/02/2025 Ông Nguyễn Kinh Thành - tổng giám đốc Công ty cổ phần Merufa - xin nghỉ việc vì sau 4 tháng đã không thể hoàn thành nhiệm vụ mới với áp lực công việc như hiện nay, cũng như sự kỳ vọng từ chủ tịch.
Nhiều loại rau rớt giá thê thảm chỉ còn 1.000 đồng/kg, nông dân khóc ròng TẤN LỰC 24/02/2025 Từ sau Tết Nguyên đán, giá rau xanh tụt dốc không phanh, nhiều mặt hàng chỉ còn 'đồng giá' 1.000 đồng/kg khiến nông dân Gia Lai khóc ròng.