TTCT - Liệu "kế hoạch chiến thắng" mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra vào ngày 26-9 có mang đến hòa bình cho Ukraine? Ảnh: Getty Ngày 26-9 tại Washington, ông Zelensky giới thiệu "kế hoạch chiến thắng" cho người đồng cấp Mỹ Joe Biden sau khi dự khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Kế hoạch bao gồm bốn điểm chính và một điểm bổ sung, được The Times tóm tắt: (1) Yêu cầu phương Tây đảm bảo an ninh cho Ukraine theo kiểu tương tự hiệp ước phòng thủ chung của NATO; (2) ủng hộ Ukraine tiếp tục xâm chiếm vùng Kursk của Nga làm con bài mặc cả; (3) yêu cầu cung cấp vũ khí "đặc thù" hiện đại; (4) hỗ trợ tài chính quốc tế cho nền kinh tế bị tàn phá của Ukraine.Trước đó, trả lời tờ Observer tại Kiev, ông Zelensky cho biết thêm kế hoạch này cũng bao gồm việc tấn công sâu vào trong nước Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp, điều đến nay Mỹ và Anh chưa đồng ý.Ông Zelensky khẳng định "kế hoạch chiến thắng" sẽ thành công nếu Tổng thống Biden và các đối tác phương Tây nhanh chóng chấp nhận trong khung thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 tới. Cổng thông tin Ukraine Strana News nói rõ: ông Zelensky muốn "chấm dứt chiến tranh tại thượng đỉnh hòa bình lần thứ 2 vào tháng 11". Tháng 11 là tháng bầu cử Mỹ, chuyện rõ ràng không hề ngẫu nhiên. Trước khi ông Biden rời Nhà Trắng, ông Zelensky muốn một đảm bảo an ninh để Ukraine không bị ép vào một thỏa thuận hòa bình bất lợi, The Times bình luận.Chiến thắng nào?Thực tế là "kế hoạch chiến thắng" của ông Zelensky được đưa ra trong điều kiện Ukraine "không có triển vọng đánh bật người Nga khỏi các vùng lãnh thổ phía đông đất nước trong ngắn và trung hạn", như nhận định của báo Anh Financial Times (FT) 22-9. FT lý giải: Nga đang áp đảo Ukraine ở mặt trận phía đông. Đáp lại cuộc xâm chiếm bất ngờ của Ukraine vào Kursk hồi tháng 8 hòng "điệu hổ ly sơn", Nga không những không chuyển nguồn lực khỏi Donetsk, mà còn tiếp tục chiếm được một số thành phố và tiến đến hai trung tâm hậu cần Pokrovsk (còn cách 8km) và Mirnograd (còn cách 4km) với mục tiêu chiếm những nơi này trước cuối năm nay.Pokrovsk và Mirnograd, những nơi có dân số trước chiến tranh khoảng 100.000 người, có vai trò quan trọng với việc bảo vệ mặt trận phía đông Ukraine. Các chỉ huy Ukraine cảnh báo nếu chúng thất thủ, các thành phố lớn hơn Konstantinovka, Druzhkovka, Kramatorsk và Slavyansk sẽ bị đe dọa, đồng thời củng cố đáng kể vị thế chiến lược của Nga trong khu vực.Chiến lược cốt lõi của Nga vẫn không thay đổi kể từ tháng 2-2022: trấn áp lực lượng Ukraine nhờ lợi thế về sức mạnh và nguồn lực, các chỉ huy Ukraine nói với FT. Họ phàn nàn rằng các đơn vị của mình đôi khi bị lấn át với tỉ lệ 1:8 và cứ mỗi quả đạn họ bắn ra, quân Nga bắn lại từ 10 quả trở lên! Các chỉ huy này cho biết quân đội Nga đã rút kinh nghiệm từ sai lầm quá khứ và tránh các cuộc tấn công lớn bằng xe tăng và xe bọc thép. Chiến thuật mới dẫn đến những thành công gần đây của Nga ở khu vực Donetsk, buộc Ukraine phải rút lui và đưa Matxcơva đến gần hơn mục tiêu kiểm soát toàn bộ lãnh thổ này.Thế giới ở ngã ba đườngMột trong những câu hỏi chính hiện nay là phản ứng của Matxcơva nếu phương Tây cho phép tấn công tên lửa tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga. Chính phủ Nga ở mọi cấp độ, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin, đã tuyên bố tấn công bằng tên lửa phương Tây vào Nga có nghĩa là các nước NATO tham chiến chống Nga và Matxcơva sẽ "đưa ra quyết định phù hợp". Theo ông Putin trong một phát biểu ngày 12-9, việc sử dụng tên lửa hành trình của Anh và Pháp hay tên lửa đạn đạo ATACM của Mỹ - những vũ khí rất tiên tiến mà Kiev không thể tự vận hành nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài - sẽ "thay đổi bản chất" cuộc xung đột.Tuần qua, sức ép cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga ngày càng tăng. Những tiếng nói nặng ký bao gồm tân Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb và Jens Stoltenberg, tổng thư ký sắp mãn nhiệm của NATO. Cả hai đều lưu ý rằng các đồng minh của Ukraine đã không ít lần vượt qua "lằn ranh đỏ" do Nga đặt ra: Ukraine được cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard II, tên lửa hành trình Storm Shadow và Scalp, pháo tầm xa và thậm chí cả máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.Tuy nhiên đến nay, hầu hết lãnh đạo phương Tây đều phản đối việc can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến. Hai nước hàng đầu EU không mặn mà với việc bật đèn xanh cho Kiev bắn tên lửa vào sâu lãnh thổ Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, theo báo Tagesschau 23-9, đã từ chối chấp thuận điều này khi gặp ông Zelensky bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người không lâu trước đây còn muốn gửi quân tới Ukraine, trong một phát biểu hôm 23-9 đã đề xuất suy nghĩ về hòa bình ở châu Âu trong tương lai, có tính đến thực tế là châu Âu "không bị giới hạn ở EU và NATO" và cho rằng quan hệ với Nga, quốc gia có tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, "cần được xây dựng theo hướng mới".Về phía Nga, từ quan điểm quân sự thuần túy, rõ ràng Nga không muốn lôi kéo NATO vào cuộc chiến vì điều này sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng bất lợi cho họ. Tuy nhiên, cường độ của những tuyên bố răn đe từ Matxcơva, cũng như việc đích thân ông Putin lên tiếng, cho thấy lần này vấn đề có thể không chỉ giới hạn ở lời nói.Tình hình chiến tranh của Ukraine đã đến ngã ba đường, hoặc là ngưng bắn và các giải pháp khác nhằm giảm căng thẳng, hoặc leo thang với mối đe dọa chiến tranh tổng lực. Nếu có những tín hiệu có thể giảm phần nào nỗi lo này, có thể kể việc Nga khẳng định sẽ không thử vũ khí hạt nhân trước trừ khi Mỹ làm như vậy. Điều này được Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố ngày 23-9, loại bỏ giả định của nhiều người rằng trong trường hợp bị các nước phương Tây tấn công vào lãnh thổ, Nga sẽ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Điều này có nghĩa là sau nhiều tháng thảo luận, giới lãnh đạo Nga đã quyết định nếu Nga leo thang thì đó sẽ không phải là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đây chính xác là những gì Trung Quốc và Ấn Độ đã yêu cầu Nga đảm bảo trong hai năm qua.■ Tags: UkraineHòa BìnhTổng thống Ukraine Volodymyr ZelenskyChiến tranhQuân đội Nga
Bầu cử Mỹ: Kết quả tại 8 hạt có thể báo hiệu người chiến thắng DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.